Hướng dẫn tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1 cấp Tiểu học
Chính sách - Ngày đăng : 08:27, 10/08/2023
Cụ thể, thực hiện Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó môn Ngoại ngữ 1 là môn học tự chọn ở lớp 1, lớp 2 và bắt buộc ở lớp 3, lớp 4 và lớp 5, Bộ GDĐT đã ban hành Chương trình Ngoại ngữ 1 tự chọn môn Tiếng Anh; chương trình Ngoại ngữ 1 bắt buộc các môn Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Hàn, Tiếng Đức và đã tổ chức thẩm định, phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) các môn Ngoại ngữ 1.
Để các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức dạy học theo thẩm quyền quy định, Bộ GDĐT hướng dẫn tổ chức thực hiện dạy học các môn Ngoại ngữ 1 cấp Tiểu học, cụ thể như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích: nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trong việc được tiếp cận đa dạng các ngoại ngữ theo quy định của Bộ GDĐT phù hợp với khả năng tổ chức của các cơ sở giáo dục; hình thành cho học sinh niềm yêu thích và thói quen học ngoại ngữ, phát triển năng lực giao tiếp cơ bản bằng ngoại ngữ từ lứa tuổi nhỏ, tạo tiền đề cho việc học ngoại ngữ ở các giai đoạn tiếp theo.
2. Yêu cầu: thực hiện tổ chức dạy học môn Ngoại ngữ 1 tự chọn ở lớp 1, lớp 2 bắt buộc ở lớp 3, lớp 4 và lớp 5 phù hợp với thực tiễn của địa phương và đáp ứng các yêu cầu được quy định trong chương trình các môn Ngoại ngữ 1 của Bộ GDĐT; sử dụng SGK và các tài liệu, học liệu khác theo quy định để tổ chức dạy học; khi triển khai không được gây quá tải với học sinh tiểu học.
II. Nội dung
1. Ngoại ngữ 1 tự chọn ở lớp 1 và lớp 2.
Căn cứ vào nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh và khả năng đáp ứng về điều kiện bảo đảm, các cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn môn Ngoại ngữ 1 trong số các môn Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nga, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật hoặc Tiếng Đức theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Khi thực hiện dạy học tự chọn Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2 cần chú ý bảo đảm tính liên thông với môn ngoại ngữ thực hiện bắt buộc từ lớp 3; thời lượng dạy học phù hợp với hình thức học làm quen ban đầu, không gây quá tải cho học sinh; thực hiện kiểm tra đánh giá, trong đó chú trọng đánh giá thường xuyên để hỗ trợ học tập, không dùng kết quả đánh giá để xét lên lớp; việc học tự chọn Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2 phải được thể hiện trong kế hoạch giáo dục của nhà trường theo quy định.
Đối với môn Tiếng Anh, sử dụng SGK trong danh mục SGK được Bộ GDĐT phê duyệt; các môn Ngoại ngữ 1 còn lại thì cơ sở giáo dục thực hiện lựa chọn tài liệu theo thẩm quyền và quy định của Bộ GDĐT.
2. Ngoại ngữ 1 bắt buộc ở lớp 3, lớp 4 và lớp 5.
Các cơ sở giáo dục thực hiện tổ chức dạy học môn Ngoại ngữ 1 bắt buộc theo quy định của Bộ GDĐT, lựa chọn một trong các môn Ngoại ngữ 1 đã có đủ điều kiện triển khai8 phù hợp với khả năng tổ chức của các cơ sở giáo dục, nhu cầu học sinh và của cha mẹ học sinh, bảo đảm tính liên thông theo các yêu cầu được quy định trong chương trình các môn Ngoại ngữ và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Khuyến khích các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy học ngoại ngữ bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tại địa phương để tăng thời lượng và tạo môi trường đa dạng trong dạy học nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ.
2.1. Nội dung, hình thức, phương pháp, thời lượng dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh
a) Nội dung, hình thức và phương pháp dạy học.
