Vun đắp quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Australia

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:48, 01/08/2023

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vừa có chuyến thăm Australia, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du khu vực Thái Bình Dương, nhằm củng cố vị thế của Mỹ ở khu vực này.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese (giữa) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải), Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. (Nguồn: AP/TTXVN)
Thủ tướng Australia Anthony Albanese (giữa) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải), Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. (Nguồn: AP/TTXVN)

Với sự khẳng định của Bộ trưởng Blinken về một liên minh Mỹ-Australia “chưa bao giờ mạnh mẽ hơn lúc này”, mối quan hệ đối tác giữa hai nước giúp tăng cường phối hợp giải quyết nhiều vấn đề, trong bối cảnh thách thức địa chiến lược gia tăng.

Các quan chức hai nước nhất trí thúc đẩy liên minh Australia-Mỹ, cũng như sự hợp tác giữa hai bên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tại cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Australia- Mỹ, hai bên chú trọng bàn thảo về các ưu tiên chính trong quan hệ hai nước và một loạt vấn đề quan trọng ở khu vực và toàn cầu.

Hai bên cam kết mở rộng hợp tác song phương và với các đối tác cũng như các thể chế khu vực, chủ yếu là với ASEAN và Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương để bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, ổn định, hòa bình, thịnh vượng, tôn trọng chủ quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế.

Khẳng định tăng cường hơn nữa sự can dự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong các lĩnh vực như phát triển kinh tế và xã hội, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh, kết nối, quản trị tốt, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai kịp thời, hiệu quả, an ninh y tế và các sáng kiến phục hồi, các quan chức Australia và Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc tất cả quốc gia được tự do thực hiện các quyền phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như quyền quản lý và phát triển tài nguyên biển.

Các Bộ trưởng Mỹ và Australia cam kết hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á cũng như các quốc gia khác nhằm thúc đẩy ổn định và an ninh trên các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng của khu vực.

Thúc đẩy hợp tác và làm việc thông qua các tổ chức đa phương như nhóm Bộ tứ (Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) và nhóm Đối tác Thái Bình Dương Xanh để giúp tăng cường cam kết về kinh tế và hỗ trợ cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng là những vấn đề được Mỹ và Australia nhất trí.

Hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đối mặt những thách thức quan trọng, bao gồm ứng phó biến đổi khí hậu, củng cố hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như đối phó thông tin sai lệch; nhất trí tăng cường hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua cấu trúc khu vực hiện có. Cả hai nước hoan nghênh tiến bộ đạt được, cùng với Vương quốc Anh, trong quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia tăng cường (AUKUS).

Một trong những mục tiêu quan trọng khác trong chuyến công du khu vực Thái Bình Dương của các quan chức Mỹ lần này là thúc đẩy nỗ lực nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác lâu đời với các quốc đảo Thái Bình Dương.

Hiện mối quan tâm chính đối với thỏa thuận này liên quan đến hợp tác chiến tranh trên không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và phát triển tên lửa siêu vượt âm. Cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ và Australia lần này giúp hai bên đánh giá những tiến triển trong thỏa thuận Mỹ bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, vấn đề an ninh khu vực.

Một trong những mục tiêu quan trọng khác trong chuyến công du khu vực Thái Bình Dương của các quan chức Mỹ lần này là thúc đẩy nỗ lực nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác lâu đời với các quốc đảo Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa an ninh khi Australia và các nước khác ở khu vực này ghi nhận số người thiệt mạng gia tăng do thảm họa thiên nhiên gây ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, chuyển đổi năng lượng sạch đang nhanh chóng trở thành một “trụ cột” trong quan hệ liên minh Mỹ-Australia cũng như Mỹ với các quốc gia trong khu vực.

Trước khi đến Australia, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã đến thăm hai quốc gia khác ở Nam Thái Bình Dương là Tonga và New Zealand. Trong khi đó, người đứng đầu Lầu năm góc đã đến thăm Papua New Guinea.

Tại Australia, các bộ trưởng hai bên đã cam kết tăng cường hợp tác để giải quyết khủng hoảng khí hậu thông qua việc thực hiện Hiệp ước chuyển đổi khí hậu, Khoáng sản quan trọng và Năng lượng sạch Australia-Mỹ do Thủ tướng Anthony Albanese và Tổng thống Joe Biden công bố hồi tháng 5/2023.

Trong chuyến đi lần này, Bộ trưởng Blinken muốn phát đi tín hiệu rằng, những vấn đề như biến đổi khí hậu và an ninh chuỗi cung ứng cũng là những vấn đề quan trọng cần đẩy mạnh hợp tác giữa Mỹ với các quốc gia trong khu vực.

Các quan chức Mỹ và Australia đã ra Tuyên bố chung khẳng định, dựa trên những giá trị chung, đây là mối quan hệ đối tác vì lợi ích chiến lược. Thông qua hợp tác song phương và tăng cường phối hợp trong các vấn đề ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mối quan hệ bạn bè gần gũi giữa Mỹ và Australia không chỉ tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo trong quan hệ hai nước mà còn góp phần củng cố vị thế và tầm ảnh hưởng của mỗi nước ở khu vực.

HÀ ANH