Đừng để sập bẫy thông tin xấu, độc
Mạng xã hội, bên cạnh những thông tin hữu ích thì còn có các thông tin bịa đặt, tin đồn nhảm nhí. Để không bị lừa bởi những thông tin sai sự thật, người dân cần nâng cao cảnh giác, trước khi chia sẻ hoặc bình luận phải cần có cái đầu tỉnh táo.
Tin giả vẫn liên tục sản sinh
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mặc dù Bộ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, ngăn chặn xử lý tin giả nhưng tin giả trên không gian mạng vẫn liên tục được sản sinh, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn.
Tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây thiệt hại về kinh tế. Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, phản cảm được người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng rãi gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Gần đây nhất, ngay sau khi xảy ra vụ việc nhóm đối tượng sử dụng vũ khí tấn công trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vào rạng sáng 11/6 khiến dư luận hết sức bàng hoàng thì trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin được đăng tải, chia sẻ. Bên cạnh những thông tin phản ánh đúng bản chất, diễn biến của vụ việc, thì có không ít thông tin thất thiệt, tin giả, tin sai sự thật.
Nhiều thông tin, hình ảnh, video được chỉnh sửa, cắt ghép tung ra kèm lời bình khiếm nhã đã gây ra sự hoang mang trong dư luận. Nhiều cá nhân, tổ chức còn cố tình giật tít gây sốc bằng những ngôn từ mang tính kích động, tạo ra sự hiểu nhầm và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng…
Lực lượng công an các tỉnh, thành phố đã phát hiện, xử lý hàng chục trường hợp đăng tải tin giả, tin sai sự thật liên quan đến vụ việc gây mất an ninh trật tự tại Đắk Lắk trên mạng xã hội. Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, hầu hết các trường hợp vi phạm đều thừa nhận do bản thân chưa tìm hiểu kỹ, nhận thức hạn chế cho nên đã sử dụng tài khoản cá nhân đăng tải, chia sẻ những nội dung không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng, xúc phạm uy tín của chính quyền, lực lượng công an, đồng thời tự nguyện gỡ bỏ bài viết và cam kết không tái phạm.
Tại Đắk Nông, mới đây nhất ngày 26/7, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã xử phạt nam thanh niên về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Nam thanh niên là quản trị viên của 1 trang fanpage trên mạng xã hội Facebook, đã đăng tải thông tin sai sự thật về địa phương.
Tại cơ quan công an, nam thanh niên thừa nhận đã lập nhiều trang fanpage mang tên nhiều tỉnh thành. Sau đó, nam thanh niên đăng tải nhiều bài viết có nội dung nhảm nhí, giật gân, sai sự thật, thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng với mục đích thu hút lượt theo dõi, tăng tương tác để cung cấp dịch vụ quảng cáo trên mạng xã hội. Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu nam thanh niên gỡ bỏ bài viết và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định với mức phạt tiền 7,5 triệu đồng.
Theo Công an tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, có nhiều trường hợp đưa thông tin không chính xác, không kiểm chứng. Thậm chí, có trường hợp còn bịa đặt trên mạng xã hội gây hoang mang, bất bình trong dư luận và đã bị cơ quan chức năng xử phạt. Công an tỉnh Đắk Nông khuyến cáo người dân tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Phòng chống tin giả, tin sai sự thật
Với sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội thì việc loại bỏ hoàn toàn tin giả, tin sai sự thật là rất khó. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, người dân cần tự trang bị các kiến thức cơ bản, biết sàng lọc và nhận biết tin giả, cũng như những hành vi vi phạm pháp luật khi hoạt động trên không gian mạng để có ứng xử phù hợp nhằm hạn chế sự phát tán và ảnh hưởng của tin giả.
Theo Cục Phát thanh-Truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện nay chưa có thống kê cụ thể tin giả, tin sai sự thật trên nền tảng nào nhiều nhất, nhưng qua quá trình quản lý thì thấy trên nền tảng Facebook thì tin giả, tin sai sự thật về chính trị là nhiều nhất, sau đó đến nền tảng Youtube. Còn nền tảng Tiktok chủ yếu là tin giả, tin sai sự thật liên quan đến đời sống.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng". Cẩm nang này trao cho cộng đồng - người dùng internet công cụ nhận biết, ứng xử phù hợp, chung tay loại trừ những thông tin giả, tin sai sự thật.
Cẩm nang cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật có xu hướng tăng trên không gian mạng hiện nay.
Hiện nay, Chính phủ đã có quy định rõ các mức phạt đối với các hành vi tung tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội hội. Để không bị cơ quan chức năng tuýt còi, người dùng mạng phải tự rút ra bài học, trở nên thông thái hơn, phải ý thức được mình đang là nạn nhân của tin giả.