Đời sống

Thương binh trẻ Lưu Thị Duyến và nghị lực vượt lên chính mình

Hương Ly 02/08/2023 06:32

Trở thành thương binh khi mới ngoài 20 tuổi, chị Lưu Thị Duyến, thôn Bằng Sơn, xã Ea Pô (Cư Jút) đã có thời gian đầu hàng số phận. Nhờ sự động viên của gia đình, sự nỗ lực kiên trì của bản thân, nữ thương binh 42 tuổi đã học cách đứng dậy và sống một cuộc đời ý nghĩa.

Thương binh giữa thời bình

Chị Lưu Thị Duyến (SN 1981) sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng với bố là thương binh, 2 chú là liệt sĩ. Tiếp bước truyền thống của gia đình, chị Duyến cũng đóng góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ đất nước vào thời điểm các tỉnh Tây Nguyên truy quét, xử lý các đối tượng phản động fulro.

hinh-thuong-binh-5(1).jpg
Chân dung nữ thương binh trẻ Lưu Thị Duyến

Chị Duyến kể:“ Ngày ấy, tôi mới ngoài 20 tuổi. Tôi thi đại học năm đầu tiên nhưng không đậu nên ở nhà ôn luyện chờ kỳ thi năm sau. Biết địa phương đang huy động thanh niên tham gia truy quét phản động, bố mẹ vận động tôi tham gia. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi không may bị thương dẫn đến liệt toàn bộ phần thân dưới, tỷ lệ thương tật 91%”, 

Nhìn vào khoảng không trước sân nhà, trong hàng nước mắt chực trào, chị Duyến nói rằng, khoảng thời gian đầu thật sự rất khó khăn đối với một cô gái trẻ, với bao ước mơ, hoài bão chưa thực hiện được.

ve-nha-doi-chan-bat-dau-teo-top-chi-duyen-moi-hieu-rang-co-le-ca-phan-doi-con-lai-cuoc-song-cua-co-se-goi-tron-trong-4-buc-t.png

Chị Duyến đưa vạt áo lên khẽ lau đi những giọt nước mắt, nói tiếp: “Bị tai nạn khi mới bước sang tuổi đôi mươi, ngưỡng cửa đại học chỉ vừa mới mở khiến tôi hụt hẫng vô cùng. Thời gian đầu tôi cũng tuyệt vọng, buồn chán lắm bởi sau tai nạn, không chỉ ước mơ mà còn cả niềm hạnh phúc cá nhân của tôi cũng mất đi”.

Mong muốn bước đi trên đôi chân của mình

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, chính truyền thống quý báu đó đã nhắc nhở thương binh Lưu Thị Duyến cố gắng vượt lên nỗi đau về thể xác để sống một cách trọn vẹn, có ý nghĩa hơn.

truyen-thong-cach-mang-cua-gia-dinh.-toi-tu-hao-vi-da-dong-gop-mot-phan-suc-tre-cua-minh-cho-su-binh-yen-cua-ea-po-ngay-nay-.png

Trở về với cuộc sống thường ngày với vết thương đang hiện hữu trên cơ thể, nhưng chị Duyến luôn sống lạc quan và tích cực. Những ngày sau đó, cô gái trẻ Lưu Thị Duyến được đọc cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

“Đọc cuốn sách này, hơn ai hết, tôi cảm nhận sâu sắc nhất nỗi đau của những nữ thanh niên xung phong tuổi chỉ mười tám đôi mươi nhưng đã phải gửi lại mãi mãi tuổi trẻ, tình yêu và ước mơ nơi chiến trường ác liệt. Cuốn sách đã truyền cho tôi nghị lực và động lực vượt lên những thương tật trên cơ thể”, chị Duyến nói.

Sau những ngày tháng nằm trên giường, chị Duyến cố gắng tập bước đi trên đôi chân của mình. Những bước đi đầu tiên rất đau đớn, thậm chí có những hôm tập đi nhiều, đôi chân sưng húp, biến dạng thế nhưng điều đó không ngăn cản được khát vọng được bước đi của nữ thương binh Lưu Thị Duyến.

img_0713(1).jpg
Kiên trì tập luyện, đến nay chị Duyến đã tự di chuyển được trong nhà nhờ sự hỗ trợ của chiếc nạng. Ngoài những lúc ốm đau phải nhờ đến người thân, phần lớn các sinh hoạt cá nhân chị Duyến có thể tự mình làm được.

Đôi mắt của nữ thương binh 42 tuổi đã tràn đầy hy vọng, niềm lạc quan. Chị tâm sự: “ Tôi ý thức được sự may mắn của bản thân cũng như trách nhiệm sống đẹp, sống tử tế, sống tích cực để không phụ lòng với những người đã ngã xuống và trách nhiệm truyền lửa cho thế hệ trẻ tiếp theo của đất nước.”

Hương Ly