Iran sẵn sàng giải đáp khúc mắc với IAEA về chương trình hạt nhân

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:45, 27/07/2023

Iran cho biết đã gửi phản hồi "toàn diện và bằng văn bản" tới IAEA về 2 "địa điểm chưa được khai báo" còn lại mà IAEA tuyên bố tìm thấy "dấu vết của urani."
Iran san sang giai dap khuc mac voi IAEA ve chuong trinh hat nhan hinh anh 1Chủ tịch Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami ngày 26/7 cho biết Iran quyết tâm giải quyết tranh cãi còn lại về những khác biệt nổi cộm với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Phát biểu với các phóng viên bên lề cuộc họp nội các tại thủ đô Tehran hôm 26/7, ông Eslami khẳng định Tehran đã gửi phản hồi "toàn diện và bằng văn bản" tới IAEA về 2 "địa điểm chưa được khai báo" còn lại mà IAEA tuyên bố đã tìm thấy "dấu vết của urani."

Ông Eslami nói thêm rằng - nếu IAEA không chấp nhận phản hồi và có bất kỳ sự không chắc chắn hoặc nghi ngờ nào liên quan đến vấn đề này, Iran sẽ cung cấp thêm lời giải thích và xem xét các tài liệu.

Người đứng đầu AEOI cho biết cơ quan của ông đang làm giàu urani theo mức quy định trong luật năm 2020, được quốc hội Iran thông qua để đối phó các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ông Eslami nói thêm "mối quan hệ của Iran với IAEA dựa trên thỏa thuận đạt được với Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi trong chuyến thăm của ông tới Tehran vào tháng Ba cũng như các thỏa thuận bảo vệ và Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân và chúng tôi đang thực hiện những gì chúng tôi đã đồng ý thực hiện."

Ông lưu ý rằng Iran và IAEA đang tương tác "liên tục và bền vững" với nhau.

Trước đó, ngày 25/7, người đứng đầu AEOI tuyên bố Tehran có thể làm chậm chương trình làm giàu urani.  Tuy nhiên, theo ông Mohammad Eslami, điều này phụ thuộc vào các đề xuất từ phía Mỹ nhằm khôi phục Thỏa thuận hạt nhân đang bị đình trệ, và Iran cũng muốn tái khởi động hợp tác an toàn hạt nhân với Nhật Bản.

Thỏa thuận hạt nhân, tên chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký hồi tháng 7/2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc- Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga - cùng với Đức), theo đó Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận.

Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA đã bắt đầu vào tháng 4/2021 tại Vienna (Áo), song chưa đạt được đột phá nào sau vòng đàm phán gần đây nhất vào đầu tháng 8/2022./.

(Vietnam+)