Nhiều người Indonesia đã 'cắm rễ' tại Singapore như thế nào?
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 08:47, 09/08/2023
Septian Hartono, 36 tuổi, nhập quốc tịch Singapore vào năm 2020. Anh chuyển đến đất nước này vào năm 2003 sau khi nhận được học bổng từ Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore (NTU).
Điều kiện của học bổng là anh phải làm việc tại Singapore trong ba năm sau khi hoàn thành chương trình học.
Khi tốt nghiệp vào năm 2007, Chính phủ Singapore đã gửi cho anh một lá thư nói rằng anh sẽ được cấp thường trú nhân nếu anh làm việc tại đây. Và anh trở thành thường trú nhân vào cuối năm đó.
“Nghe có vẻ ngây thơ nhưng đó là một cách hiệu quả để bạn cắm rễ ở Singapore một cách vô thức, vì tổng cộng bạn sẽ sống ở đây trong 7 năm,” Septian, người làm việc trong ngành vật lý y khoa, cho biết.
Indonesia "đau đầu" vì
Septian chỉ là một trong số hàng nghìn người Indonesia nhập tịch Singapore mỗi năm.
Ngày càng nhiều thanh niên Indonesia, những người bị thu hút bởi học bổng hào phóng và triển vọng việc làm hấp dẫn, đã từ bỏ quốc tịch để trở thành người Singapore.
Điều này khiến các quan chức Indonesia lo ngại khi nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang tìm cách trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.
Cơ quan Nhập cư Indonesia cho biết gần 4.000 người Indonesia đã nhận được hộ chiếu Singapore từ năm 2019 đến năm 2022. Đa số là người từng học tập ở Singapore trong độ tuổi từ 25 tới 35. Năm ngoái, 1.091 người đã nhập tịch Singapore, tăng so với 811 người năm 2020.
Silmy Karim, lãnh đạo Cơ quan Nhập cư của Indonesia, cho biết đất nước đang mất đi những người giỏi nhất và thông minh nhất.
“Đối với Indonesia, điều đó là không tốt, vì chúng tôi đang mất đi những tài năng vượt trội,” ông nói. Ông cũng lưu ý rằng Singapore có chính sách nhắm đến các tài năng trẻ từ khắp các khu vực.
Tiết lộ này là bất thường vì đây là lần đầu tiên Indonesia chỉ ra một quốc tịch liên quan đến dữ liệu của mình.
Bhima Yudhistira, Giám đốc Điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu Luật và Kinh tế có trụ sở tại Jakarta, nói rằng những bình luận của quan chức nhập cư Silmy có ý nghĩa như một lời cảnh tỉnh cho Jakarta để cải thiện điều kiện lao động.
Bhima nói: Thực sự đang có tình trạng chảy máu chất xám và nếu bạn để điều đó xảy ra, Singapore sẽ hưởng lợi rất nhiều từ những người nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Indonesia.”
Kể từ năm 2011, Jakarta đã cung cấp học bổng cho những sinh viên xuất sắc nhất đi du học, theo chương trình Quỹ Hỗ trợ Giáo dục Indonesia (LPDP).
Người nhận có nghĩa vụ làm việc ở Indonesia trong vài năm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến 2022, 413 sinh viên tốt nghiệp đã không trở lại.
... còn Singapore "ra sức" thu hút nhân tài
Singapore, đất nước với 5,45 triệu dân, trong những thập kỷ gần đây đã tìm cách tăng dân số với những người nhập tịch, chủ yếu từ các quốc gia Đông Nam Á khác, cũng như Trung Quốc và Ấn Độ.
Dữ liệu chính thức cho thấy khoảng 15.000 đến 20.000 người nhập tịch Singapore mỗi năm. Các nhà chức trách Singapore đã từ chối tiết lộ chi tiết về quốc tịch gốc của công dân mới.
