Đắk Nông cần mời chuyên gia tìm nguyên nhân nứt gãy địa chất
Sở TNMT tỉnh Đắk Nông đề nghị mời chuyên gia đánh giá nguyên nhân và hướng xử lý hiện tượng nứt gãy địa chất tại nhiều khu vực.
Theo Sở TNMT, hiện nay vết đất nứt gãy xảy ra tại bon Bu Krắc, xã Quảng Trực (Tuy Đức) đang tiếp tục lan rộng. Chính quyền địa phương đang tiếp tục di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Nhiều vệt đất nứt gãy rộng khoảng 30cm, kéo dài khoảng hơn 500m, ảnh hưởng đến 3 bon Bu Krắc, Bu Prăng 1A, Bu Gia, xã Quảng Trực. Có gần 66 hộ, gần 200 khẩu phải di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ông Đoàn Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, đất nứt gãy vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Các lực lượng chức năng của xã liên tục kiểm tra, rà soát. Khu vực nào có nguy cơ sạt lở đất cao, địa phương vận động, di dời người dân, tài sản đến khu nơi toàn.
Ngày 3/8, một vết nứt lớn kèm theo một khối đất sụt bên cạnh nhà gia đình chị Nông Thị Bích Giang, ở bon Bu Gia, xã Quảng Trực. Ngày khi phát hiện hiện tượng trên, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình chị Giang di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ông Điểu Long, Trưởng bon Bu Krắc, xã Quảng Trực cho biết, từ sáng 1/8, sau khi phát hiện tuyến đường và nhiều khu vực trong bon bị nứt gãy, người dân trong bon rời khỏi khu vực nguy hiểm.
Chính quyền địa phương nhận định, các vết nứt này có nguy cơ gây sạt lở cao, nên đã di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, địa phương hỗ trợ người dân các suất ăn để tạm thời ổn định cuộc sống.
Cũng theo Sở TNMT, không chỉ ở Tuy Đức, hiện tượng nứt gãy địa chất xuất hiện tại nhiều địa bàn trong đợt mưa lũ lần này như Gia Nghĩa, Đắk Song, Đắk Glong...
Các khu vực nứt gãy thường có địa hình dốc, liền kề là thung lũng. Nguyên nhân có thể do mưa lớn kéo dài, lượng nước mặt thấm rỉ lớn, dẫn đến trượt cục bộ, xuất hiện các khe nứt kéo dài.
Đây là hiện tượng bất thường nhất từ trước tới nay ở Đắk Nông và cần có sự đánh giá tổng quát để có phương án đề phòng với thiên tai trong thời gian tới.
Sở TNMT cho rằng, cần có các nhà khoa học chuyên sâu trong lĩnh vực địa chất, thủy văn, công trình tiến hành nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng của hiện tượng nói trên.