Kinh tế

Đô thị xanh phải hội tụ môi trường, kinh tế, xã hội xanh

Đức Diệu 07/08/2023 05:50

Xét về chiến lược phát triển tổng thể, là một tỉnh thành lập sau, thời gian đến được xem là “thời điểm vàng” để Đắk Nông tập trung phát triển đô thị theo xu hướng xanh.

Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đi sau các tỉnh, sẽ là cơ hội thuận lợi trong đúc rút bài học kinh nghiệm quy hoạch, quản lý quy hoạch của các địa phương đi trước, khai thác tiềm năng, lợi thế phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững.

Bắt đầu từ đô thị hạt nhân

Ngay từ ngày tái lập tỉnh (1/1/2024), Gia Nghĩa được chọn là trung tâm chính trị, kinh tế -xã hội của Đắk Nông. Trong chiến lược xây dựng đô thị, Gia Nghĩa cũng được đánh giá sẽ có nhiều lợi thế so sánh để phát triển thành đô thị hiện đại, theo xu hướng xanh.

toan-canh-gia-nghia-1-.jpg
Lợi thế về diện tích cây xanh, diện tích mặt nước lớn là một trong những điều kiện để Gia Nghĩa phát triển đô thị xanh

TP. Gia Nghĩa được xem là đô thị hạt nhân có chức năng chuyển tiếp các hoạt động từ vùng Tây Nguyên tới vùng Đông Nam Bộ (vùng phát triển năng động nhất cả nước) kết nối với vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ - một hướng mở ra cảng biển để vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn. Đồng thời là một hạt nhân bổ trợ chức năng kết nối các hoạt động theo hành lang Đông Tây và tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng, liên kết với các khu vực phát triển nhằm thúc đẩy các lợi thế so sánh của khu vực.

Với vị trí địa lý thuận lợi tạo điều kiện cho tỉnh Đắk Nông nói chung và TP. Gia Nghĩa nói riêng có thể mở rộng giao lưu với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Duyên hải miền Trung, tăng cường liên kết giữa Đắk Nông với các tỉnh thuộc Đông Bắc Campuchia về mở rộng thị trường, phát triển hợp tác liên vùng và Quốc tế.

Với lợi thế về vị trí địa lý, cộng thêm điều kiện tự nhiên thuận lợi, Gia Nghĩa được các chuyên gia nhận định có nhiều lợi thế so sánh trong phát triển đô thị theo hướng thông minh, thân thiện với môi trường, từng bước hoàn thiện các hợp phần của một đô thị xanh, hiện đại.

gia-nghia(1).jpg
Gia Nghĩa ngày càng phát triển khang trang

Gia Nghĩa cũng là đô thị cuối cùng của Việt Nam được nâng cấp lên thành phố thuộc tỉnh. Là một đô thị trẻ, Gia Nghĩa đang sở hữu cơ bản các điều kiện cần trong xây dựng đô thị xanh như quy hoạch, quản lý quy hoạch theo tiêu chuẩn đô thị xanh ngay từ đầu. Với diện tích cây xanh, diện tích mặt nước chiếm gần 40% diện tích đô thị; với các làng ghề truyền thống, vùng đệm đô thị đang được bảo tồn khá nguyên vẹn; với tốc độ độ thị hóa chưa cao…Gia Nghĩa đang được xem là thời điểm vàng trong việc bắt tay xây dựng một đô thị xanh trên cao nguyên M’nông.

Nhận diện thách thức

Từ một tỉnh chưa có đô thị loại IV, sau gần 20 năm tái lập, Đắk Nông đã có 9 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V. Tỉ lệ đô thị hóa Đắk Nông tăng từ 14,95% năm 2010 lên 28% năm 2022. Hạ tầng thiết yếu các đô thị được tăng cường và bộ mặt các đô thị được chỉnh trang.

Với đặc điểm nổi bật là có nhiều không gian xanh, chất lượng môi trường xanh, hài hoà các hệ sinh thái nhân tạo (hệ sinh thái đô thị) và hệ sinh thái tự nhiên so với nhiều đô thị trong cả nước, các đô thị Đắk Nông đang được đánh giá tạo ra môi trường sống tốt, bảo đảm sức khoẻ và tiện nghi cho người dân.

Tuy nhiên, qua thực tế phát triển những năm qua cho thấy, bên cạnh những thuận lợi căn bản, việc theo đuổi mục tiêu phát triển đô thị xanh ở Đắk Nông cũng đang gặp những thách thức lớn.

Do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguồn lực cho việc quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch hạn chế, Đắk Nông đang bỏ qua nhiều lợi thế so sánh ngay từ những bước xuất phát ban đầu trong phát triển đô thị.

