Mưa lũ ở miền Nam làm 5 người chết, giao thông bị chia cắt
Mưa lớn liên tiếp nhiều ngày ở phía Nam gây ngập, sạt lở khiến giao thông bị chia cắt, 5 người tử vong, hai mất tích, hàng trăm nhà hư hại, trong ngày 29 và 30/7.
Ảnh hưởng gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang... xuất hiện mưa lớn kèm giông lốc suốt ba ngày qua. Lượng mưa ở nhiều địa phương đo được lên tới hơn 200 mm - lớn nhất từ trước đến nay.
Tại Lâm Đồng, mưa tầm tã kèm gió mạnh suốt từ sáng đến trưa 30/7 được cho là nguyên nhân gây sạt lở nhiều điểm trên đèo Bảo Lộc, thuộc tuyến quốc lộ 20. Khoảng 14h30, tại khu vực gần trạm Cảnh sát giao thông Madagui (thuộc phòng CSGT Công an Lâm Đồng), hàng chục tấn đất đá trên đỉnh đồi bất ngờ sụp xuống, lấp toàn bộ mặt đường đèo. Trụ sở cảnh sát giao thông tại đây bị vùi lấp, khiến ba chiến sĩ tử vong và một người dân mất tích.
Trước đó, sau khoảng một giờ sự cố xảy ra, giao thông trên đèo Bảo Lộc đoạn qua khu vực đã tê liệt hoàn toàn vì đất đá chắn ngang đường. Đây là tuyến huyết mạch cho xe từ TP HCM, Đồng Nai đi lên TP Đà Lạt nên hàng trăm phương tiện, đa phần là ôtô khách phải quay đầu, chuyển hướng qua quốc lộ 28B, 28, 55 theo trục cao tốc TP HCM - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo.
Ngoài khu vực trên, từ buổi trưa đèo Bảo Lộc đoạn qua xã Đại Lào và tuyến đèo tại thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai, cũng bị sạt lở ở nhiều điểm. Các sự cố này không gây ra thương vong, song khiến giao thông ách tắc nghiêm trọng. Cảnh sát địa phương huy động nhiều cán bộ, chiến sĩ, chia thành nhiều nhóm đến những vị trí trọng yếu trên tuyến để phân luồng, cảnh báo xe qua chạy an toàn.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên quốc lộ 55, nối huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận qua TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Chiều 30/7, mưa lớn kéo dài khiến nhiều khu vực cây xanh gãy đổ, đất đá từ các triền đồi đổ xuống quốc lộ.
Ông Trần Đình Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, cho biết địa phương ghi nhận ít nhất 5 điểm bị sạt lở trên quốc lộ này trong chiều nay. Xe hướng Bình Thuận lên TP Bảo Lộc và ngược lại không thể di chuyển, đều phải quay đầu trở lại. Chính quyền xã Đa Mi đã huy động 4 xe cơ giới đến giải tỏa hiện trường, nhưng khối lượng đất đá và cây rừng ập xuống quá nhiều, tuyến đường vẫn bị chia cắt cho đến tối.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mưa kèm giông lốc liên tiếp ngày 29, 30/7 cũng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong đó, lốc xoáy ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu làm căn nhà của vợ chồng ông Đặng Văn Dũng, 37 tuổi và bà Đăng Kim Mến, 36 tuổi đổ sập. Vách tường đè trúng hai vợ chồng khiến bà Mến tử vong, ông Dũng và con trai 8 tuổi bị thương. Địa phương đã hỗ trợ gia đình nạn nhân 18 triệu đồng, đồng thời huy động lực lượng dọn dẹp hiện trường và túc trực ở khu vực đề phòng xảy ra sự cố.
Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết mưa liên tiếp trong hai ngày gây ngập ở nhiều nơi trên địa bàn và làm 59 căn sập, 52 căn tốc mái. Riêng huyện Hồng Dân, lượng mưa đo trong hai ngày lên tới 162 mm, kỷ lục từ trước đến nay.
Ở Cà Mau, mưa lớn và gió mạnh làm hàng trăm hàng quán, ki-ốt cùng nhà dân bị sập, tốc mái. Thống kê tại huyện U Minh, Năm Căn và TP Cà Mau có 170 căn nhà đã bị hư hại, ước tính thiệt hại hơn 7 tỷ đồng.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hơn 40 căn nhà ở huyện Đất Đỏ cũng bị gió làm tốc mái cùng hàng loạt cây xanh, cột điện bị ngã đổ do ảnh hưởng thời tiết xấu. Trong ngày 30/7, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng đến hiện trường nơi bị thiệt hại hỗ trợ người dân, khắc phục hậu quả.
Thời tiết cực đoan gây mưa lớn trong ngày 30/7 cũng khiến nhiều nơi ở vùng Bảy Núi (An Giang), TP Rạch Giá (Kiên Giang) ngập sâu cả mét. Nước tràn vào nhà dân gây hư hỏng nhiều đồ đạc, đường ngập 40-80 cm làm giao thông bị tê liệt. Hàng loạt nhà bị sập, trụ điện ngã và hơn 400 ha lúa, cây trồng bị ngập úng.
Ngày 29/7, tại Bình Thuận, mưa tầm tã đổ xuống lúc sáng sớm cũng khiến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân ngập sâu, giao thông ùn tắc suốt 5 giờ. Đây là trường hợp hy hữu bởi cao tốc theo thiết kế thường có nền đường cao nên xác suất bị ngập rất ít xảy ra. Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư làm rõ nguyên nhân, phương án khắc phục, báo lại lãnh đạo Bộ trước ngày 3/8.
Cùng ngày, một tàu đang vào cửa cảng cá La Gi, bị sóng đánh chìm, 4 lao động rơi xuống biển. Trong đó, 3 người được một tàu cá gần đó cứu sống, người còn lại, 41 tuổi bị sóng cuốn trôi mất tích. Trong khi đó, người phụ nữ 47 tuổi đi làm rẫy bị trượt chân xuống suối, nước lũ cuốn tử vong ở xã Đức Phú.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lượng mưa đo được trong hai ngày 29 và 30/7 tại các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Đồng Nai từ 90-162 mm. Trong đó, Sóc Trăng, Kiên Giang có lượng mưa rất lớn hơn 210 mm. Đây là lượng mưa tương đương cả tháng. Dự báo trong tuần tới ở các tỉnh phía Nam tiếp tục có mưa rào, giông có nơi mưa to với lượng cục bộ 50-100 mm, có nơi trên 170 mm. Mưa lớn kéo dài, cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất cao ở khu vực Tây Nguyên.
Ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ, cho biết mưa lớn kéo dài nhiều ngày tại Nam bộ và TP HCM do cơn bão Doksuri (bão số 2) hút gió Tây Nam hoạt động mạnh. Loại gió này mang nhiều hơi nước từ biển Ấn Độ Dương thổi vào các tỉnh Nam bộ đầu tiên, gây mưa lớn cho khu vực này.
Giữa tháng 7, bão Talim (bão số 1) cũng khiến gió mùa Tây Nam mạnh lên gây giống lốc ở các tỉnh phía Nam. Bà Lê Thị Xuân Lan (nguyên phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ), cho biết thường các cơn bão vào Việt Nam trong tháng 6-10 theo hướng từ Bắc vào Trung. Thời gian này, miền Nam đang mùa mưa, gió Tây Nam hoạt động mạnh nên khi có bão cùng với gió mùa sẽ gây mưa nhiều, dai dẳng kèm theo giông lốc.