Công trình trọng điểm của Đắk Nông "nghẽn" vì quy hoạch bô xít
Trong quá trình triển khai thực hiện, các công trình trọng điểm ở Đắk Nông đang vướng nhiều khâu. Đây là những “nút thắt” làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án nói riêng và giải ngân vốn đầu tư của tỉnh nói chung.
Chậm giải phóng mặt bằng
Theo chủ đầu tư các dự án, trong các nguyên nhân chậm tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng được xác định là “điểm nghẽn” lớn nhất. Hiện có 4/6 công trình trọng điểm còn vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Đơn cử Dự án Khu liên hợp Bảo tàng, Thư viện và Công viên tỉnh có tổng mức đầu tư 124,7 tỷ đồng. Kế hoạch vốn giao cho dự án năm 2023 hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng nào.
Nguyên nhân được chủ đầu tư giải trình là do công tác giải phóng mặt bằng của dự án chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này dẫn đến không có mặt bằng để tổ chức thi công. Hiện nay, dự án còn 17 hộ dân chưa đồng ý phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng.
Tương tự, Dự án Hồ Gia Nghĩa có kế hoạch vốn năm 2023 được giao 9,9 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa giải ngân. Dự án hiện còn 33 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Về vấn đề này, UBND tỉnh đã giao UBND TP. Gia Nghĩa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư trước 30/6/2023. Sau khi có mặt bằng, Ban QLDA mới có cơ sở tổ chức thi công và giải ngân vốn. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng hiện vẫn chưa hoàn thiện, nên Ban QLDA đề xuất điều chuyển vốn dự án ở mốc 30/9/2023.
Vướng quy hoạch bô xít
Ngoài khó khăn về giải phóng mặt bằng, trong quá trình thực hiện, vướng quy hoạch bô xít đã ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án. Thậm chí, nhiều dự án hiện đang phải tạm dừng.
Dự án Đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê giai đoạn 2 là một ví dụ. Theo báo cáo chủ đầu tư, đến 5/7, dự án mới giải ngân được 22,5 tỷ đồng trong tổng số 150 tỷ đồng được giao trong năm 2023, đạt 15,03% kế hoạch.
Những tháng đầu năm 2023, dự án bắt tay vào thi công các đoạn tuyến được giao mặt bằng sạch. Các đơn vị liên quan cùng phối hợp giải phóng mặt bằng các khu vực còn lại để giao cho đơn vị thi công.
Tuy nhiên, gần 2 tháng nay, dự án đang tạm dừng thi công ở hạng mục quan trọng là nền đường. Nguyên nhân là do dự án được xác định nằm trong khu vực có quy hoạch thăm dò bô xít nên không thể xác nhận đăng ký khai thác đất.
Chưa kể, trong quá trình giải phóng mặt bằng phát sinh nhiều trường hợp đất của các hộ dân không có giấy tờ chứng nhận. Từ đây, việc xác minh nguồn gốc sử dụng đất của địa phương mất nhiều thời gian. Điều này kéo dài thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư.
Thiếu vật liệu đất san lấp
Nguyên vật liệu đất đắp hiện đang là vấn đề nan giải, ảnh hưởng đến tiến độ một số công trình. Dự án Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa có tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng. Đến nay, khối lượng thực hiện dự án ước đạt 20%.
Hiện tại, dự án đang tạm dừng thi công. Nguyên nhân là do giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu đất đắp cho dự án đang trong quá trình thẩm định, phê duyệt. Điều đáng nói, quá trình thẩm định, phê duyệt gặp khó khăn liên quan đến hồ sơ pháp lý của khu vực đề nghị cấp phép.
Theo chủ đầu tư dự án, vấn đề đất san lấp phải được tháo gỡ, giải quyết trong các tháng mùa mưa. Để đầu mùa khô, chủ đầu tư mới có cơ sở triển khai thi công. Trường hợp thẩm định phê duyệt mà kéo dài thêm thì dự án sẽ bị chậm tiến độ rất lớn.
Chưa kể, đối với dự án này hiện công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thiện. Ví dụ như khu vực bãi đỗ xe, trục cảnh quan kết hợp vườn hoa chưa được UBND TP. Gia Nghĩa triển khai lập công tác giải phóng mặt bằng.
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban QLDA, nhiều công trình, nhà thầu đã tập trung máy móc, thiết bị, vật lực vào để thực hiện. Quá trình thi công, gặp một số vướng mắc về thủ tục lại phải tạm dừng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các bên tham gia dự án.
Theo Sở KHĐT, đến ngày 5/7/2023, toàn tỉnh mới giải ngân được 871 tỷ đồng, trong tổng vốn 3.473,2 tỷ đồng của năm 2023, đạt 25,08% kế hoạch. Trong đó, ngân sách địa phương giải ngân 430,6 tỷ đồng/1.423 tỷ đồng, đạt 30,2%. Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 440 tỷ đồng/1.923 tỷ đồng, đạt 22,88%. Nguồn vốn ODA giải ngân 0,3 tỷ đồng/1.257 tỷ đồng, đạt 0,2%.