Thực hiện dạy học bảo đảm các nội dung, yêu cầu cần đạt trong chương trình các môn Ngoại ngữ 1 theo quy định của Bộ GDĐT; tổ chức dạy học đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết, trong đó ưu tiên phát triển kỹ năng nghe và nói; đa dạng hóa các hình thức dạy và học bao gồm cả học ở trong lớp, ngoài lớp, trong trường và ngoài trường; tạo môi trường sử dụng và thể hiện bằng ngoại ngữ tối đa cho học sinh, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, giao lưu, phát triển văn hóa đọc sách, truyện bằng ngoại ngữ phù hợp với lứa tuổi, sở thích và giai đoạn học tập của học sinh.
b) Thời lượng dạy học
Thực hiện theo quy định của chương trình với thời lượng 140 tiết học/năm học, tương đương 04 tiết/tuần học; khuyến khích các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học tăng cường thời lượng học môn Ngoại ngữ 1 theo nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh theo quy định trên cơ sở khả năng đáp ứng của nhà trường và không gây quá tải cho học sinh.
c) Đánh giá kết quả học tập của học sinh
Thực hiện đánh giá kết quả học tập của học sinh học các môn ngoại ngữ theo quy định về đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GDĐT.
Đánh giá học sinh học ngoại ngữ cần chú trọng xây dựng sự tự tin cho người học, tăng cường việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh. Qua đánh giá kết quả học của học sinh giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp và kỹ thuật dạy học.
Đánh giá sự hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung của học sinh và năng lực đặc thù của môn học được quy định trong chương trình. Tập trung chủ yếu vào đánh giá thường xuyên với các kỹ thuật đánh giá đa dạng và phù hợp. Thực hiện đánh giá định kỳ nhẹ nhàng, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và không tạo tâm lý căng thẳng cho học sinh. Để kiểm tra định kỳ phải bao gồm đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết với tỷ lệ các kỹ năng, loại hình bài tập, số lượng và mức độ nhận thức của câu hỏi phù hợp với việc dạy và học của giáo viên và học sinh và bảo đảm các yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình môn học.
2.2. Điều kiện thực hiện chương trình
a) Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng dạy học
Bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị và đồ dùng dạy học theo quy định và hướng dẫn của Bộ GDĐT11 để tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1. Khuyến khích giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh cùng tham gia làm đồ dùng dạy học phù hợp với điều kiện thực tế để nâng cao hiệu quả dạy học.
b) Về đội ngũ giáo viên
Sở GDĐT tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là UBND tỉnh) thực hiện các giải pháp tuyển dụng, kí hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng, biệt phái giáo viên và các giải pháp đa dạng khác theo hướng dẫn của Bộ GDĐT để có đủ giáo viên dạy học môn Ngoại ngữ 1 theo quy định.
Tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo nội dung, chương trình, kế hoạch đã được Bộ GDĐT ban hành; bảo đảm giáo viên được bồi dưỡng về chương trình môn học, tập huấn sử dụng SGK trước khi được phân công giảng dạy.
c) Sách giáo khoa và tài liệu tham khảo
Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện việc lựa chọn, cung ứng, tập huấn sử dụng SGK theo quy định và hướng dẫn của Bộ GDĐT; phối hợp và giám sát các Nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân có SGK được lựa chọn tổ chức tập huấn cho giáo viên về chương trình môn học và SGK trước khi tổ chức dạy học với SGK được lựa chọn; thực hiện các giải pháp phù hợp để cung ứng SGK bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đúng tiến độ, thuận tiện cho học sinh và cha mẹ học sinh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK.
Tài liệu tham khảo thực hiện theo quy định của Bộ GDĐT13. Tăng cường trang bị các tài liệu, học liệu tham khảo cho thư viện nhà trường để hỗ trợ giáo viên và học sinh trong tổ chức các hoạt động dạy học ngoại ngữ.
