Văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác công an được ban hành và lấy ý kiến trong tháng 07/2023

Chính sách - Ngày đăng : 15:43, 31/07/2023

Quy định về biển số định danh; đăng ký, cấp biển số xe trúng đấu giá; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Hồ sơ xây dựng Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù và việc khám sức khỏe đối với lực lượng Công an nhân; dự thảo Thông tư quy định về việc thực hiện công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân là những nội dung trọng tâm liên quan đến công tác công an được ban hành và lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tháng 7/2023.

Quy định về biển số định danh; đăng ký, cấp biển số xe trúng đấu giá

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 24/2023/TT-BCA ngày 01/7/2023 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới gồm 4 Chương, 40 Điều.

Theo đó, Thông tư này quy định về hồ sơ, thủ tục cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, bao gồm: Đăng ký xe lần đầu; đăng ký sang tên, di chuyển xe; cấp đổi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; cấp lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đăng ký xe tạm thời; thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đăng ký, cấp biển số xe trúng đấu giá (sau đây gọi chung là đăng ký xe); hướng dẫn giải quyết một số trường hợp cụ thể; biểu mẫu, thời hạn sử dụng chứng nhận đăng ký xe, xác định năm sản xuất của xe và biển số xe. 

Ảnh minh họa. 

Đáng chú ý, Thông tư này quy định biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe (sau đây gọi là biển số định danh). Theo đó, Biển số định danh là biển số có ký hiệu, seri biển số, kích thước của chữ và số, màu biển số. 

Cụ thể, đối với chủ xe là công dân Việt Nam thì biển số xe được quản lý theo số định danh cá nhân. Chủ xe là người nước ngoài thì biển số xe được quản lý theo số định danh của người nước ngoài do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập hoặc số thẻ thường trú, số thẻ tạm trú hoặc số chứng minh thư khác do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đối với chủ xe là tổ chức thì biển số xe được quản lý theo mã định danh điện tử của tổ chức do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập; trường hợp chưa có mã định danh điện tử của tổ chức thì quản lý theo mã số thuế hoặc quyết định thành lập…(xem thêm).

Lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông; tăng cường tính công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân; trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo đó, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về đăng ký, cấp biển số xe cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phục vụ người dân. Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dự thảo Luật quy định nhiều điểm mới như: sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe để phù hợp với Công ước Viên năm 1968 và có kế thừa phân hạng còn phù hợp của Luật Giao thông đường bộ năm 2008; bổ sung quy định về giấy phép lái xe quốc tế; quy định về các trường hợp cấp, cấp đổi, cấp lại thu hồi giấy phép lái xe…(xem thêm).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Công an dự thảo Hồ sơ xây dựng Luật Dẫn độ để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân

Từ khi Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP) và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành, hoạt động dẫn độ đã có nhiều chuyển biến, hỗ trợ tích cực cho hoạt động tố tụng của cơ quan Nhà nước Việt Nam và nước ngoài trong việc giải quyết các vụ án, trừng trị nghiêm minh các đối tượng phạm tội, qua đó bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm sự ổn định xã hội, trật tự, kỷ cương. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Tuy nhiên, cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế, yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, sau hơn 14 năm thực hiện, Luật TTTP đã bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dẫn độ, gồm: Luật TTTP điều chỉnh bốn lĩnh vực nhưng mỗi lĩnh vực lại có phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động, mục đích và bản chất khác nhau, gồm TTTP về dân sự, TTTP về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù nên Luật khó bảo đảm áp dụng đồng bộ, dẫn đến việc các quy định chung của Luật không điều chỉnh được những đặc thù riêng trong từng lĩnh vực...

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi pháp luật về dẫn độ phải là khuôn khổ pháp luật đồng bộ, hiện đại, phù hợp với thực tiễn và xu thế quốc tế, tạo thuận lợi tối đa cho hợp tác tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về dẫn độ là yêu cầu khách quan nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động dẫn độ...(xem thêm).

Đề xuất xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

Nhằm hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo hướng hiện đại, khả thi, khoa học, thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; khẳng định chính sách nhân đạo và chính sách phòng, chống tội phạm của Việt Nam; nâng cao trách nhiệm, năng lực của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp liên ngành của các cơ quan nhà nước trong hoạt động chuyển giao, Bộ Công an hoàn thiện Hồ sơ xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Theo đó, từ khi Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP) được ban hành ngày 21/11/2007 đã thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường hội nhập quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp; nội luật hóa một số cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tư pháp. Bên cạnh các mặt đã đạt được, cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, yêu cầu hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau hơn 14 năm triển khai thực hiện Luật TTTP về chuyển giao người bị kết án phạt tù đã bộc lộ những hạn chế bất cập chưa phù hợp với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nhiều quy định của Luật TTTP năm 2007 chưa phù hợp với thực tiễn và điều kiện thực tế ở Việt Nam cần được hoàn thiện…

Việc xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là yêu cầu cấp thiết khách quan, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù sẽ được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù còn phù hợp của Luật TTTP và các văn bản hướng dẫn thi hành các quy định này, bổ sung các nội dung mới, cụ thể, chi tiết đáp ứng các yêu cầu phát triển của hội nhập quốc tế và yêu cầu, đặc thù của hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nói riêng; hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp phù hợp với pháp luật quốc tế, về cải cách tư pháp…(xem thêm).

Dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù và việc khám sức khỏe đối với lực lượng Công an nhân dân

Bộ Công an hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù và việc khám sức khỏe đối với lực lượng Công an nhân dân để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Dự thảo Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 45/2019/TT-BCA ngày 02/10/2019 của Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn sức khỏe và khám sức khỏe tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; Thông tư số 55/2010/TT-BCA ngày 13 tháng 12 năm 2010 của Bộ Công an quy định về công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân.

Theo đó, dự thảo Thông tư gồm 06 Chương, 39 Điều và 10 Phụ lục kèm theo quy định về các nội dung: Tiêu chuẩn sức khoẻ và khám sức khỏe tuyển sinh tuyển mới, tuyển chọn công dân vào lực lượng Công an nhân dân; Tiêu chuẩn sức khỏe và khám sức khỏe tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; Công tác khám sức khỏe định kỳ, theo dõi, chăm sóc, phân cấp quản lý và truyền thông, giáo dục sức khỏe đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân…(xem thêm).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Dự thảo Thông tư quy định về việc thực hiện công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân

Xuất phát từ lợi ích của quần chúng nhân dân, thực hiện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước nói chung và công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói riêng, Bộ Công an dự thảo Thông tư quy định về việc thực hiện công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân gồm 04 Chương và 11 Điều để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

Trong những năm qua, công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân (CAND) luôn được quan tâm, chỉ đạo tăng cường và đổi mới về nội dung, hình thức và phương thức thực hiện công tác dân vận gắn với thực tiễn. Công tác dân vận của lực lượng CAND là toàn bộ hoạt động của lực lượng CAND tiến hành tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa lực lượng Công an với Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của Công an đơn vị, địa phương…(xem thêm).

Cán bộ, chiến sĩ Công an tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc giữ gìn an ninh, trật tự.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc giữ gìn an ninh, trật tự.

Ban Biên tập