Nigeria áp lệnh trừng phạt tài chính mới đối với láng giềng Niger

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:38, 09/08/2023

Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, hiện giữ cương vị Chủ tịch ECOWAS, cho rằng ngoại giao là "con đường tốt nhất" để giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng Niger.

Nigeria ap lenh trung phat tai chinh moi doi voi lang gieng Niger hinh anh 1Trung tá Amadou Abdramane (thứ hai, phải, hàng sau), thành viên Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc (CNSP) Niger, tới dự cuộc míttinh của những người ủng hộ chính quyền quân sự tại Niamey, ngày 6/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/8, Nigeria đã áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Niger, nhắm vào các tổ chức và cá nhân liên quan đến cuộc đảo chính quân sự hồi tháng trước ở quốc gia Tây Phi này.

Người Phát ngôn của Tổng thống Nigeria, ông Ajuri Ngelale, cho biết Tổng thống Bola Tinubu đã chỉ thị áp lệnh trừng phạt tài chính mới đối với Niger thông qua Ngân hàng Trung ương Nigeria.

Theo Người Phát ngôn của Tổng thống Nigeria, Tổng thống Bola Tinubu - hiện giữ cương vị Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) - cho rằng ngoại giao là "con đường tốt nhất" để giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng Niger.

Người Phát ngôn Ngelale nêu rõ Tổng thống Tinubu cũng như các nhà lãnh đạo khác ở Tây Phi muốn giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger thông qua các biện pháp ngoại giao hơn là bất kỳ biện pháp nào khác. Ông Ngelale cũng nhấn mạnh đây sẽ là quan điểm được duy trì trong thời gian tới.

Theo hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cho rằng ngoại giao là giải pháp tốt nhất để giải quyết tình hình ở Niger. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những nỗ lực đóng vai trò trung gian của ECOWAS.

Nigeria áp đặt biện pháp trừng phạt mới sau khi chính quyền quân sự tại Niger từ chối một phái đoàn quốc tế, gồm đại diện của ECOWAS, Liên minh châu Phi (AU) và Liên hợp quốc đến nước này trong nỗ lực ngoại giao mới nhất nhằm tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng.

Theo hãng tin AFP, chính quyền quân sự ở Niger giải thích lý do không cho phái đoàn đến Niamey vì không thể bảo đảm an toàn cho phái đoàn.

Các nước trong khu vực và phương Tây lo ngại tình hình ở Niger sẽ đẩy khu vực Sahel ở Tây Phi vào vòng xoáy bất ổn. Ngay sau cuộc đảo chính hôm 26/7, chính quyền quân sự ở Niger đã đóng cửa biên giới trên bộ và trên không với các quốc gia láng giềng.

Điều này đã cản trở các hoạt động viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc. Sau cuộc đảo chính, Mỹ đã tạm ngừng các chương trình hỗ trợ tài chính cho các hoạt động nhằm nâng cao năng lực chống khủng bố của Niger.

Phát biểu với báo giới ngày 8/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington hy vọng có thể đảo ngược tình thế và khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger.

Trước đó, ngày 7/8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã đến Niamey gặp các tướng lĩnh quân sự Niger nhằm tìm cách giải quyết khủng hoảng ở nước này.

Bà Nuland cho biết cuộc trao đổi của bà với các tướng lĩnh Niger diễn ra "thẳng thắn và khó khăn," đồng thời đánh giá không có nhiều triển vọng hóa giải cuộc khủng hoảng.

ECOWAS sẽ họp bất thường vào ngày 10/8

Các nhà lãnh đạo ECOWAS dự kiến tiến hành một cuộc họp bất thường tại Thủ đô Abuja của Nigeria vào ngày 10/8. Cuộc họp sẽ thảo luận các biện pháp khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger sau khi thời hạn của tối hậu thư do ECOWAS đưa ra đối với chính quyền quân sự ở Niger đã trôi qua.

Trong tối hậu thư này, lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực nếu các tướng lĩnh tiến hành vụ đảo chính không khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum trước thời hạn chót ngày 6/8.

Trong khi đó, kênh truyền hình Al Arabiya ngày 8/8 đưa tin chính quyền quân sự Niger đã điều các đơn vị tinh nhuệ của lực lượng vũ trang đến sân bay và dinh Tổng thống ở Thủ đô Niamey. Tuy nhiên, kênh này không cung cấp thêm thông tin chi tiết cũng như không nêu rõ số lượng binh sỹ được triển khai./.

Nguyễn Hà (TTXVN/Vietnam+)

Nguyễn Hà (TTXVN/Vietnam+)