Tạo bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Iran
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 05:25, 06/08/2023
Sản lượng khai thác dầu của Iran đạt 2,87 triệu thùng/ngày. |
Trong suốt chặng đường nửa thế kỷ qua, Việt Nam và Iran duy trì quan hệ chính trị, ngoại giao truyền thống, hữu nghị tốt đẹp. Với những tiềm năng hợp tác rất lớn trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân, hai nước đang nỗ lực xúc tiến các hoạt động hợp tác đầu tư, tạo những bước phát triển mới trong quan hệ hai nước.
Iran nằm ở Tây Nam châu Á, phía đông giáp Pakistan, Afghanistan; phía tây giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq; phía bắc giáp Turkmenistan, Azerbaijan, Armenia và biển Caspia; phía nam giáp Vịnh Ba Tư. Với trữ lượng dầu khoảng 208,6 tỷ thùng, trữ lượng khí đốt khoảng 33,988 tỷ m3, Iran là cường quốc dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới và đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng khí đốt. Iran còn có các khoáng sản chính là thiếc, than đá, sắt, đồng, uranium; nông sản có lúa mì, gạo, bông, củ cải đường,... với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi khá phát triển.
Nền kinh tế Iran dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì đà tăng trưởng 2,9% nhờ nguồn thu từ dầu khí và GDP đạt quy mô 257 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.000 USD vào năm 2022. Với những tiềm năng kinh tế lớn, Chính phủ Iran đang xây dựng một kế hoạch đưa mức tăng trưởng kinh tế lên 8% trong 5 năm tới trên cơ sở phát triển khoa học-công nghệ và cải tổ ngành tài chính, ngân hàng.
Về đối ngoại, chính quyền của Tổng thống Ebrahim Raisi (E.Rai-xi) coi trọng quan hệ với các nước láng giềng và các nước đang phát triển. Iran cũng đang tích cực triển khai chính sách "hướng Ðông" với trọng tâm là tăng cường quan hệ với Nga, Trung Quốc, Ấn Ðộ, chú trọng thúc đẩy quan hệ với ASEAN và các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
Mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Iran và Việt Nam được củng cố và phát triển qua nhiều chuyến thăm cấp cao chính thức của lãnh đạo cấp cao hai nước: Chủ tịch Quốc hội Nông Ðức Mạnh thăm Iran năm 1999, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Iran tháng 3/2016, Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ thăm Iran tháng 8/2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thăm Iran tháng 12/2022. Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani (H.Ru-ha-ni) thăm Việt Nam tháng 10/2016, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Ardeshir Larijani (A.La-ri-gia-ni) thăm Việt Nam tháng 4/2018… Ðáng chú ý, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước luôn phát triển tốt đẹp. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Ardeshir Larijani đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi tại Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á-Âu lần thứ 3 (MSEAP 3) được tổ chức tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 10/2018) và bên lề Ðại hội đồng lần thứ 140 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU140) tại Doha, Qatar (ngày 8/4/2019). Các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo Quốc hội hai nước và của hai Nhóm Nghị sĩ hữu nghị thể hiện quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai Quốc hội, góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ hai nước.
Ðược sự quan tâm vun đắp của lãnh đạo hai nước qua nhiều thời kỳ, quan hệ Việt Nam-Iran đã có nhiều bước phát triển, trong đó dấu mốc quan trọng là việc Iran mở Ðại sứ quán tại Hà Nội năm 1991 và Việt Nam mở Ðại sứ quán tại Tehran vào năm 1997. Về kinh tế, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Iran từng bước được thúc đẩy với những bước tiến nhảy vọt. Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2021 đạt 124,5 triệu USD, tăng 43% so với năm 2020, trong đó Việt Nam xuất khẩu gần 106 triệu USD. Trong năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt hơn 100 triệu USD, 3 tháng đầu năm 2023 đạt 21 triệu USD.
Với nền tảng quan hệ truyền thống hữu nghị vững chắc, vai trò và vị thế ngày càng lớn của Iran tại khu vực Tây Á và của Việt Nam tại khu vực Ðông Nam Á, hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Về hợp tác an ninh-quốc phòng, hai bên trao đổi một số đoàn cấp cao làm việc, chia sẻ thông tin.
Về hợp tác giáo dục-đào tạo, Iran cung cấp một số học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam học tập và nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Ba Tư. Về hợp tác khoa học và công nghệ, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác công nghệ, nghiên cứu và giáo dục (năm 2014). Về hợp tác văn hóa-du lịch, hai bên đã ký Thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật (năm 1993); Bản ghi nhớ Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa (năm 2013).
Trong hợp tác giữa các địa phương, thành phố Hà Nội và thành phố Tehran, thành phố Cần Thơ và thành phố Mazandaran đã ký MOU hợp tác, thành phố Cần Thơ và thành phố Mazandaran ký MOU hợp tác 3 bên về trồng lúa với công ty Iran BB&A. Bản ghi nhớ về hợp tác cũng được ký kết giữa thành phố Ninh Bình và thành phố Qazvin, thành phố Lai Châu và thành phố Fuman, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Isfahan.
Trước những tiềm năng hợp tác to lớn, quan hệ Việt Nam-Iran được hy vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực trong thời gian tới với các hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư, kết nối doanh nghiệp được tăng cường, giao lưu nhân dân được thúc đẩy, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và phát triển ở khu vực và trên thế giới.