Đời sống

Đắk Nông nỗ lực giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bảo Ngọc 31/07/2023 06:05

Đắk Nông đã, đang nỗ lực giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là đồng bào DTTS tại chỗ theo mục tiêu các chương trình như: 132, 134, Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình 1719), giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025...

Hơn 5.000 hộ dân đã được cấp đất 

Theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ đất ở và đất sản xuất với tổng số 5.133 hộ; trong đó, hỗ trợ đất ở cho 2.338 hộ và hỗ trợ đất sản xuất cho 2.795 hộ. Tuy Đức là huyện thực hiện chương trình hỗ trợ đất cho đồng bào DTTS nhiều nhất tỉnh với 707 hộ được hỗ trợ đất ở, và 613 hộ được hỗ trợ đất sản xuất.

Qua đánh giá, hầu như tất cả số hộ đồng bào DTTS đã rất vui mừng vì được cấp đất ở và đất sản xuất. Phần lớn số hộ đã sử dụng tốt, hiệu quả diện tích đất được cấp, nhất là đất sản xuất. Chỉ có 141 hộ đã chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất, chiếm 2,75% tổng số hộ đã được hỗ trợ. Trong đó, đất ở có 28 hộ, đất sản xuất có 113 hộ. Nguyên nhân là do khó khăn về điều kiện kinh tế hoặc đất sản xuất được cấp không gần nơi ở... nên đã chuyển nhượng. Toàn tỉnh có 16 hộ không sử dụng đất được cấp, chiếm 0,31% tổng số hộ đã được hỗ trợ. Trong đó, đất ở có 3 hộ, đất sản xuất có 13 hộ. Nguyên nhân không sử dụng là do đất ở, đất sản xuất được hỗ trợ xa khu dân cư, đất đai không thuận lợi cho phát triển sản xuất.

z4552804221239_f2bf897faa030c3b85da1f37ccce803a(1).jpg
Được hỗ trợ đất sản xuất, đồng bào DTTS xã Quảng Hòa (Đắk Glong) trồng dâu, nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh A Trư)

Tại Công văn 161-CV/BCSĐ, ngày 25/7/2023, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Nông đánh giá, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đã giải quyết nhu cầu thiết yếu của đồng bào DTTS. Qua đó, giúp người dân có chỗ ở ổn định và phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập, xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa tỉnh.

Hiện nay, Đắk Nông đang nỗ lực thực hiện Chương trình 1719; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được chia thành 10 dự án thành phần với các tiểu dự án và mục tiêu cụ thể. Trong đó, Dự án 1 có nội dung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Dự án hướng tới mục tiêu hỗ trợ hộ đồng bào DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng).

phat-ngon-thao-a-phu.jpg
Đồ họa: QS - AT

Tại Kế hoạch số 366/KH-UBND, ngày 14/6/2023, UBND tỉnh Đắk Nông đã đề ra mục tiêu cụ thể để thực hiện Chương trình 1719: Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi là 5%. Giải quyết nhu cầu cấp thiết của hộ DTTS; trong đó, giải quyết đất ở 154 hộ; giải quyết nhà ở 163 hộ; hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề 391 hộ; triển khai thực hiện 9 dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư, khi hoàn thành bố trí, sắp xếp ổn định tại chỗ cho 7.831 hộ…

ngo-thi-nguyen(1).jpg
Đồ họa: QS-AT

Tiếp tục tháo gỡ, khắc phục khó khăn, vướng mắc

Theo số liệu thống kê của các huyện, thành phố, toàn tỉnh hiện có 3.958 hộ còn thiếu đất ở, đất sản xuất. Trong đó, có 1.760 hộ thiếu đất ở và 2.198 hộ thiếu đất sản xuất. So với năm 2020, số hộ thiếu đất ở giảm 521 hộ và đất sản xuất giảm 1.573 hộ.

Trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp một số khó khăn vướng mắc như: qũy đất thực hiện hỗ trợ của các địa phương ngày càng hạn chế; định mức kinh phí hỗ trợ đất ở, đất sản xuất còn thấp; tình trạng dân di cư tự do vào địa bàn tỉnh còn nhiều; công tác quy hoạch, quản lý đất đai nói chung còn bất cập. Mặc dù đồng bào DTTS còn thiếu đất ở, đất sản xuất nhưng nhiều hộ lại sinh sống trên đất lâm nghiệp nên không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai để thực hiện các chính sách hỗ trợ. Mặt khác, một số chính sách sau khi được triển khai thực hiện chưa bố trí đủ và kịp thời nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện.

z4552804641222_be6e8c79389e977ac3363677e4178887(1).jpg
Một góc tái định cư thôn 4, xã Đắk P’lao (Đắk Glong) (Ảnh A Trư)

Để tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, quỵ hoạch bố trí dân cư, quy hoạch nông thôn mới... làm cơ sở cho việc cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững được chú trọng thực hiện; nâng cao tỉ lệ che phủ rừng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Các địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng tốt đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Qua đó, giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho người dân; gắn với việc giao khoán, quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo điều kiện cho người dân có công ăn việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều hộ đồng bào DTTS đang cư trú ổn định trên các nương, rẫy thuộc đất nông nghiệp nhưng không được quy hoạch điểm dân cư nông thôn, không đủ điều kiện để chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở. Do vậy, UBDN tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù riêng để giải quyết đất ở cho các hộ gia đình thuộc diện trên.

Các địa phương, ngành chức năng tập trung thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất bằng các hình thức phi nông nghiệp như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch vùng đồng bào DTTS.

Riêng nội dung hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình về đất ở, nhà ở và đất sản xuất, giai đoạn 2021-2025 thuộc Chương trình 1719, Đắk Nông được phân bổ với tổng nguồn vốn là 32,736 tỷ đồng nhưng chưa có cơ sở thực hiện và giải ngân. UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành về cơ chế đặc thù thực hiện và quy trình, thủ tục thanh quyết toán đối với nội dung sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình nhưng không lập dự án đầu tư. Tỉnh kiến nghị các bộ, ngành trung ương sửa đổi quy định theo hướng: đối với trường hợp hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình về đất ở, nhà ở, đất sản xuất thì không thực hiện theo cơ chế vốn đầu tư mà chuyển sang bố trí vốn thực hiện theo chế độ cấp phát (tương tự như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững).

Việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS có ý nghĩa rất lớn, không chỉ giải quyết nhu cầu cấp bách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, mà còn thi hành phù hợp, hiệu quả hơn chính sách, pháp luật đất đai hướng tới phát triển bền vững.

Bảo Ngọc