Chính sách

Đắk Nông và nhu cầu phân định miền núi, vùng cao để phát triển

Hoàng Thanh 10/08/2023 05:00

Tỉnh Đắk Nông đã được công nhận là tỉnh vùng cao. Tỉnh có 61/71 xã; 3/8 huyện, thành phố là miền núi hoặc vùng cao. Cách phân định này đang giúp tỉnh có điều kiện phát triển tốt hơn.

Chính sách phù hợp

Việc phân định xã, huyện, tỉnh miền núi, vùng cao (MNVC) là một chính sách nhằm làm căn cứ để xây dựng và tổ chức thực thi chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng, từng địa bàn.

Với mục đích giúp các tỉnh MNVC thu hẹp dần khoảng cách với miền xuôi, nhiều năm qua, Chính phủ đã tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các tỉnh MNVC. Trong số đó có tỉnh Đắk Nông.

Hiện nay, Trung ương có nhiều chính sách sử dụng kết quả phân định khu vực và MNVC làm phạm vi thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Trong đó, có một số chính sách nổi bật như: chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập; chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn; chính sách học bổng và trợ cấp xã hội; chính sách cử tuyển; bảo hiểm y tế; chính sách tín dụng; chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang…

z4561773425426_3ae50372f5dcd6b889e773817efa4985(1).jpg
Thị trấn Đức An (Đắk Song) là một trong 10 xã, thị trấn chưa được công nhận vùng cao

Đến nay, tỉnh Đắk Nông có 61/71 đơn vị hành chính cấp xã; 3/8 huyện, thành phố đã được Ủy ban Dân tộc công nhận miền núi hoặc vùng cao. Đắk Nông có 46 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số được phân định khu vực, trong đó có 29 xã thuộc khu vực I; 5 xã khu vực II và 12 xã khu vực III.

Nhiều cách phân loại

Quyết định công nhận MNVC đối với các đơn vị hành chính trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng có rất nhiều quy định, tại nhiều thời điểm khác nhau.

Chẳng hạn, cách đây gần 30 năm có Quyết định số 21/UB-QĐ ngày 26/01/1993 của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Miền núi về công nhận các xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao.

Hiện nay còn tồn tại nhiều cách phân loại, xác định, phân định khu vực; phân định vùng khác nhau giữa một số ngành, lĩnh vực. Chẳng như quy định phân định khu vực I, II, III trong tuyển sinh thuộc lĩnh vực giáo dục; phân loại xã, phường, thị trấn trong lĩnh vực nội vụ và phân định khu vực theo trình độ phát triển. Kết quả phân định khu vực theo trình độ phát triển chưa được áp dụng thống nhất trong các ngành, lĩnh vực.

Kết quả xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi là căn cứ để thực hiện nhiều chương trình, chính sách của Trung ương và của tỉnh Đắk Nông.

Qua rà soát, hiện có khoảng 10 chương trình, chính sách đang thực hiện thuộc các sở, ngành khác nhau theo dõi, quản lý trên các lĩnh vực. Cụ thể như: các chương trình đầu tư phát triển kinh tế; xây dựng hạ tầng; giảm nghèo; trợ giúp pháp lý, thông tin truyền thông; chính sách y tế, giáo dục; tín dụng; dân số; thu hút cán bộ, công chức, viên chức; hỗ trợ học sinh, sinh viên,…

Ngoài các chương trình, chính sách đầu tư chung, còn có các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cho người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Do vậy, việc các thôn, xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn chưa được công nhận là MNVC sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế,.. trên địa bàn tỉnh.

Kiến nghị công nhận những khu vực đã từng là MNVC

Tỉnh Đắk Nông vẫn chưa tự cân đối được ngân sách. Đời sống người dân trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Do vậy, việc các thôn, xã thuộc vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn chưa được công nhận là MNVC sẽ giảm nguồn vốn các chương trình, chính sách do Trung ương hỗ trợ đầu tư.

Từ đó đồng nghĩa với việc người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số không được thụ hưởng, tiếp cận các chương trình, chính sách ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo, khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo,…

Việc khó khăn về nguồn vốn đầu tư, giảm đối tượng thụ hưởng sẽ ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu phát triển KT -XH giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh. Nhất là chỉ tiêu về giảm nghèo, dân số tham gia bảo hiểm y tế, tín dụng,…

img_0121(1).jpg
Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh do chưa được đầu tư, đường sá, cầu cống còn tạm bợ, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân

Trước những khó khăn trên, tỉnh Đắk Nông kiến nghị với Ủy ban Dân tộc và Chính phủ tiếp tục phân định đơn vị hành chính là MNVC trên cơ sở quy định về bộ tiêu chí phân định cụ thể và phù hợp.

Tỉnh đề nghị rà soát hợp nhất danh sách các xã, huyện, tỉnh MNVC tại các quyết định khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác theo dõi, quản lý và thực hiện các chính sách.

UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Chính phủ công nhận bổ sung 10 xã, thị trấn được thành lập mới (tách ra từ các xã vùng cao từ năm 2007) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để có cơ sở thực hiện các chính sách đối với MNVC.

Tỉnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu tích hợp đồng nhất các bộ tiêu chí MNVC; tiêu chí xác định đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển thành một bộ tiêu chí chung.

Qua đó, bảo đảm tính khoa học, theo hướng đơn giản, sát với thực tiễn để áp dụng với địa bàn các thôn, xã nhằm thuận lợi trong công tác rà soát, tổng hợp, thẩm định và phê duyệt.

Ngoài ra, tỉnh đề nghị cần rà soát hệ thống chính sách hiện có, tập trung lồng ghép các chính sách nhỏ, hỗ trợ trực tiếp vào các chương trình, chính sách lớn, đa mục tiêu, khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực, dàn trải.

Hiện toàn tỉnh Đắk Nông có 5 huyện: Đắk R’lấp, Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô, Tuy Đức; 10 xã, thị trấn: Quảng Hòa (Đắk Glong), Long Sơn (Đắk Mil), Đắk Hòa, Thuận Hà và thị trấn Đức An (Đắk Song), Đắk Ngo, Quảng Tâm (Tuy Đức), Nghĩa Thắng, Hưng Bình (Đắk R’lấp), Nam Xuân (Krông Nô) chưa được công nhận là MNVC.

Hoàng Thanh