Đời sống

Gia đình có 2 thế hệ thương binh

Thanh Hằng 27/07/2023 06:54

Bố là thương binh, 2 chú là liệt sĩ, tiếp nối truyền thống của gia đình, năm 2004 chị Lưu Thị Duyến, thôn Bằng Sơn, xã Ea Pô (Cư Jút) tình nguyện tham gia truy quét các đối tượng phản động không may bị thương, dẫn tới thương tật 91%.

cover-2(1).png

Bố là thương binh, 2 chú là liệt sĩ, tiếp nối truyền thống của gia đình, năm 2004 chị Lưu Thị Duyến, thôn Bằng Sơn, xã Ea Pô (Cư Jút) tình nguyện tham gia truy quét các đối tượng phản động không may bị thương, dẫn tới thương tật 91%.

tit-1.png

Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng dấu vết của cuộc chiến khốc liệt và kiên cường vẫn còn hằn in trên cơ thể cựu chiến binh Lưu Đức Hùng (SN 1939).

Từng vào sinh ra tử, tham gia trực tiếp trong Cuộc tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và bị hỏng một bên mắt nhưng ông Hùng nói rằng, mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác khi họ mãi mãi nằm xuống, khi tuổi còn xanh.

thuong-binh-luu-duc-hung-3(1).jpg
Gia đình 2 thế hệ thương binh là ông Lưu Đức Hùng và chị Lưu Thị Duyên.

Ông Hùng quê gốc ở tỉnh Cao Bằng. Năm 1966, nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường miền Nam, ông Hùng đã nhập ngũ, đóng góp sức mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.  

 “Thời điểm đó chúng ta đang tập trung xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà. Dù nhà nghèo, tôi lại là trụ cột để nuôi 3 em nhưng nghe lời kêu gọi của Bác Hồ, tôi xung phong nhập ngũ luôn. Sau đó tôi tham gia Sư đoàn 9 miền Đông Nam bộ, thực hiện nhiệm vụ ở chiến trường miền Nam”, ông Hùng kể.

thuong-binh-luu-duc-hung(1).jpg
Mỗi lần nhắc về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Hùng lại dâng trào cảm xúc.

Trong ký ức của người cựu chiến binh, cuộc kháng chiến ấy có mục tiêu duy nhất là thống nhất đất nước. Chính vì thế, dù biết trước sẽ rất nguy hiểm, thậm chí là phải hi sinh, ông vẫn quyết tâm tham gia.

“Tôi lên đường nhập ngũ với suy nghĩ mình có thể sẽ không được trở về. Sau một thời gian huấn luyện, tôi đã cùng đồng đội tham gia nhiều cuộc tấn công vào đồn bốt của địch. Tết Mậu Thân năm 1968, trong lần tấn công vào Trung tâm huấn luyện Quang Trung (một trong những nơi đào tạo tân binh đa binh chủng quy mô nhất của quân đội Sài Gòn), tôi bị trúng mảnh bom, dẫn đến thương tật ngày nay”, ông Hùng nhớ lại.

img_0482.jpg

Tết Mậu Thân năm 1968, trong lần tấn công vào Trung tâm huấn luyện Quang Trung, tôi bị trúng mảnh bom, dẫn đến thương tật ngày nay

Thương binh Lưu Đức Hùng chia sẻ

Sau lần tấn công ấy, ông Hùng hỏng một bên mắt. Dù nỗi đau hằn trên cơ thể song chính sự đùm bọc, hỗ trợ của đồng bào miền Nam dành cho bộ đội miền Bắc, đặc biệt là những người lính bị thương đã giúp ông cầm súng tiếp tục chiến đấu.

“Ngày đó tôi bị thương nhưng vẫn cùng đơn vị hành quân. Trên đường đi, mỗi khi phát hiện có người, chúng tôi lại tìm một lùm cỏ rồi trốn vào trong. Một hôm người dân địa phương nhận ra chúng tôi là bộ đội, họ liền đưa về nhà nuôi giấu. Sau này khi vào Sài Gòn, do đường phố đông đúc, nhiều lối đi lại, bộ đội chúng tôi chia thành từng tốp nhỏ khoảng 3-4 người để thực hiện nhiệm vụ, trẻ em trong vùng tham gia dẫn đường, giúp chúng tôi rất nhiều”, ông Hùng bồi hồi nhớ lại và nói rằng, đó chính là minh chứng rõ ràng nhất của “chiến tranh Nhân dân”.

tb-hung.jpg
tit-2.png

Sau Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông Hùng tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu ở chiến trường miền Nam cho tới năm 1972.

