Đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ cán bộ, CCVC làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng

Chính sách - Ngày đăng : 15:26, 28/07/2023

Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng.

Đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ cán bộ, CCVC làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng - Ảnh 1.

Đội ngũ chuyên trách về CNTT thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng có vai trò hết sức quan trọng trong việc triển khai các ứng dụng CNTT trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bộ Nội vụ vừa có dự thảo Báo cáo đánh giá thực trạng về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng.

Duy trì, phát triển nguồn lực làm chủ công nghệ số đóng vai trò hết sức quan trọng

Dự thảo Báo cáo nêu rõ, theo Cục chuyển đối số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng là 03 hoạt động độc lập, phù hợp với hiện trạng các cơ quan quản lý nhà nước và các quy định của pháp luật như Luật CNTT năm 2006; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật An ninh mạng năm 2018.

Tuy nhiên, hoạt động của 03 nội dung nêu trên có sự liên kết chặt chẽ với nhau, trong đó, “An toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số và sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số. An toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài nhằm khởi tạo và duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân. Đầu tư cho an toàn, an ninh mạng là đầu tư cho phát triển bền vững và tạo ra giá trị”.

Để đảm bảo thực thi công cuộc chuyển đổi số trong 3 trụ cột (i) Chính phủ số, (ii) Kinh tế số, (iii) Xã hội số, ngoài đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, triển khai các giải pháp kỹ thuật tiên tiến thì việc duy trì, phát triển nguồn lực làm chủ công nghệ số đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực chuyển đổi số có kỹ năng, kiến thức công nghệ số.

Những người làm công tác chuyển đổi số chủ yếu là kiêm nhiệm

 Nguồn nhân lực chuyển đổi số bao gồm từ người lãnh đạo cơ quan tổ chức có vai trò định hướng, dẫn dắt tổ chức chuyển đổi mô hình hoạt động hướng khách hàng, sử dụng nền tảng công nghệ số để điều hành và ra quyết định trên dữ liệu được phân tích từ hệ thống CNTT.

Chuyên gia chuyển đổi số có vai trò giám sát triển khai các giải pháp công nghệ số trong tổ chức từ quá trình lựa chọn tính năng kỹ thuật đến giám sát hoặc triển khai ứng dụng vào thực tiễn, chịu trách nhiệm vận hành và quản trị hệ thống các nền tảng, ứng dụng công nghệ số trong tổ chức,… 

Người sử dụng là đội ngũ nhân lực sử dụng và khai thác tính năng nghiệp vụ của các nền tảng, ứng dụng công nghệ số phục vụ các hoạt động của tổ chức. Công cuộc chuyển đổi số cũng cần rất nhiều nhân lực được đào tạo về các chuyên ngành mới, chuyên sâu về công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing)… 

Đồng thời, “người làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng bao gồm cả người thuộc tổ chức chuyên trách về CNTT, an toàn thông tin và tại các tổ chức, đơn vị có vị trí việc làm về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng”.

Kết quả thống kê báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, chỉ có một số ít người làm công tác an toàn, an ninh mạng chuyên trách được bố trí tại một số đơn vị thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, đa số là những người có trình độ CNTT được bố trí làm nhiệm vụ công tác chuyển đổi số. 

Mặc dù, các bộ, ngành, địa phương đã có sự quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, bố trí người làm công tác CNTT và chuyển đổi số, nhưng do hiện nay chưa có quy định cụ thể về xác định vị trí việc làm công tác chuyển đổi số, biên chế có hạn nên những người làm công tác chuyển đổi số chủ yếu là kiêm nhiệm.

Người làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng chưa có chính sách hỗ trợ riêng

 Dự thảo Báo cáo của Bộ Nội vụ chỉ rõ, đội ngũ chuyên trách về CNTT thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng có vai trò hết sức quan trọng trong việc triển khai các ứng dụng CNTT trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ điện tử. 

Để có thể tận dụng tối đa và phát huy hiệu quả của công nghệ trong quá trình chuyển đổi số, việc tiếp nhận, đào tạo, duy trì và phát triển đội ngũ nguồn nhân lực là hết sức cần thiết. 

Do đó, bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại; môi trường làm việc có chất lượng thì một yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải có chế độ, chính sách hợp lý đối với đội ngũ làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng trong các cơ quan nhà nước để có thể giữ chân và tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài các chế độ, chính sách chung như đối với người làm CNTT, người làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng chưa có chính sách hỗ trợ riêng mặc dù đặc thù công việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng chuyên sâu và kinh nghiệm về CNTT. 

Có rất ít các cơ quan, địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ (chính sách hỗ trợ hằng tháng hoặc thu hút 01 lần, đào tạo) cho đội ngũ làm CNTT như: Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Xây dựng, Đồng Tháp, Phú Yên, Lạng Sơn, Nghệ An… Tuy nhiên, nhìn chung, chế độ chính sách chưa đủ sức thu hút người có trình độ CNTT. 

Qua báo cáo cho thấy, chỉ có tại Nghệ An, việc ban hành chính sách hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức có trình độ CNTT.

Đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ cán bộ, CCVC làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng - Ảnh 2.

Xây dựng chính sách hỗ trợ tại thời điểm hiện nay nhằm thu hút và “giữ chân” cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng là rất cần thiết.

Đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm thu hút và “giữ chân” cán bộ làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng

Theo Bộ Nội vụ, hiện nay, việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số thì yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin cùng với việc nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và tăng cường các nguồn lực tài chính là cấp bách. 

Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin đang diễn ra tình trạng dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư ngày càng tăng mà nguyên nhân chủ yếu là do tiền lương và thu nhập của khu vực công còn thấp so với khu vực tư. 

Trong bối cảnh hiện nay, khi ngân sách nhà nước còn hạn chế; chế độ, chính sách đối với CBCCVC chưa thực sự đáp ứng yêu cầu cuộc sống thì việc xây dựng chế độ riêng cho những người làm công nghệ thông tin (CNTT) cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. 

Ngày 06/9/2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8476/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW, với nội dung: "Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành". 

Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 có quy định "Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội". 

Vì vậy, để kịp thời giải quyết vấn đề cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khuyến khích, động viên đội ngũ người làm chuyên trách công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng trong khu vực công thì việc xây dựng chính sách hỗ trợ tại thời điểm hiện nay nhằm thu hút và “giữ chân” đối với các đối tượng này là rất cần thiết.

Riêng đối với đội ngũ làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng trong ngành Công an, Quốc phòng đề xuất giao Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ.