Đắk Nông nâng cao chất lượng đời sống của người có công
Trong những năm qua, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của tỉnh Đắk Nông.
Ngoài các chế độ được Trung ương quy định, tỉnh Đắk Nông đã ban hành một số chính sách riêng hỗ trợ, động viên, chăm sóc người có công, nhờ đó đời sống của người có công ngày càng cải thiện.
Phóng viên Báo Đắk Nông đã có buổi trao đổi với ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) tỉnh về công tác chăm lo đời sống người có công trên địa bàn tỉnh.
PV: Ông có thể khái quát về đời sống của người có công tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua ?
Ông Hoàng Viết Nam: Được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng của tỉnh đã được triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời và đầy đủ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 7.025 người có công đã được xác nhận; trong đó có 2.890 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng, 875 thân nhân liệt sĩ hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ, 100% người có công với cách mạng và thân nhân được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định.
Hàng năm Sở LĐTB-XH tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn đi thăm, tặng quà Tết cho các đơn vị và gia đình chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sĩ kịp thời. Qua đó, địa phương kiểm tra, rà soát không để sót đối tượng nhận quà trong các dịp lễ, tết.
Để cải thiện sức khỏe, thể chất, tinh thần cho đối tượng người có công, Sở LĐTB-XH Đắk Nông tham mưu tổ chức Đoàn người có công đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm điều dưỡng người có công miền Trung (TP. Đà Nẵng); Trung Tâm điều dưỡng và chăm sóc người có công tỉnh Khánh Hòa; Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm điều dưỡng và chăm sóc người có công tỉnh Bình Định. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí của địa phương, mỗi năm một lần tổ Đoàn người có công với cách mạng đi tham quan Hà Nội và một số tỉnh có các di tích lịch sử.
PV: Hiện nay việc triển khai các chính sách ưu đãi và chế độ đối với người có công gặp những khó khăn gì. Ngành LĐTB-XH đã chủ động đề xuất, tham mưu để tỉnh Đắk Nông giải quyết ra sao ?
Ông Hoàng Viết Nam: Trong quá trình triển khai chính sách, chế độ, tỉnh Đắk Nông còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, người có công tuổi cao, sức khỏe kém, mức trợ cấp ưu đãi còn thấp. Việc bố trí ngân sách địa phương đối ứng để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ còn hạn chế. Ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ giữa các địa phương, chưa đáp ứng được yêu cầu…
Từ những khó khăn trên, Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông đã chủ động kiến nghị Bộ LĐTB-XH tiếp tục đề xuất Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nâng mức trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo đúng lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, mức trợ cấp xã hội.
Bên cạnh đó, Sở LĐTB-XH cũng góp ý vào việc xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng đồng bộ giữa các địa phương trên toàn quốc. Hướng dẫn quản lý các công trình ghi công liệt sĩ và sử dụng kinh phí hỗ trợ thực hiện xây mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; hướng dẫn công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
PV: Phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa. Tỉnh Đắk Nông đã huy động và sử dụng nguồn lực này như thế nào và ý nghĩa mang lại từ phong trào?
Ông Hoàng Hữu Nam: Ban quản lý Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” tỉnh Đắk Nông đã xây dựng Kế hoạch vận động, xây dựng Quỹ đạt được những kết quả đáng kể, phát huy được sức mạnh của toàn dân tham gia.
Hàng năm, tỉnh đều xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động, kêu gọi nguồn lực từ các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa đối với người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở từ nguồn quỹ.
100% mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời, với mức hỗ trợ hàng tháng từ 1.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Có thể thấy, phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa”, "Uống nước nhớ nguồn” đã được phát động và nhận được sự hưởng ứng, tham gia sôi nổi ở khắp các địa phương trong tỉnh.
Với sự chung tay của cộng đồng, phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa” đã phát huy sức mạnh tổng hợp, không ngừng phát triển cả bề rộng, lẫn chiều sâu, trở thành công tác xã hội hóa, được đông đảo Nhân dân hưởng ứng, gắn với tình cảm tri ân và trách nhiệm đối với người có công.
Xin cảm ơn ông!