III. Tổ chức thực hiện
1. Đối với sở Giáo dục và Đào tạo
Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh, tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án, kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm (về giáo viên, cơ sở vật chất, kinh phí, phương án tuyển sinh ...) để tổ chức thực hiện dạy học các môn Ngoại ngữ 1 trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Triển khai đến các Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn về nội dung, chương trình, sách giáo khoa, các điều kiện bảo đảm thực hiện đối với các môn Ngoại ngữ 1 để cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội nắm rõ về chủ trương, mục đích yêu cầu, các điều kiện triển khai đối với các môn Ngoại ngữ theo quy định và hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên dạy các môn Ngoại ngữ 1; tập trung tuyển dụng giáo viên; đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên chưa đạt chuẩn; tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên với nội dung phù hợp theo quy định của chương trình và nhu cầu thực tế của giáo viên.
Tăng cường thực hiện các hình thức xã hội hóa giáo dục phù hợp với thực tế tại địa phương; có giải pháp phù hợp để thực hiện sự kết nối và chia sẻ trong việc tổ chức dạy học ngoại ngữ giữa các địa phương, cơ sở giáo dục vùng thuận lợi và các địa phương, cơ sở giáo dục vùng khó khăn; huy động các tổ chức, cá nhân cùng tham gia xây dựng môi trường học tập ngoại ngữ thân thiện, tích cực hiệu quả trong và ngoài nhà trường theo quy định để từng bước xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ ở địa phương.
2. Đối với phòng Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo thẩm quyền quản lí tổ chức nghiên cứu nội dung, chương trình, sách giáo khoa, các điều kiện bảo đảm thực hiện đối với các môn Ngoại ngữ 1 để cán bộ quản lý, giáo viên nắm rõ về chủ trương, mục đích, yêu cầu, các điều kiện để triển khai thực hiện các môn Ngoại ngữ 1 theo quy định và phổ biến đến học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội, từ đó tổ chức đăng ký dạy học môn Ngoại ngữ 1 phù hợp với thực tế của địa phương, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh và điều kiện tổ chức của nhà trường.
Rà soát đội ngũ giáo viên dạy các môn Ngoại ngữ 1 trong địa bàn; đề xuất kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên chưa đạt theo quy định, tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên với nội dung phù hợp với quy định của chương trình và nhu cầu thực tế của giáo viên; tăng cường sinh hoạt chuyên môn liên trường, sử dụng đội ngũ giáo viên cốt cán để thực hiện các công tác chuyên môn trong lựa chọn SGK và dự giờ thăm lớp để hỗ trợ giáo viên trong tổ chức các hoạt động dạy học.
3. Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình cấp Tiểu học
Tổ chức nghiên cứu chương trình và SGK các môn Ngoại ngữ 1 đối với cấp Tiểu học để xây dựng kế hoạch, đăng ký môn ngoại ngữ phù hợp với khả năng đáp ứng của nhà trường về dạy học ngoại ngữ, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh bảo đảm tính liên thông về môn ngoại ngữ được chọn; đề xuất lựa chọn và thực hiện lựa chọn SGK, tài liệu dạy học môn Ngoại ngữ 1 theo quy định.
Rà soát đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ để đề xuất với các cấp liên quan xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định; chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên thông qua sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề với nội dung phù hợp và nhu cầu thực tế của giáo viên; tăng cường sinh hoạt chuyên môn trong trường và liên trường, dự giờ thăm lớp để hỗ trợ giáo viên trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thực hiện các hình thức xã hội hóa giáo dục phù hợp với thực tế của nhà trường, phối hợp với các lực lượng liên quan để xây dựng môi trường học tập ngoại ngữ thân thiện, tích cực và hiệu quả trong và ngoài nhà trường theo quy định.
Chú trọng việc trang bị các tài liệu, học liệu tham khảo trong thư viện nhà trường với các hình thức phù hợp để hỗ trợ giáo viên và học sinh trong tổ chức các hoạt động dạy học ngoại ngữ.
Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT triển khai nghiêm túc những nội dung được hướng dẫn tại công văn này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Tiểu học) để có biện pháp chỉ đạo kịp thời./.