11.jpg

Đi tìm nguyên nhân ngập lụt lớn ở Đắk Nông

Những ngày vừa qua, Đắk Nông ghi nhận đợt ngập lụt lớn nhất trong lịch sử sau 20 năm tái lập tỉnh. Vậy nguyên nhân từ đâu, hãy cùng Báo Đắk Nông tìm hiểu về hiện tượng bất thường này.

Đợt ngập lụt lịch sử

Theo Đài khí tượng Thủy văn Đắk Nông, do ảnh hưởng rìa phía Nam của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ, gió Tây Nam với cường độ mạnh. Thời tiết ở tỉnh Đắk Nông cuối tháng 7, đầu tháng 8 đã có mưa, khu vực giữa và phía Nam tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

z4575073522467_0680e40f4d4e12fb35a5e4935f859d6f(1).jpg
Nhiều hoa màu, vật nuôi, lương thực, thực phẩm của người dân bị ngập lụt gây hư hỏng

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cung cấp, tính đến 11 giờ ngày 2/8/2023, mưa lũ đã làm ngập 159 căn nhà, 9 phòng trọ. Toàn tỉnh có khoảng 359,7 ha cây trồng các loại gồm cả cây công nghiệp, rau màu bị thiệt hại. 150,5 ha ao nuôi cá của người dân bị ngập, tràn bờ…

z4561834134552_e6509ceca802fb597ffccb45d11ed30f(1).jpg
Trên địa bàn tổ 1, phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa có khoảng 30 ngôi nhà bị ngập trên 1 tuần.

TP. Gia Nghĩa là một trong những địa phương ghi nhận ngập lụt lớn nhất tỉnh, điển hình là ở 2 phường Nghĩa Trung và Nghĩa Tân.

Ông Nguyễn Viết Thơ, tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) sống tại Đắk Nông gần 25 năm nay. Ông Thơ cho rằng, trận ngập lụt cuối tháng 7 vừa qua là có tính lịch sử. Đêm 31/7, nước sông Đắk Nông dâng cao vào nhà ông trên 2m. Ông và người thân chỉ kịp sơ tán đến nhà người thân, nhiều tài sản, lương thực bị ngập nước hư hỏng.

z4575073530926_fdeaf1d9a01754562aaf18a9cc5f0dd2(1).jpg
Ông Nguyễn Viết Thơ, tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) chỉ vạch nước ngập quá đầu

Ông Thơ khẳng định: “Các đợt ngập lụt trước, nước chỉ đến sau vườn, có khi vào nhà nhưng tầm ngang đầu gối. Lần này nước lên quá đầu tôi, thật sự rất khủng khiếp”.

Ông Mai Văn Nguyên, tổ dân phố 2, phường Nghĩa Tân đã sinh sống ở địa phương gần 40 năm qua. Theo ông Nguyên đây là trận lụt có mực nước dâng lớn nhất từ trước đến nay và cũng gây thiệt hại lớn nhất trên địa bàn.

Không chỉ ở Gia Nghĩa, nhiều nơi như Quảng Hòa (Đắk Glong), Trường Xuân (Đắk Song) cũng ghi nhận mưa, ngập lụt lớn.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân, trong đợt này, xã có 30 căn nhà bị ngập, 50 ha cây trồng gồm cây dài ngày và ngắn ngày bị thiệt hại và gần 100 ao hồ nhỏ nuôi cá bị nước cuốn trôi. Nước dâng cao nhiều đoạn đường, nội bộ một số thôn, bon bị cô lập, hồ thôn 4 bị vỡ. Có thể nói đây là ảnh hưởng, thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay.

z4575222031970_07bbb9b8548359679e8421dd15b9e4c1-1-(1).jpg
Đường vào bon N'Jang Bơ, xã Trường Xuân (Đắk Song) bị cô lập do lũ

Phải chăng do mưa lớn?

Số liệu đo được trong các ngày 29-31/7, lượng mưa phổ biến các huyện Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô từ 20 – 40mm. Các huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk R’lấp và TP. Gia Nghĩa phổ biến từ 50 - 150mm. Tuy nhiên, nhiều nơi đo được lớn hơn như: Thuận Hà (Đắk Song) 235,6mm; Quảng Thành (Gia Nghĩa) 217,2mm; Đắk Buk So (Tuy Đức) 202,2mm.

z4575073502568_2ee31d5c96104c562b74efd1c06b6c09(1).jpg
Việc xây dựng công trình khu vực hồ trung tâm có thể ảnh hưởng đến dòng chảy

Về tình hình thủy văn, trên sông Ea Krông (tại trạm thủy văn Cầu 14) và sông Krông Nô (tại trạm thủy văn Đức Xuyên) dao động theo điều tiết hồ chứa thủy điện với biên độ từ 0.25 – 1.45 mét.

