Bảo vệ hiệu quả động vật, thực vật hoang dã nguy cấp
Chính sách - Ngày đăng : 16:22, 04/08/2023
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) vào năm 1994.
Hiện nay, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Nghị định 06) và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06 (Nghị định 84) cơ bản đã nội luật đầy đủ các quy định của CITES.
Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định của CITES tại nội dung Công ước và các Nghị quyết, Quyết định của CITES vẫn chưa được nội luật hoặc đã nội luật nhưng chưa đầy đủ, dẫn đến còn nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn như: Điều VII quy định về các trường hợp miễn trừ và các quy định đặc biệt khác liên quan đến buôn bán; Điều X về buôn bán với quốc gia không phải thành viên Công ước, Nghị quyết 13.6 về thực thi khoản 2 Điều VII của Công ước về mẫu vật "tiền công ước", Nghị quyết 12.3 về Giấy phép và Chứng chỉ, Nghị quyết 11.3 về Tuân thủ và thực thi.
Thêm vào đó, Nghị định 06 đang phân quyền quản lý hoạt động nuôi, trồng, khai thác, chế biến, kinh doanh, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển, cất giữ đến các Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh.
Tuy nhiên, trên thực tế Chi cục Kiểm lâm là đơn vị tiếp nhận, kiểm tra, xác thực cơ sở nuôi, trồng và cấp mã số, ngoài ra còn phải đảm nhiệm các nhiệm vụ chuyên môn khác nên việc hậu kiểm còn hạn chế.
Trong khi đó, Hạt Kiểm lâm là cơ quan thực thi pháp luật về lâm nghiệp ở cấp huyện, thành phố nhưng không được giao thẩm quyền kiểm tra, giám sát; thẩm quyền quản lý, kiểm tra các cơ sở nuôi, trồng các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm gây khó khăn, bất cập trong công tác quản lý về lĩnh vực này tại địa phương.
Đối với việc cấp mã số cơ sở nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I CITES do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm thực hiện.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này cũng phát sinh chi phí, thời gian thực hiện của tổ chức cá nhân; trong khi đó, hiện nay các cơ sở hoạt động gây nuôi thương mại trong nước do cơ quan kiểm lâm, Cơ quan thuỷ sản địa phương quản lý, giám sát.
Nghị định số 06 quy định thẩm quyền cấp chứng chỉ mẫu vật xuất khẩu lưu niệm là Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam chưa phù hợp với thực tiễn do hiện các cơ sở sản xuất, bán các sản phẩm lưu niệm tại các địa phương do cơ quan kiểm lâm quản lý, giám sát.
Việc quy định cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp chứng chỉ này cũng phát sinh các chi phí, thời gian thực hiện của các tổ chức, cá nhân liên quan…
Đảm bảo thực thi hiệu quả, đầy đủ các quy định của Luật Lâm nghiệp và Công ước CITES tại Việt Nam
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật; khắc phục những vấn đề không phù hợp với thực tiễn, gây ra vướng mắc, bất cập làm cản trở đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nghị định nếu được ban hành sẽ đảm bảo thực thi hiệu quả, đầy đủ các quy định của Luật Lâm nghiệp và Công ước CITES tại Việt Nam.
Dự thảo đã đề xuất sửa đổi Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, trong đó bổ sung quy định mới về tiêu chí xác định loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Bên cạnh đó, đề xuất sửa đổi các biện pháp bảo vệ, điều tra, đánh giá hiện trạng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, nuôi động vật rừng thông thường; xử lý trường hợp động vật rừng xâm hại hoặc đe dạo tính mạng, tài sản của con người...
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.