Việt Nam kêu gọi sớm đúc kết COC thực chất và hiệu quả

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 17:38, 03/08/2023

Tại Hội nghị ADSOM+, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến kêu gọi sớm kết thúc đàm phán, ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Viet Nam keu goi som duc ket COC thuc chat va hieu qua hinh anh 1Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến. (Ảnh: Đào Trang/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, tiếp theo thành công tốt đẹp của Hội nghị Quan chức Quốc phòng Cấp cao ASEAN (ADSOM), Hội nghị Quan chức Quốc phòng Cấp cao ASEAN Mở rộng (ADSOM+) đã được tổ chức vào ngày 3/8 tại thủ đô Jakarta của Indonesia với sự tham dự của đại diện 10 quốc gia thành viên ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại.

Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu.

Hội nghị ADSOM+ nhằm đánh giá kết quả hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), đặc biệt là 7 Nhóm chuyên gia làm việc ADMM+; xem xét các sáng kiến, văn kiện quan trọng để trình lên ADMM và ADMM+ thông qua và công tác chuẩn bị cho các Hội nghị ADMM lần thứ 17 và ADMM+ lần thứ 10, dự kiến được tổ chức vào tháng 11 năm nay.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng đoàn Indonesia đánh giá cao sự ủng hộ của các quốc gia thành viên dành cho nước Chủ tịch Indonesia trong năm 2023; cho biết các hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm hiện thực hóa các nội dung, mục tiêu hợp tác trong khuôn khổ ADMM và ADMM+ thông qua thúc đẩy đối thoại và hợp tác thực chất giữa ASEAN và các nước đối tác; chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới và khu vực cùng quan tâm nhằm tăng cường hiểu biết và nhận thức chung; góp phần vào thành công chung cho chủ đề “Hòa bình, Thịnh vượng và An ninh” của Chủ tịch Indonesia năm nay.

Tại hội nghị, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đã có bài phát biểu quan trọng, chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới khu vực và đưa ra đánh giá, đề xuất hợp tác quốc phòng giữa ASEAN và các nước đối tác.

Trưởng đoàn Việt Nam cho rằng khu vực và thế giới đang đối mặt với một loạt thách thức an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống, trong đó đáng chú ý là an ninh hàng hải...

Những thách thức này đang xảy ra ở nhiều nơi, gây hậu quả rất nghiêm trọng, vượt quá khả năng đối phó của một quốc gia đơn lẻ, đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng quốc tế.

Về an ninh biển, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh Biển Đông là tuyến đường hàng hải huyết mạch trong giao thương khu vực và thế giới, do đó hòa bình, ổn định và an ninh tại Biển Đông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định Việt Nam luôn kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Thượng tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nỗ lực chung trong bảo đảm duy trì luật pháp quốc tế và các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); sớm kết thúc đàm phán, ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Về hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các nước đối tác, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định trong quá trình hình thành và phát triển, quan hệ đối ngoại của ASEAN với các đối tác đã không ngừng được mở rộng, củng cố và phát triển; đề cao việc xây dựng lòng tin, thiện chí, minh bạch, cùng nhau ứng phó với các thách thức chung nhằm xây dựng cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Bên lề các hội nghị ADSOM, ADSOM+, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đã gặp song phương với Trưởng đoàn nước chủ nhà Indonesia, Trưởng đoàn Nhật Bản, Australia; tiếp xúc song phương với Trường đoàn các nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia…, để trao đổi thúc đẩy, triển khai thực hiện các nội dung quan trọng liên quan đến quan hệ quốc phòng song phương, nhất là các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao; cơ chế đối thoại chính sách, chiến lược quốc phòng; các sự kiện quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh như các diễn đàn, hội nghị, cả đa phương và song phương.

Các cuộc gặp và tiếp xúc song phương đã góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thiện chí quan hệ hợp tác, thúc đẩy xây dựng lòng tin, đưa quan hệ quốc phòng của Việt Nam và các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và thiết thực./.

Hữu Chiến-Đào Trang (TTXVN/Vietnam+)

Hữu Chiến-Đào Trang (TTXVN/Vietnam+)