Kinh tế

Công nghệ - giải pháp để nông nghiệp Đắk Nông thích ứng với biến đổi khí hậu

Lê Dung 28/07/2023 06:27

Để đương đầu với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp Đắk Nông đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các quá trình sản xuất. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đầu tư công nghệ sản xuất bài bản

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha (Đắk Glong) hiện đang tập trung sản xuất rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình canh tác đang được các xã viên tuân thủ một cách chặt chẽ.

img_0721.jpg
Dùng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, cuốc xới cỏ thủ công để chăm sóc vườn rau tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha (Đắk Glong)

Ông Đặng Ngọc Hương, Giám đốc HTX cho biết: “Cây trồng của HTX đều không dùng thuốc bảo vệ thực vật. HTX thực hiện cuốc, xới đất và nhổ cỏ bằng phương pháp thủ công. Đây là một trong những giải pháp giúp không gian sản xuất ổn định lâu dài cho HTX trước những biến đổi cực đoan của thời tiết”.

Toàn bộ diện tích cây trồng của các xã viên HTX chỉ sử dụng phân hữu cơ đã được ủ hoai mục. Tất cả quy trình từ làm đất, chọn giống, chăm sóc đều được bà con tuân thủ nghiêm ngặt. Đối với khâu thu hoạch, bảo quản, HTX đều giám sát cẩn trọng theo một quy trình chặt chẽ.

Đặc biệt, HTX đang sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động cho toàn bộ diện tích cây trồng. Từ đó, vừa giúp cung cấp đều đặn nguồn nước, vừa tiết kiệm nước tưới cho vườn cây…

ho-tuoi(1).jpg
Trang trại Natural pearl avocado hass farm’s, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đầu tư hồ nổi có trữ lượng 3.000 khối nước sạch cung cấp cho vườn cây ăn trái

Tương tự, Trang trại Natural pearl avocado hass farm’s, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) hiện đang trồng 20 ha bơ hass và sầu riêng. Việc ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất được đơn vị đầu tư rất khoa học và bài bản.

Theo đó, nguồn nước cung cấp cho cây trồng được lấy từ tự nhiên, với hồ nổi có trữ lượng 3.000 khối nước sạch qua hệ thống lắng lọc. Toàn bộ hệ thống tưới và châm phân cho cây trồng đang được Trang trại thực hiện tự động theo công nghệ của Israel.

Vườn cây ăn trái được phân bổ khoảng cách đều đặn, phủ bạt quanh gốc để giảm xói mòn và cỏ dại. Trang trại hoàn toàn nói không với các loại thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là sử dụng chế phẩm sinh học.

tuoi-nho-giot(1).jpg
Trang trại Natural pearl avocado hass farm’s, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) nói không với phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là sử dụng chế phẩm sinh học

“Từ năm 2019, Trang trại đã ký hợp đồng với một đơn vị ở Hà Nội để làm chứng nhận GlobalGAP cho vườn cây. Hiện các sản phẩm tại đây được sản xuất theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao”, bà Trần Thị Kim Thinh, chủ Trang rại chia sẻ.

Chú trọng phát triển công nghệ sinh học

Ngành Nông nghiệp của Đắk Nông đã có nhiều thay đổi sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-HĐND về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) và Nghị quyết số 05/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Đắk Nông về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đến nay, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân về lựa chọn cây con giống, ứng dụng các mô hình mới, tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Các nghị quyết đi vào thực tiễn đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường.

img_0626(1).jpg
Sở KH&CN đang triển khai nhiệm vụ khoa học “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong canh tác cây bơ tại tỉnh Đắk Nông”.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu của các nghị quyết đến nay vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Trong đó, mục tiêu của Nghị quyết số 12/NQ-HĐND, ngày 02/8/2018 đến năm 2035 phải hình thành 55 vùng nông nghiệp ƯDCNC. Thế nhưng, việc quy hoạch, tích tụ ruộng đất tại các vùng này hầu như không triển khai được.

Đến năm 2022, toàn tỉnh mới công nhận được 4 vùng nông nghiệp ƯDCNC. Giá trị sản xuất nông nghiệp ƯDCNC đến năm 2020 chỉ đạt 1,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu là 5-7%. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm...

img_0629(1).jpg
Sử dụng công nghệ sinh học giúp cây trồng nâng cao năng suất, chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu

Để ứng phó với những biến đổi của khí hậu, Đắk Nông đang thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, nhất là về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất cho ngành Nông nghiệp.

Trong Chương trình thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã có nhiều nội dung nhấn mạnh tới việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong thời gian tới.

Theo đó, Đắk Nông sẽ tập trung phát triển công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp.

Để làm được điều đó, trước tiên, địa phương sẽ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, sản xuất các giống cây trồng mới, cây trồng chủ lực, tiềm năng, có năng suất, chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh sẽ triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó, việc ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm cải tạo đất, chế phẩm bảo vệ thực vật và chất kích thích sinh trưởng có nguồn gốc hữu cơ được đẩy mạnh. Qua đó giúp bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe con người, môi trường.

Đắk Nông sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng và áp dụng các quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường như: luân canh, xen canh, thâm canh, quảng canh cải tiến, trải bạt, màn phủ...

Đây cũng là giải pháp giúp tạo các sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về chứng nhận chất lượng của các tổ chức trong nước và quốc tế như GlobalGAP, Organic...

Các ngành liên quan sẽ nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng các công nghệ về sinh sản. Từ đó giúp lai tạo ra các giống vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, sức chống chịu và có khả năng kháng bệnh trước các điều kiện bất lợi của môi trường.

Trong đó sẽ sử dụng rộng rãi công nghệ biogas, biomass, công nghệ đệm lót sinh học và các chế phẩm sinh học cho chăn nuôi. Đồng thời, xử lý các phụ phẩm, phế phẩm, chất thải từ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến.

Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản xuất của các ngành sẽ là: nông nghiệp chiếm 97,8%; thủy sản 1,8%; lâm nghiệp 0,3%. Cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp: trồng trọt 69,9%; chăn nuôi 22,9%; dịch vụ 5,2%.

Lê Dung