Trên sông Đắk Nông (tại trạm thủy văn Đắk Nông) mực nước và lưu lượng dao động theo xu thế tăng và xuất hiện lũ, với mực nước đỉnh lũ đạt 591.38m cao hơn 0.88m so với báo động III (BĐIII: 590.50m) vào lúc 3h ngày 31/7 và theo xu thế giảm chậm do chịu ảnh hưởng của công trình cải tạo lòng hồ trung tâm TP. Gia Nghĩa và mưa lớn khu vực thượng nguồn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Nông: Có thể nói đợt mưa lũ cuối tháng 7, đầu tháng 8 là lớn nhất trong những năm gần đây. Tuy nhiên, qua theo dõi của đơn vị cùng với những số liệu được đối chiếu với đợt mưa lũ lớn lịch sử cùng tháng 7/1999 thì không thể khẳng định rằng ngập lụt do mưa lớn.

Cụ thể, lượng mưa đo được trong ngày 28 và 29/7/1999 tại khu vực trung tâm TP. Gia Nghĩa đạt 383mm, trong khi đó mưa trong các ngày 29-30/7/2023 chỉ mức 113 mm. Đỉnh lũ trên sông Đắk Nông (so với mặt nước biển) năm 1999 đạt 591,60m, trong khi đó đỉnh lũ năm 2023 đạt 591,38 m.
Như vậy, lượng mưa năm 1999 cao gấp 3,3 lần so với năm 2023, trong khi đó đỉnh lũ trên sông Đắk Nông năm 2023 xấp xỉ đạt đỉnh lũ năm 1999.

z4575073561980_f7a5d861c4257732b2b826e849e3f8b2.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Nông

“Lượng nước như trên không thể gây ra việc ngập lụt nặng như mấy ngày qua. Mà chúng ta cần đi tìm các nguyên nhân khác”

Hay do yếu tố con người?

Cũng theo ông Bình, ngoài yếu tố mưa có thể lý giải một số nguyên nhân làm đỉnh lũ trên sông Đắk Nông những ngày qua lớn. Ví dụ như việc ảnh hưởng của sự tác động của con người trong xây dựng, vận hành các công trình phía thượng nguồn. Lượng nước như trên không gây ra việc ngập lụt nặng như mấy ngày qua. Mà chúng ta cần đi tìm các nguyên nhân khác.

Ông Mai Văn Nguyên, tổ dân phố 2, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) thì lý giải: “Tôi cho rằng, một phần của nguyên nhân làm cho nước lũ lên nhanh, ngập nhanh chính là việc dòng suối bị thu hẹp bởi sự tác động của việc lấn dòng. Nhiều nơi hai bên dòng suối đổ đất, xây công trình lấn dòng có thể ảnh hưởng đến dòng chảy, tốc độ thoát nước..."

Ông Võ Văn Hiếu, thôn 7, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) cho rằng: Nước các sông suối dâng nhanh một phần vì không còn thảm thực vật, độ che phủ rừng suy giảm.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, một phần nguyên nhân của ngập lụt là do sự vận hành các công trình hồ đập chưa hợp lý.

pn-bai-h.thoan-1-.png
Đồ họa: Đức Hùng

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đề nghị các cấp, ngành, địa phương nhanh chóng rà soát kỹ càng các vùng có nguy cơ ngập cao hằng năm.

Đắk Nông phát huy tính chủ động của các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong phòng, chống thiên tai. Mục tiêu cuối cùng và cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Đặc biệt, các hồ đập, thủy điện nghiêm túc thực hiện quy trình xả lũ, có sự thông báo rõ ràng cho Ban chỉ huy PCTT &TKCN các cấp, để địa phương thông báo cho người dân biết, chủ động giảm thiểu ảnh hưởng, nhất là về hoa màu..

img_6612(1).jpg
Lực lượng chức năng tiếp cận sơ tán hộ dân bị cô lập ở phường Nghĩa Tân

Hồng Thoan