Nước nào sẽ chiến thắng trong cuộc đua ‘quốc gia không khói thuốc’?
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:29, 04/08/2023
Trong cuộc chiến chống thuốc lá, nhiều quốc gia sắp đạt được mục tiêu “không khói thuốc” với tỷ lệ hút thuốc lá điếu dưới 5%.
Có được kết quả này một phần nhờ vào việc linh hoạt lựa chọn hướng tiếp cận kết hợp giữa cai thuốc lá và cho phép sử dụng các sản phẩm thay thế ở những người chưa thể cai thuốc.
Thụy Điển là quốc gia đầu tiên sắp về đích
Quốc gia “không khói thuốc” được định nghĩa là nước có ít hơn 5% dân số hút thuốc lá hằng ngày.
Theo số liệu từ Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển, kể từ năm 2019, tỷ lệ người hút thuốc tiếp tục giảm tại nước này, còn 5,6% vào năm ngoái.
Theo các chuyên gia, thành tựu này một phần nhờ vào việc hợp pháp hoá các sản phẩm nicotine thay thế có hàm lượng các chất gây hại thấp hơn.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), chỉ 6,4% người Thụy Điển trên 15 tuổi hút thuốc lá điếu hằng ngày vào năm 2019. Tỷ lệ này thấp nhất ở Liên minh châu Âu và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 18,5% trên toàn khối.
Các kết quả này dự báo trước 2030, Thụy Điển có thể trở thành quốc gia không khói thuốc đầu tiên trên thế giới.
Tại hội thảo “Từ cách tiếp cận người dùng tại Thụy Điển đến chiến lược kiểm soát thuốc lá” vào tháng 3, Tiến sỹ Anders Milton, Chủ tịch Ủy ban Thuốc lá ngậm Snus ở Thụy Điển cho biết: “Nếu tất cả các nước châu Âu khác làm theo Thụy Điển, sẽ có 3,5 triệu sinh mạng có thể được cứu sống trong thập kỷ tới."
Hiện có khoảng 1 triệu người hút thuốc đang sử dụng thuốc lá ngậm snus tại quốc gia này. Do vậy, doanh số của snus tiếp tục tăng dù thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này tăng 251% trong thập kỷ qua.
Các sản phẩm thuốc lá đang được lưu hành tại Thuỵ Điển bao gồm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá tẩu, thuốc lá không khói (như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, snus).
Trong đó, các sản phẩm không khói chiếm thị phần lớn nhất kể từ năm 2021 và được dự đoán tiếp tục tăng trưởng mạnh đến năm 2026. Chính phủ Thụy Điển cũng có quy định chặt chẽ dành cho các sản phẩm này.
Cụ thể là cấm cho thêm một số chất phụ gia như vitamin vì có thể gây hiểu nhầm là sản phẩm có ích cho sức khỏe hoặc giảm nguy hại lên sức khỏe.
Ngoài ra, cấm cả các chất bổ sung năng lượng, các chất thiết yếu cho sự sống, và các phụ gia ở dạng không cháy mà có đặc tính gây ung thư, đột biến hoặc gây hại cho sức khỏe sinh sản.
Nhiều phát kiến đang được áp dụng
Song song đó, Anh, New Zealand và Nhật Bản cũng đang tăng tốc trên đường đua quốc gia không khói thuốc với nhiều phát kiến. Điểm chung chính là tận dụng triệt để vai trò của các sản phẩm không khói.
Mới đây, chính phủ Anh đã công bố chương trình đổi thuốc lá điếu lấy thuốc lá điện tử cho 1 triệu người dùng. Bộ Y tế Anh cho biết: Gần 20% số người hút thuốc tại Anh sẽ được cung cấp thuốc lá điện tử, hỗ trợ từ bỏ thuốc lá điếu.
Còn tại Hy Lạp, vào 2019, Chính phủ nước này đã trình bày Kế hoạch Hành động Quốc gia Chống hút thuốc. Một trong những trụ cột chính của kế hoạch là “đánh giá và quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới theo chiến lược giảm tác hại.”
Từng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu nhiều nhất thế giới, chỉ sau 8 năm hợp pháp hóa thuốc lá làm nóng, lượng tiêu thụ thuốc lá điếu tại Nhật Bản đã giảm gần 44%.
Vừa qua, New Zealand đã thông qua luật cấm hút thuốc lá điếu trọn đời cho những công dân dưới 14 tuổi. Luật cấm này không áp dụng với thuốc lá mới, bởi theo Bộ Y tế nước này, thuốc lá mới có khả năng đóng góp vào mục tiêu không khói thuốc năm 2025.
Còn tại Australia, trong Hướng dẫn Cai Thuốc lá Toàn quốc, việc sử dụng thuốc lá điện tử được công nhận hợp pháp để cung cấp cho những người cai thuốc bất thành.
Như vậy, các quốc gia này đang vận dụng linh hoạt nhiều hướng tiếp cận như cung cấp các lựa chọn cho người hút thuốc, từ hỗ trợ cai thuốc hoàn toàn đến chấp nhận những sản phẩm giảm tác hại thay thế, để giải phóng người dân khỏi sự lệ thuộc vào thuốc lá điếu, nhằm sớm đạt mục tiêu trở thành "quốc gia không khói thuốc."
Đây là cơ sở để các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ… có thể tham khảo giải pháp giảm tác hại bên cạnh chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá của quốc gia hiện tại./.