Tạo động lực mới để thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Indonesia
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 14:44, 02/08/2023
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Cộng hòa Indonesia Joko Widodo thăm cấp Nhà nước Việt Nam và tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) Puan Maharani và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran Mohammad Baqer Qalibaf, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 44 (AIPA-44), thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran từ ngày 4-10/8.
Trước thềm chuyến thăm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà đã trả lời phỏng vấn báo chí về chủ đề và những đóng góp của Việt Nam tại AIPA-44; đồng thời làm rõ bối cảnh, ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia của Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt năm nay, hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược.
Chủ động đề xuất 3 sáng kiến
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 44 (AIPA-44), bà có thể chia sẻ những nội dung đáng chú ý và dự kiến những đóng góp của Việt Nam tại AIPA-44?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Chủ đề chính của AIPA-44 là “Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng,” có sự gắn kết và phù hợp với chủ đề chung của ASEAN năm 2023 là: “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng.”
AIPA-44 đề cao khả năng thích ứng của các nghị viện ASEAN trong bối cảnh các khu vực và quốc tế có nhiều biến động; đồng thời nhấn mạnh đối thoại và tham vấn, tăng cường sự kết nối cũng như phối hợp giữa kênh hành pháp và lập pháp.
Việc lựa chọn chủ đề lần này thể hiện một thông điệp xuyên suốt của AIPA và mong muốn của nước chủ nhà Indonesia - Chủ tịch AIPA, Chủ tịch ASEAN năm 2023 là đề cao vai trò của ASEAN và Quốc hội/Nghị viện các nước thành viên AIPA trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh, tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu và phát triển bền vững bao trùm của khu vực để ASEAN trở thành tâm điểm tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Với chủ đề này, Việt Nam cũng chủ động đề xuất 3 dự thảo Nghị quyết/sáng kiến.
Đó là dự thảo Nghị quyết về “Chuyển đổi số do phụ nữ dẫn dắt và vì phụ nữ” nhằm khẳng định thành tựu của chuyển đổi số và đổi mới công nghệ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng, giúp phụ nữ mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn thông tin, tri thức của nhân loại, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Đồng thời, đánh giá tiềm năng của phụ nữ trong chuyển đổi số cũng như tiềm năng nguồn nhân lực nữ trong phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia.
Trên cơ sở đó đưa ra khuyến nghị nhằm thúc đẩy và tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quá trình chuyển đổi số ở mỗi quốc gia, bảo đảm phụ nữ không bị bỏ lại phía sau.
Còn Nghị quyết về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững,” xác định vai trò sáng tạo; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất, tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, công nghệ số phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh mới, chuyển đổi nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học-công nghệ; phát triển khoa học-công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Từ đó, đưa ra khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc tiếp thu, làm chủ và để ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến; thúc đẩy chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với các thách thức mới; tăng cường hợp tác hoàn thiện môi trường pháp lý liên quan đến hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Nghị quyết về “Thúc đẩy áp dụng các hướng dẫn của ASEAN về đầu tư có trách nhiệm trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp” được đưa ra trong bối cảnh hơn 6% người dân tại Đông Nam Á chịu cảnh thiếu lương thực (theo số liệu cập nhật của FAO).
Lương thực và nông nghiệp được xác định là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch công tác lần thứ 4 (giai đoạn 2021-2025) của Sáng kiến Hội nhập ASEAN, đồng thời là lĩnh vực ưu tiên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư có trách nhiệm vào các hệ thống cung cấp lương thực trong khu vực nhằm bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường tại khu vực.
Trong vấn đề này, các nghị viện đóng vai trò quan trọng giúp hỗ trợ và thúc đẩy môi trường pháp lý thuận lợi nhằm nâng cao chất lượng đầu tư vào lĩnh vực lương thực, nông-lâm nghiệp.
