Hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ song phương Việt Nam-UAE

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:11, 01/08/2023

Trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, phía UAE xác định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) sẽ là một trong ba trụ cột ưu tiên từ nay đến năm 2030 và cả giai đoạn tiếp sau.

Hop tac kinh te la diem sang trong quan he song phuong Viet Nam-UAE hinh anh 1Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn (thứ 3, trái sang) tại một sự kiện giới thiệu hàng nông sản Việt Nam tại UAE. (Ảnh: TTXVN phát)

Hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng và là điểm sáng trong quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Đây là đánh giá của Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Trung Đông nhân dịp 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (01/8/1993-01/8/2023).

Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, phía UAE xác định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) sẽ là một trong ba trụ cột ưu tiên từ nay đến năm 2030 và cả giai đoạn tiếp sau.

Hai nước đã chính thức khởi động đàm phán CEPA từ tháng 4/2023, đồng thời cam kết sẽ sớm hoàn thành đàm phán, tiến tới ký kết trong thời gian sớm nhất.

CEPA bao gồm các điều khoản ưu đãi về thương mại và đầu tư, là cơ sở pháp lý quan trọng tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước.

Hiệp định CEPA được ký kết sẽ là hiệp định có quy mô lớn nhất, toàn diện nhất, mang ý nghĩa lớn và là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UAE, mở ra một giai đoạn mới trong hợp tác chiến lược chung về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và UAE.

Hiệp định này hứa hẹn sẽ đưa quan hệ hợp tác hai nước nói chung và hợp tác kinh tế nói riêng đi vào thực chất, hiệu quả và toàn diện. CEPA sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang UAE, tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh quan hệ thương mại và dịch vụ sang các nước khu vực Trung Đông-châu Phi.

Đồng thời, CEPA cũng sẽ thúc đẩy đầu tư của UAE sang Việt Nam và mở rộng sang các lĩnh vực tiềm năng khác như đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, đầu tư, logistics, công nghệ, du lịch, nông nghiệp...

Điểm lại kết quả hoạt động giao thương giữa hai nước, Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi. UAE cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đã tăng gấp 27,5 lần so với năm 2006. Trong tổng kim ngạch thương mại, Việt Nam xuất siêu 3,27 tỷ USD. Việt Nam hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của UAE tại khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù phát triển với tốc độ nhanh như vậy, nhưng quan hệ kinh tế giữa hai bên vẫn còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa, nhờ vào đặc thù là hai nền kinh tế có những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau.

Về mối quan hệ tổng thể giữa Việt Nam và UAE, Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng trong 30 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia ngày càng phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, lao động và du lịch. Sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước không ngừng được củng cố.

Thông qua duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, quan hệ chính trị giữa hai nước ngày một gần gũi và tin cậy hơn.

Ðây là nền tảng để hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực đạt được những bước tiến tích cực.

Chuyến thăm UAE của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân vào tháng 5/2023 đã tạo thêm nhiều xung lực mới cho quan hệ song phương.

Kể từ tháng 5/2023 đến nay, phía UAE đã tích cực triển khai những đề nghị và đề xuất hợp tác mới, với các chuyến thăm Việt Nam của Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế thuộc Bộ Kinh tế, Tiến sỹ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi (ngày 5/6) và Ngoại trưởng Abdullah bin Zayed bin Sultan Al Nahyan (ngày 13/6).

Theo Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn, nhằm tô điểm dấu mốc 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm trong năm 2023, như trao đổi đoàn, tổ chức các chương trình nghệ thuật, giao lưu nhân dân...

Những hoạt động ý nghĩa này sẽ góp phần vun đắp tình hữu nghị, đồng thời tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và nâng cao nhận thức của nhân dân hai nước về mối quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE.

Đại sứ cho rằng cộng đồng công dân đang sinh sống tại mỗi nước cũng đang phát huy rất tốt vai trò cầu nối cho quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc. Hiện có khoảng 3.500 lao động Việt Nam đang làm việc tại UAE và theo kế hoạch sẽ có thêm 100.000 lao động lành nghề được đưa sang UAE thời gian tới.

Về những thuận lợi và thách thức trong mối quan hệ song phương, Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn khẳng định quan hệ Việt Nam-UAE đã được vun đắp trong suốt 30 năm qua, vì vậy có sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng lẫn về chất.

Những kết quả tích cực đạt được như đã nêu trên, cùng với nhận thức chung giữa lãnh đạo hai nước về tầm nhìn của mối quan hệ là những nền tảng quan trọng cho các đối tác hai bên tiếp tục đưa các kết nối hợp tác sâu rộng hơn.

Bên cạnh đó, hai nước có những tiềm năng thế mạnh bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. CEPA có hiệu lực sẽ là một động lực mạnh mẽ giúp cho các doanh nghiệp của Việt Nam và UAE có điều kiện tiếp cận thị trường của nhau thuận lợi hơn, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn đề cập đến một số khó khăn cần khắc phục, nhất là trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Thứ nhất, hàng hóa Việt Nam vào thị trường UAE vấp phải sự cạnh tranh từ các quốc gia có cùng danh mục mặt hàng thuộc khu vực vùng Vịnh, châu Phi và Nam Á.

Thứ hai, do UAE có khoảng cách địa lý xa Việt Nam nên chi phí vận chuyển và bảo quản hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này cao, làm gia tăng giá thành sản phẩm, do đó khó cạnh tranh với hàng hóa từ những nước có vị trí địa lý gần với UAE.

Thứ ba, sự hạn chế về công nghệ, trình độ nhân lực, trình độ quản lý, sự thông hiểu luật pháp quốc tế, thủ tục hành chính và văn hóa Hồi giáo… là những trở ngại khó có thể khắc phục một sớm một chiều. Những khó khăn nói trên sẽ làm giảm sức cạnh tranh hàng hóa và sức hút đầu tư từ Việt Nam.

Hop tac kinh te la diem sang trong quan he song phuong Viet Nam-UAE hinh anh 2Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước những thách thức đã nêu, Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại UAE sẽ luôn nỗ lực để khắc phục khó khăn, tìm kiếm giải pháp phù hợp.

Riêng việc thúc đẩy đàm phán CEPA, Đại sứ nhận định đây là một trong những mục tiêu đầy khó khăn, nhưng tập thể cán bộ nhân viên của Đại sứ quán đã nỗ lực vượt qua.

Quá trình triển khai thực hiện CEPA sau khi ký kết, biến các nội dung trong hiệp định này thành những kết quả thực tế, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của Việt Nam là một công việc khó khăn và phức tạp.

Công việc này đòi hỏi một quá trình nghiên cứu, tham mưu hiệu quả cho các cơ quan trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối giao thương với các đối tác của UAE.

Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại UAE sẽ ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực có nhiều triển vọng bao gồm hợp tác thương mại và đầu tư về năng lượng, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, tài chính, logistic, lao động, du lịch… nhằm góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và UAE phát triển hơn nữa cả về bề rộng và chiều sâu./.

Lê Vũ Hội (TTXVN/Vietnam+)

Lê Vũ Hội (TTXVN/Vietnam+)