Ngày 21/8/2022, phát biểu tại Lễ diễu hành mừng Quốc khánh, Thủ tướng Lý Hiển Long thông báo Singapore sẽ sớm công bố các sáng kiến thu hút và giữ chân những nhân tài hàng đầu thế giới nhằm xây dựng quốc gia Đông Nam Á trở thành một trung tâm sáng tạo, kinh doanh và tăng trưởng.
Thủ tướng Lý Hiển Long yêu cầu Singapore phải xây dựng cơ sở dữ liệu ứng viên tầm cỡ thế giới, thông qua biện pháp phát triển đội ngũ nhân tài bản địa, đồng thời thu hút và giữ chân những nhân tài hàng đầu.
Ông khẳng định: “Bây giờ là kỷ nguyên mà các nhân tài tạo ra mọi sự khác biệt đối với thành công của một quốc gia.”
Ngay sau đó, Singapore đã công bố một chương trình nhập cư mới, có tên gọi là Thẻ thông hành cho Mạng lưới Nước ngoài và Chuyên gia (ONE Pass). Chương trình nhằm thu hút những nhân tài hàng đầu thế giới đến sống và làm việc tại Singapore.
Chuyên gia nhận định đây là “phát súng” mới nhất trong “cuộc chiến tranh giành nhân tài” mà Singapore đã tham gia trong các thập kỷ gần đây.
ONE Pass của Singapore nhắm đến nhóm đối tượng hẹp hơn, bao gồm những người có thu nhập cao, trung bình hàng tháng có thể kiếm được ít nhất 30.000 SGD (21.128 USD), và những người có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ, nghiên cứu và học thuật.
Tại sao lại là Singapore?
Tiết lộ về vấn đề di cư của Indonesia đã khơi dậy những cuộc thảo luận trực tuyến sôi nổi giữa những người Indonesia về những ưu và nhược điểm của việc sống ở Singapore.
Một số người thừa nhận đất nước này có hộ chiếu mạnh, thị trường việc làm tốt, hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại và giao thông công cộng đẳng cấp thế giới, nhưng cho biết Indonesia vượt trội nước láng giềng về cảnh quan thiên nhiên.
Hộ chiếu của Singapore được Henley Passport Index xếp hạng là quyền lực nhất thế giới. Người có hộ chiếu Singapore được miễn thị thực tới 192 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo công ty tư vấn tuyển dụng toàn cầu Morgan McKinley, mức lương trung bình hàng tháng của một nhân viên toàn thời gian ở Singapore vào năm 2023 là 5.783 đôla Singapore (4.360 USD). Tại Indonesia, dữ liệu từ cơ quan thống kê cho thấy mức lương trung bình hàng tháng của sinh viên tốt nghiệp năm ngoái là 4,3 triệu rupiah (286 USD).
Nếu được lựa chọn sống ở Singapore, nhiều người Indonesia sẽ nắm bắt cơ hội, “bất kể họ có trở thành công dân hay không,” Sulfikar Amir, người Indonesia, Phó Giáo sư ngành Khoa học, Công nghệ và Xã hội tại Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU), cho biết.
Ông nhận định: “Đây là một dấu hiệu cho thấy họ không hài lòng với các điều kiện ở Indonesia và là dấu hiệu để chính phủ xây dựng một hệ sinh thái việc làm tốt hơn cho những người trẻ tuổi."
Quay trở lại với câu chuyện của Septian Hartono. Anh ấy nói: “Tôi đã nhiều lần cân nhắc nghiêm túc việc trở lại Indonesia. Nhưng cuối cùng, công việc ở đó không phù hợp với kỹ năng của tôi." Đặc biệt là trong lĩnh vực y sinh của anh ấy, nơi mà khoảng cách là “khá rõ ràng" giữa hai nước.
Anh nói: “Y sinh là một trong những ngành công nghiệp then chốt ở Singapore, vì vậy toàn bộ hệ sinh thái đã hoàn thiện từ đào tạo đến làm việc."
Septian ước tính rằng khoảng một phần ba số sinh viên Indonesia trong lớp tốt nghiệp năm 2007 của anh ấy cũng đã trở thành công dân Singapore. Anh ấy đã kết hôn với một trong số họ. Họ đã có con và quyết định nhập quốc tịch vào năm 2018.