Từ đó, đưa ra khuyến nghị với Nghị viện và Chính phủ các nước thành viên ASEAN về đầu tư trách nhiệm trong lĩnh vực lương thực, nông-lâm nghiệp hướng tới bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của biến đối khí hậu và nạn phá rừng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)
Ba sáng kiến của Việt Nam được đưa ra tại Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA (WAIPA), Ủy ban Kinh tế là những dự thảo Nghị quyết/sáng kiến rất quan trọng có thể giúp ASEAN khai thác lợi thế về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Đồng thời khai thác được tiềm năng để phát triển lĩnh vực lương thực, nông-lâm nghiệp. Đó là trụ cột quan trọng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Bên cạnh 3 dự thảo Nghị quyết/sáng kiến trên, Việt Nam cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào những dự thảo Nghị quyết khác tại Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Chính trị... và sẽ tham gia đồng bảo trợ với các nước về những dự thảo Nghị quyết tại các Ủy ban này.
Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia
- Xin bà đánh giá bối cảnh, ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đặc biệt năm nay hai nước kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia lần này là chuyến thăm đầu tiên của đồng chí Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và cũng là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Indonesia sau 13 năm, kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng năm 2010.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đang thiết thực kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023) và hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, xem xét để nâng cấp quan hệ ngoại giao trong thời gian tới.
Chuyến thăm nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, chủ động, tích cực, củng cố và mở rộng nền tảng quan hệ chính trị giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác có hiệu quả và thực chất hơn giữa Việt Nam và Indonesia trên tất cả các lĩnh vực, kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và ngoại giao nhân dân; góp phần tăng cường tin cậy chính trị cũng như nâng cao uy tín lãnh đạo cấp cao hai bên.
Thông điệp của chuyến thăm khẳng định sự coi trọng của Việt Nam là ưu tiên phát triển và tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè truyền thống trong khu vực, nhằm mở ra cơ hội mới về hợp tác kinh tế-thương mại, tạo động lực mới để tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam và Indonesia một cách sâu rộng và hiệu quả thực chất hơn.
Trong chuyến thăm lần này, dự kiến Chủ tịch Quốc hội sẽ hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao của Indonesia và tham dự một số hoạt động quan trọng khác.
- Bà đánh giá thế nào về hợp tác Nghị viện hai nước trong những năm qua và tiềm năng hợp tác trong thời gian tới?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Cùng với đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp Việt Nam-Indonesia ngày càng được mở rộng và tăng cường thông qua việc trao đổi đoàn; phối hợp và chia sẻ quan điểm, lập trường trên những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế; việc hoàn thiện các khuôn khổ, chính sách pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội mỗi nước.
Hạ viện Indonesia đã thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Indonesia-Việt Nam vào tháng 2/2020.
Về phía Việt Nam, Quốc hội khóa XV cũng đã thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-ASEAN, trong đó có Indonesia.
Trước đó, năm 2010, Quốc hội hai nước ký biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Indonesia.
Trong chuyến thăm lần này, hai bên sẽ ký lại thỏa thuận hợp tác này với những nội hàm hợp tác mới sâu rộng hơn, bao trùm và cụ thể hơn, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới hiện nay.
Theo đó, hai bên sẽ tăng cường tiếp xúc cấp cao và các cấp, giữa các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, giữa hai nhóm Nghị sỹ hữu nghị nhằm trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn trong những lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Hai bên cũng nhất trí để tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan lập pháp hai nước trong thúc đẩy quan hệ song phương, trong việc giám sát, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tích cực triển khai hiệu quả các hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận đã ký kết; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động của Quốc hội một cách hiệu quả, nhất là việc xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và giám sát triển khai thực thi pháp luật.
Hai bên cũng sẽ tăng cường trao đổi chính sách pháp luật để thúc đẩy, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư và phát triển tại mỗi nước.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) và các tổ chức nghị viện đa phương khác để ủng hộ lập trường của nhau về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Tôi tin rằng với những tiềm năng hợp tác và quyết tâm của lãnh đạo hai bên, quan hệ Quốc hội hai nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển và tăng cường.
- Trân trọng cảm ơn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà./.