Mỹ tiến hành nghiên cứu để thử nghiệm điều trị COVID kéo dài

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 15:19, 01/08/2023

Dự án RECOVER được ra đời trong bối cảnh hàng triệu người trên thế giới đang vật lộn với các vấn đề sức khỏe sau khi mắc bệnh COVID-19 mà không có hướng điều trị cụ thể.

My tien hanh nghien cuu de thu nghiem dieu tri COVID keo dai hinh anh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 31/7, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã công bố dự án RECOVER trị giá 1,15 tỷ USD, nhằm nghiên cứu thử nghiệm các phương pháp điều trị hội chứng COVID-19 kéo dài (long COVID).

Dự án RECOVER được ra đời trong bối cảnh hàng triệu người trên thế giới đang vật lộn với các vấn đề sức khỏe sau khi mắc bệnh COVID-19, mà không có hướng điều trị cụ thể. Hiện có khoảng 900 người đăng ký tham gia nghiên cứu và con số này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tính đến nay, dự án đã theo dõi tình trạng của 24.000 bệnh nhân, nhằm xác định các triệu chứng nặng và phổ biến nhất, giúp định hình các thử nghiệm điều trị đa hướng thời gian tới. 

Dự án RECOVER bao gồm hai nghiên cứu chính. Nghiên cứu đầu tiên xem xét việc: liệu sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid tối đa 25 ngày có giảm thiểu triệu chứng của COVID kéo dài hay không, do có nhiều giả thuyết cho rằng virus SAR-CoV-2 hoặc tàn dư của virus này có thể ẩn náu bên trong cơ thể và khiến cơ thể rối loạn.

Thông thường, Paxlovid được khuyến nghị dành riêng cho những bệnh nhân mới mắc COVID-19 hoặc trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát bệnh.

Nghiên cứu thứ hai tập trung tìm hiểu vấn đề về nhận thức và các phương pháp điều trị chứng “sương mù não”. Nghiên cứu này ứng dụng một thiết bị do công ty Soterix Medical phát triển, trong đó kích thích điện lên mạch thần kinh trong não của người bệnh, cũng như chương trình rèn luyện nhận thức BrainHQ của công ty Posit Science Corp. và hệ thống y tế Mount Signai của thành phố New York (Mỹ).

RECOVER dự định bổ sung thêm hai nghiên cứu trong những tháng tới. Nghiên cứu đầu tiên thử nghiệm các biện pháp điều trị rối loạn giấc ngủ, trong khi nghiên cứu thứ hai tìm hiểu về rối loạn thần kinh thực vật (ANS), bao gồm chứng rối loạn nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS). Đây là hệ thống kiểm soát hoạt động vô thức như nhịp tim và nhịp thở của con người.

Bác sỹ Ziyad Al-Aly thuộc Đại học Washington St. Louis đánh giá dự án này là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh nhiều người đang lợi dụng những bệnh nhân “dễ bị tổn thương” bằng các phương pháp điều trị chưa chứng minh được hiệu quả.

Các nhà khoa học đến nay vẫn chưa giải mã được nguyên nhân gây ra hội chứng COVID kéo dài. Đây là thuật ngữ chung cho khoảng 200 triệu chứng khác nhau. Ước tính 10-30% số người đã phải trải qua hội chứng này sau quá trình phục hồi hậu COVID-19./.

Mai Nguyễn (TTXVN/Vietnam+)

Mai Nguyễn (TTXVN/Vietnam+)