Gia Lai đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 10:47, 09/08/2023
Việc triển khai Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn hệ sinh thái; triển khai hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm minh tội phạm và vi phạm pháp luật trong bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, trách nhiệm; hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật và các điều kiện đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực hỗ trợ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học.
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là đưa chuyên đề bảo vệ đa dạng sinh học thành hoạt động thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và giáo dục tại các nhà trường sau khi có hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã; kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm việc nhập khẩu động vật, thực vật hoang dã không ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học và sức khỏe con người.
Xử lý nghiêm các hành vi khai thác, đánh bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm. Đảm bảo 100% tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về đa dạng sinh học được tiếp nhận, thụ lý; tỷ lệ giải quyết đạt 90% trở lên; 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về đa dạng sinh học được khởi tố, điều tra theo quy định pháp luật; 100% cán bộ chuyên trách thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học đều được đào tạo, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu. Xây dựng, củng cố đội ngũ giám định viên, cán bộ làm công tác định giá trong lĩnh vực đa dạng sinh học đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết, nhất là xây dựng hệ thống kiểm định, phân tích, xử lý thông tin hiện đại phục vụ công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các đơn vị, cơ quan nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân về quy định pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học. Trong đó, đổi mới công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan bảo vệ đa dạng sinh học, tập trung đấu tranh phê phán mạnh mẽ các hành vi gây tác động xấu đến môi trường thiên nhiên, bài trừ thói quen, sở thích sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã làm trang sức, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… Công khai thông tin về kết quả xử lý vi phạm liên quan; tôn vinh các gương điển hình, mô hình tiên tiến về bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học, chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định còn bất cập, không phù hợp, gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Tăng cường phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học.
Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học. Tiếp tục thực hiện hiệu quả biên bản ghi nhớ phối hợp đảm bảo an ninh trật tự giữa Công an 6 tỉnh của 3 nước (Việt Nam - Lào - Campuchia); phát huy vai trò của Văn phòng liên lạc phòng, chống ma túy và tội phạm qua biên giới (BLO). Tranh thủ nguồn lực và hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.