Chỉ đơn cử, là tỉnh trẻ, lợi thế của Đắk Nông trước hết là có được một tầm nhìn quy hoạch bài bản ngay từ đầu trên nền tảng kết cấu hạ tầng và kiến trúc thượng tầng truyền thống trước đó. Điều này không chỉ tạo được tính đồng bộ, nhất quán ngay từ đầu trong chiến lược phát triển dài hạn mà còn giảm được nguồn lực do sự thay đổi, điều chỉnh quy hoạch như nhiều tỉnh, thành khác.

Tuy nhiên, qua phát triển, Đắk Nông đã và đang nhận diện những bất cập phát sinh ngay trong xây dựng, phát triển đô thị. Các vùng lõi đô thị chưa được quan tâm giữ gìn, phát huy, trong khi những khu chức năng, khu dân cư kiểu mẫu lại thiếu nguồn lực đầu tư phát triển dẫn đến mục tiêu quy hoạch không thực hiện được.

Tưởng chừng lợi thế quỹ đất cho phát triển đô thị ở Đắk Nông là rất lớn, trở thành lợi thế so sánh mà không ít tỉnh thành khác có được thì nay lại đang là những khó khăn trong triển khai ý tưởng quy hoạch.

Chưa kể, ngay cả đô thị Gia Nghĩa, quỹ đất quy hoạch cho không gian công cộng, không gian cây xanh, công viên, khu vui chơi giải trí khu vực vùng lõi cũng rất khiêm tốn, thậm chí đang bị sử dụng sai mục đích.

Từ một tỉnh chưa có đô thị loại IV, sau gần 20 năm tái lập, Đắk Nông đã có 9 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V. Tỉ lệ đô thị hóa Đắk Nông tăng từ 14,95% năm 2010 lên 28% năm 2022. Hạ tầng thiết yếu các đô thị được tăng cường và bộ mặt các đô thị được chỉnh trang.

Về hệ lụy lâu dài, việc phát triển đô thị thiếu đồng bộ, nhất quán cũng sẽ dẫn đến tình trạng manh mún, phá vỡ cấu trúc tự nhiên và xã hội như nhiều đô thị khác đã gặp phải.

Vẫn biết rằng, xây dựng đô thị xanh không phải trong ngày một, ngày hai, mà nó là cả một quá trình, với sự bổ sung, điều chính các hợp phần theo từng thời kỳ, giai đoạn. Tuy nhiên, một số hợp phần như quy hoạch không gian xanh, các khu chức năng, khu cụm đô thị lõi về văn hóa, dân cư, lịch sử truyền thống… nếu không được quan tâm từ bước đầu thì sẽ là thách thức lớn trong phát triển về sau.

Chưa bao giờ là muộn

Xây dựng đô thị xanh, nhìn một cách tổng thể thì chúng ta cần hội tụ 3 yếu tố gồm: môi trường xanh; kinh tế xanh và xã hội xanh.

Thực hiện các điều kiện này là cả một quá trình vừa kiến tạo, vừa mang tính bổ sung bằng các hợp phần phù hợp trong từng giai đoạn. Đơn cử, trên cơ sở nền tảng hiện có, để phát triển đô thị Gia Nghĩa, Đắk Nông đang lựa chọn định hướng xây dựng đô thị thông minh. Đây là một trong những hợp phần quan trọng nhằm phát triển các phân khu chức năng hiện đại, tiện ích đối với một đô thị hiện đại.

Về tổng thể, trong Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông đưa ra mục tiêu xây dựng hệ thống đô thị Đắk Nông gồm 4 đô thị cấp tỉnh (Gia Nghĩa, Đắk Mil, Đắk R’Lấp (nâng cấp lên thị xã Đắk R’lấp) và đô thị EaT’Ling (nâng cấp lên thị xã Cư Jút) và từng bước xây dựng các tiêu chí để đạt đô thị loại III.

Trong giai đoạn này, Đắk Nông cũng tập trung xây dựng 3 đô thị chuyên ngành (đô thị loại V) gồm: đô thị Nam Dong, đô thị Đắk R’la và đô thị Quảng Sơn. Trên cơ sở này, tỉnh xác định 3 vùng động lực gồm vùng động lực trung tâm hình thành từ chuỗi đô thị Đắk R'lấp - Gia Nghĩa - Quảng Khê, với hạt nhân trung tâm là đô thị Gia Nghĩa. Vùng động lực phía Bắc hình thành từ đô thị hạt nhân Ea T'ling (Cư Jút) và đô thị Đắk Mâm (Krông Nô) tạo thành cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh Đắk Nông kết nối TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Vùng động lực phía Tây Bắc hình thành từ chuỗi đô thị chạy dọc hành lang kinh tế biên giới Quốc lộ 14C, với hạt nhân trung tâm là đô thị Đắk Mil và 2 đô thị Đức An và đô thị Đắk Buk So…

Trên cơ sở quy hoạch này, việc tập trung nguồn lực cho từng phân khúc, với những giai đoạn nhất định trong phát triển đô thị, kết hợp lồng ghép những hợp phần hướng đến đô thị xanh sẽ là nền tảng căn bản được Đắk Nông xác định.

Đức Diệu