Kinh tế

Nông dân Đắk Nông cần biết về thị trường châu Âu 

Thanh Nga 28/07/2023 06:19

Các cấp hội nông dân (HND) ở Đắk Nông đang đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền những quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) về cấm nhập khẩu nông sản có xuất xứ từ nguồn gốc phá rừng. Việc tuyên truyền sẽ giúp nông dân nhận biết về thị trường để sản xuất phù hợp.

Liên minh châu Âu đã có quy định những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ, cao su… nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được nhập khẩu vào thị trường này. Dự kiến, bắt đầu từ cuối năm 2024, châu Âu sẽ áp dụng quy định này.

Hiện nay, HND các cấp đang tuyên truyền các văn bản của Trung ương, địa phương hướng dẫn về quy định này để nông dân hiểu, từ đó điều chỉnh sản xuất một cách phù hợp.

Các cấp HND đã lồng ghép việc tuyên truyền trong các cuộc họp của chi hội, tổ hội, hoặc các hoạt động khác. Việc tuyên truyền được triển khai rộng rãi trên tất cả các địa bàn.

Ông Lương Văn Kéo, Chủ tịch HND huyện Krông Nô cho biết, trên địa bàn có nhiều loại cây trồng phục vụ cho xuất khẩu. Trong đó, cà phê là một trong những cây trồng trọng điểm của huyện. Đa số diện tích cà phê của huyện được trồng trên đất đã có sổ và trồng từ 20-30 năm trước.

Diện tích cà phê trồng mới những năm qua không nhiều. Tuy nhiên, việc thông tin, tuyên truyền quy định mới của châu Âu là rất cần thiết để người dân hiểu, nâng cao nhận thức, từ đó góp phần bảo vệ rừng.

"HND huyện Krông Nô có khoảng 11.000 nông dân, trong đó có trên 8.000 hội viên. Chúng tôi đang tập trung tuyên truyền cho tất cả hội viên và nông dân để ai cũng hiểu được quy định mới này”, ông Kéo cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch HND huyện Đắk Song, gần 1 năm nay, bên cạnh thông tin, tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt, đơn vị tận dụng các trang web, facebook, zalo để chia sẻ các bài viết, thông tin về quy định của châu Âu.

Thời gian tới, HND huyện Đắk Song sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo nông dân bằng các hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực. Từ đó, giúp bà con nắm bắt thông tin tốt hơn.

Trước đây, Chính phủ cho phép đất rừng tự nhiên nghèo kiệt của Tây Nguyên chuyển đổi hợp pháp được trồng một số cây công nghiệp, trong đó có cao su, cà phê. Những năm gần đây, pháp luật của Việt Nam đã quy định chặt chẽ và không còn được phép chuyển đổi đất rừng.

img_0591(2).jpg
Ca cao là một trong những sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, quy định của châu Âu ảnh hưởng nhiều đến các nước, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến nông sản Việt Nam. Đối với Việt Nam, quy định mới của châu Âu thậm chí đây là cơ hội.

Nông sản của Việt Nam hầu hết xuất khẩu sang châu Âu đều đáp ứng tiêu chuẩn, không liên quan đến phá rừng. Điển hình như trước đây, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang châu Âu theo cách thông thường. Còn hiện nay cà phê xuất khẩu cần có thêm chứng nhận giảm thải carbon, nhưng sản lượng vẫn tăng lên.

_phat-ngon-an-tuong-ong-gam-viet.png
Đồ họa: SV

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch HND tỉnh cho biết, quy định mới của châu Âu rất tốt, khuyến khích mua bán các nông sản hợp pháp và không phá rừng. Do đó, các cấp HND ủng hộ và đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân biết về thị trường châu Âu.

HND tỉnh tập trung tuyên truyền để người dân sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn châu Âu, vừa góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, vừa bảo vệ rừng tốt hơn..

Thanh Nga