Đắk Nông ưu tiên phát triển thị trường khoa học công nghệ
Đầu tư khoa học công nghệ (KHCN), phát triển tài sản trí tuệ cho nông sản đang được tỉnh Đắk Nông ưu tiên. Điều này đã hỗ trợ, giúp gia tăng chế biến sâu sau thu hoạch, nâng cao giá trị nhiều loại sản phẩm.
Gia tăng công nghệ chế biến sâu
Từ năm 2022 đến nay, Đắk Nông có 40 đề tài KHCN đã và đang được triển khai thực hiện. Trong đó, nhiều đề tài ưu tiên hỗ trợ cho phát triển KHCN cho các doanh nghiệp.
Điển hình như đề tài "Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp KHCN trong bảo quản và chế biến quả chanh dây tại tỉnh Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên". Đề tài do Viện Ứng dụng công nghệ chủ trì triển khai trong giai đoạn 2023-2025.
Sau quá trình triển khai, đề tài dự kiến sẽ xây dựng được 1 quy trình bảo quản quả chanh dây đông lạnh, với quy mô 1 tấn/mẻ; 1 quy trình bảo quản dịch chanh dây đông lạnh, với quy mô 300 kg/mẻ.
Ngoài ra, đề tài sau khi nghiệm thu sẽ thiết lập được 1 quy trình chế biến các sản phẩm bột chanh dây hòa tan, nước chanh dây cô đặc, nước chanh dây lên men có độ cồn thấp, mứt nhuyễn, mứt dẻo từ vỏ chanh dây…
Tương tự, đề tài "Nghiên cứu công nghệ thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị đồng bộ để sơ chế và bảo quản mắc ca tại Đắk Nông và Tây Nguyên” cũng đang được triển khai. Đề tài này do Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch phối hợp thực hiện.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, đề tài sẽ tạo ra được 1 quy trình công nghệ sơ chế, bảo quản hạt mắc ca phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; 1 bộ hồ sơ thiết kế, quy trình công nghệ chế tạo hệ thống thiết bị sơ chế và bảo quản hạt mắc ca có công suất 2-3 tấn hạt, đạt tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc HTX Nông nghiệp & dịch vụ Long Việt (Tuy Đức) cho biết: “Mong muốn khi các đề tài được triển khai sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận được các công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất. Từ đó giúp chất lượng hàng hoá được nâng cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.
Phát triển thị trường KHCN
Theo Kế hoạch phát triển thị trường KHCN tỉnh Đắk Nông, đến năm 2025, Đắk Nông phấn đấu giá trị giao dịch hàng hoá KHCN hàng năm tăng bình quân 6,25%. Trong đó, chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực, ngành chủ lực của tỉnh hoặc các sản phẩm mới phục vụ các thị trường ngách.
Theo Sở KHCN, thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ. Qua đó, góp phần tạo động lực, thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp trên địa bàn.
Nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển KHCN đã được triển khai như: nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ…
Thời gian tới, ngành KHCN sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nội dung các chính sách về KHCN đến doanh nghiệp. Trước tiên, đơn vị sẽ phối hợp khảo sát trực tiếp thực trạng, nhu cầu phát triển KHCN tại các cơ sở, doanh nghiệp.
Ngành KHCN ưu tiên tuyên truyền, giới thiệu các chính sách về phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sẽ được vận động đăng ký tham gia chính sách về hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ...
Mục tiêu đến năm 2025, số lượng tài sản trí tuệ hàng năm của Đắk Nông tăng tối thiểu 10%; số lượng giao dịch công nghệ, thiết bị hàng năm tăng khoảng 10%. Các tổ chức trung gian và kết nối vào mạng lưới các tổ chức trung gian KHCN các tỉnh, khu vực, quốc gia sẽ được hình thành và phát triển.