Trong suốt thời gian này, ông Hùng không hề hay biết 3 người em của mình tại quê nhà Cao Bằng cũng xung phong lên đường nhập ngũ, với quyết tâm lớn nhất là Nam- Bắc nối liền một dải.

img_0743(1).jpg
Với 2 liệt sĩ, 2 thương  binh, gia đình ông Lưu Đức Hùng vinh dự đón nhận "Bảng vàng danh dự" của Chính phủ.

 Ông Hùng kể: “Tôi đi được một năm thì các em tôi lần lượt nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Trong cuộc chiến ấy, tôi có 2 người em hy sinh. Trong đó chú Khế (Liệt sĩ Lưu Văn Khế) hy sinh tại Campuchia, còn chú Hoa (Liệt sĩ Lưu Đức Hoa) hy sinh ở huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum)”.

2 em trai hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thế nhưng mãi đến khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, ông Hùng mới được biết tin. Nỗi đau không thể nói thành lời, tâm nguyện duy nhất của người lính năm xưa là tìm được hài cốt các em, đưa các em về với gia đình.

thuong-binh-luu-duc-hung-4(1).jpg
Tâm nguyện duy nhất của người lính năm xưa là tìm được hài cốt các em, đưa các em về với gia đình.

“Năm 1980, tôi đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng để tìm thông tin về em trai tôi. Ngày ấy tôi mới nhận được giấy báo tử của chú Khế. Cách đây mấy năm, tôi tiếp tục đi tìm chú Hoa thì được thông tin chú ấy hy sinh do trúng bom của địch, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt”, ông Lưu Đức Hùng cho hay.

tit-3.png

Nỗi đau mất người thân và cả nỗi đau hằn trên thể xác, ông Hùng may mắn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của bà Vị Thị Thoa (người cùng quê). Hai ông bà nên duyên vợ chồng và sinh được ba người con. Đến năm 1990, gia đình ông Hùng từ Cao Bằng đến xã Ea Pô (Cư Jút) khai hoang, làm kinh tế.

hinh-thuong-binh-1(1).jpg
Ông Hùng may mắn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của bà Vị Thị Thoa (người cùng quê).

Từ năm 2001 đến 2004, nhiều đối tượng Fulro đã tuyên truyền lôi kéo một số người dân gây rối, bạo loạn chính trị. Thời điểm này, các địa phương của tỉnh Đắk Nông (nằm gần tỉnh Đắk Lắk) cũng tiến hành nhiều đợt xử lý những đối tượng cộm cán.

Được sự động viên của gia đình, chị Lưu Thị Duyến (SN 1981, con gái út của ông Hùng) tham gia vào lực lượng dân quân địa phương, tiến hành truy quét các thế lực phản động, thù địch.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị Duyến không may bị thương dẫn đến liệt toàn bộ phần thân dưới, tỷ lệ thương tật 91%.

thuong-binh-luu-duc-hung-2(1).jpg
Được sự động viên của gia đình, chị Lưu Thị Duyến tham gia vào lực lượng dân quân địa phương.

Nhắc đến nỗi đau này, bà Vi Thị Thoa nhớ lại: “Năm ấy Duyến mới 23 tuổi, vợ chồng tôi động viên con hỗ trợ chính quyền địa phương để sớm ổn định tình hình. Con bị thương là điều không ai mong muốn nhưng tôi cũng rất vui vì con đã đóng góp một phần vào sự nghiệp chung của cả nước”.

Về phần mình, trở thành thương binh khi mới ngoài 20 tuổi, cùng với sự động viên của gia đình, sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp, chị Duyến luôn lạc quan và tự hào về những gì mình đã đóng góp.

“So với cha và chú đi trước, nỗi đau của tôi có lẽ không đáng kể, nhưng tôi rất hãnh diện vì đã tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình. Tôi tự hào vì đã đóng góp một phần sức trẻ của mình cho sự bình yên của Ea Pô ngày nay”, chị Duyến xúc động nói.

tb-duyen.jpg

“Sức trẻ !”- đôi mắt của nữ thương binh 42 tuổi bỗng nhòa đi khi nhắc đến cụm từ này. Chị Duyến nói rằng, chị hy sinh tuổi trẻ của mình cho sự bình yên của đất nước, và trong sự hy sinh ấy, chị đánh đổi cả niềm hạnh phúc cá nhân.

“Cũng giống như những cô gái khác, tôi đã từng ước ao về một hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng mình khổ là được rồi, tôi không muốn người khác phải khổ vì mình”, chị Duyến quay mặt đi, khẽ lau dòng nước mắt.

Đắk Nông, ngày 27/7/2023
Nội dung: Thanh Hằng- Hương Ly
Thiết kế: Thanh Hằng

Thanh Hằng