Cặp đôi này trở thành người Singapore hai năm sau khi nộp đơn, trong khi các con của họ vẫn mang hai quốc tịch.
Indonesia không công nhận hai quốc tịch cho người lớn và trẻ em có thể có nhiều hộ chiếu cho đến khi đủ 18 tuổi, thời điểm chúng có thể quyết định sẽ giữ quốc tịch nào.
Bên cạnh khả năng có mức thu nhập cao hơn, lối sống của Singapore - đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng thuận tiện - là một điểm thu hút khác đối với Septian.
Jakarta nổi tiếng với những con đường tắc nghẽn có thể khiến người đi làm phải mất tới 6 giờ trên đường mỗi ngày.
“Ở Singapore, bạn có thể đi bất cứ đâu một cách dễ dàng. Tôi nghĩ rằng mình sẽ không thể sống ở Jakarta,” Septian nói.
Tuy nhiên, anh lưu ý rằng mặc dù Singapore “thực sự thuận tiện,” nhưng nó cũng “đắt đỏ.”
Chắc chắn là không phải mọi người Indonesia sống ở đất nước này đều nhập tịch, trong đó có Sulfikar, người cũng nhận học bổng của NTU, và đã sống ở Singapore từ năm 2008.
Anh ấy đã không nộp đơn xin thường trú, chứ đừng nói đến hộ chiếu, vì anh ấy vẫn được hưởng những lợi ích từ tư cách là một chuyên gia nước ngoài, chẳng hạn như trợ cấp giáo dục cho con cái và trợ cấp nhà ở.
Tuy nhiên, anh ấy thừa nhận rằng việc đi lại bằng hộ chiếu hiện tại của anh ấy bất tiện hơn. “Tôi vẫn sử dụng hộ chiếu Indonesia, điều này khiến tôi gặp khó khăn khi đi đến nơi khác vì tôi vẫn phải xin thị thực trước,” anh nói.
Theo Sulfikar, học bổng vẫn là một trong những công cụ mạnh nhất của Singapore để tuyển dụng những tài năng đầy triển vọng của Indonesia và các trường đại học của họ đã chủ động trong vấn đề này.
Anh cho biết trường đại học của anh đã cung cấp 100 suất học bổng mỗi năm cho sinh viên nước ngoài, bao gồm cả những sinh viên đến từ Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ.
Đại diện các trường đại học Singapore thường xuyên đến các trường ở Indonesia tổ chức gặp gỡ nhóm sinh viên giỏi nhất và kiểm tra ngay tại chỗ.
Những người có thành tích tốt nhất sẽ được cấp học bổng, bao gồm toàn bộ học phí và khoản trợ cấp hàng tháng 3.000 đôla Singapore (2.260 USD), cũng như tiền mua sách, thuê nhà và vé máy bay cho các chuyến bay về nước.
“Họ chỉ cần xách vali đến Singapore,” Sulfikar nói.
Singapore không phải là nơi duy nhất thu hút những tài năng hàng đầu của Indonesia.
Dữ liệu của Quỹ Hỗ trợ Giáo dục Indonesia (LPDP) cho thấy từ năm 2013 đến 2022, 58% trong số 15.000 người Indonesia nhận được học bổng ở nước ngoài đã đến các trường đại học châu Âu, trong khi 20,7% học ở Australia và New Zealand.
Australia Awards, chương trình học bổng lớn nhất do Canberra cung cấp, đã hoạt động được 70 năm. Giống như Singapore, nó cũng cung cấp các gói hào phóng bao gồm toàn bộ học phí, trợ cấp sinh hoạt, vé máy bay.
Dù đã nhập tịch Singapore, nhiều người Indonesia vẫn giữ nguyên tình yêu dành cho quê hương. Septian mỗi năm về Indonesia hai lần.
"Điều tôi nhớ nhất ở Indonesia là ẩm thực. Đúng là không thể làm được món ăn có hương vị như quê nhà ở đây," anh nói./.