Kịch bản về một cuộc chiến ‘đối đầu Nga đến người Ukraine cuối cùng’

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:19, 25/07/2023

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát đã có những chia sẻ với Báo điện tử VietnamPlus về vấn đề xoay quanh những diễn biến mới trong cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine.
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Vilnius (Litva) từ ngày 11-12/7 với sự tham gia của 40 nguyên thủ quốc gia và chính phủ. Ngoài các vấn đề liên quan đến tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP của các nước thành viên, các kế hoạch phòng thủ khu vực mới, cụ thể ở các sườn phía Bắc, phía Nam và đặc biệt là phía Đông của khối này, thì vấn đề khả năng Ukraine gia nhập NATO, kịch bản tiếp theo nào cho cuộc xung đột Nga-Ukraine là những nội dung đáng chú ý tại Hội nghị thượng đỉnh lần này.

Xung quanh những diễn biến mới trong cuộc chiến Nga-Ukraine, phóng viên VietnamPlus có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, để có những góc nhìn riêng về các sự kiện này.

- Tháng 3/2023, Ukraine nhận được những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên của Phương Tây; tháng 5/2023, Mỹ “bật đèn xanh” cho các nước đồng minh viện trợ máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Đến tháng Bảy, Mỹ quyết định viện trợ bom chùm cho Kiev. Những động thái đáng liên tiếp  trong vòng 5 tháng qua nói lên điều gì về cuộc chiến hiện nay?

* Hơn 500 ngày chiến sự

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát: Ngoài thông tin trên, tôi bổ sung thông tin mới là Pháp cũng đã quyết định là cung cấp tên lửa tầm xa, mà trên thực tế đã chuyển giao một loạt rồi. Đồng thời, Mỹ vừa tuyên bố là sẽ chuyển giao cho Ukraine tên lửa đạn đạo tác chiến chiến thuật, cũng có tầm bắn cũng như của Pháp, là trên 250km và đây là một bước tiếp theo trong những diễn biến của cuộc xung đột đã bước sang ngày thứ 505 rồi. Tôi nghĩ là với những diễn biến này thì cuộc chiến sẽ khốc liệt hơn và chúng ta cũng cần xem xét những phát biểu lập trường của hai bên xung đột.

Khi mà tuyên bố cung cấp các vũ khí nâng cấp, tầm xa hơn, sự hủy diệt lớn hơn, chẳng hạn như bom chùm rất nguy hiểm, thì phía NATO, phía Mỹ, các nước Phương Tây và cả Ukraine tuyên bố rằng họ phải hành động để không cho Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột này.

Còn về phía Nga, họ cáo buộc các nước Phương Tây viện trợ rót vũ khí cho Ukraine để kéo dài cuộc chiến mà không đếm xỉa gì đến tính mạng của người dân Ukraine. Nga nói rằng Phương Tây tìm cách đối đầu với Nga, đưa cuộc chiến này đến chỗ rất khốc liệt và có thể nói là đối đầu Nga đến người Ukraine cuối cùng.

Kich ban ve mot cuoc chien ‘doi dau Nga den nguoi Ukraine cuoi cung’ hinh anh 1Phương Tây cung cấp máy bay f16 cho quân đội Ukraine. (Ảnh nguồn: USAF)

Câu chuyện này cũng đặt ra một vấn đề mà các nhà quan sát cũng phân tích đó là việc phương Tây rót thêm vũ khí ngày càng hiện đại, tầm xa hơn, sức hủy diệt mạnh hơn cho Ukraine thì có thay đổi cục diện chiến trường hay không thì hầu hết các phân tích đều cho rằng kể cả phía Nga cũng như phía Phương Tây thực ra không thay đổi cục diện cuộc chiến vì thế trận hiện nay đang diễn biến giằng co khốc liệt.

* Bom chùm của Nga còn hiện đại hơn?

Nhưng một điều chắc chắn là tính chất khốc liệt của cuộc chiến và tính chất kéo dài sẽ gia tăng. Có thể nói, độ nóng của cuộc xung đột này là một cuộc chiến trực tiếp giữa Nga và Ukraine nhưng đằng sau Ukraine lại có sự ủng hộ của các nước NATO, các nước Phương Tây thì cuộc chiến này có thể khốc liệt thêm với việc mà trang bị thêm vũ khí, tăng cường thêm vũ khí hiện đại thực ra là cho cả hai phía.

Bên phía Nga cũng tuyên bố Nga sẽ có những biện pháp tương ứng, chẳng hạn như về bom chùm, Đại tướng Shogu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga vừa tuyên bố là nếu Mỹ viện trợ bom chùm cho Ukraine thì Nga cũng có biện pháp và bom chùm của Nga còn hiện đại, còn nhiều chủng loại hơn so với của Mỹ và các nước phương Tây. Và mỗi lần các nước phương Tây tăng cường vũ khí cho Ukraine thì phía Nga cũng cảnh báo là họ sẽ đáp lại bằng những biện pháp tương ứng, và kiên quyết đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt của mình ở Ukraine.

Kich ban ve mot cuoc chien ‘doi dau Nga den nguoi Ukraine cuoi cung’ hinh anh 2Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga tại lễ diễu binh nhân kỉ niệm Ngày Chiến thắng ở Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc phản công của Ukraine từ vài tuần qua vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ của quân đội Nga. Khi ưu thế không nghiêng hẳn về bên nào, ông dự đoán gì về cục diện chiến trường thời gian tới?

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát: Chúng ta có thể thấy là những thông tin mà các bên đưa ra về thiệt hại của đối phương, về thắng lợi của phía mình là thứ rất khó kiểm định, vì thường thì mỗi bên cũng đều thông tin phía đối phương thiệt hại rất lớn và những cái khả năng của phía mình thì vẫn là dồi dào và có thể kéo dài, có thể đương đầu với đối phương trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Như chúng ta đã đề cập rằng vũ khí của cả hai bên đã được nâng cấp, được tăng cường như thế thì cục diện cuộc chiến có thay đổi không thì tôi cũng phân tích chung rằng cục diện cuộc chiến sẽ không thay đổi và cái  tính chất kéo dài, tính chất khốc liệt, gia tăng tiêu hao.

Có một thực tế là hiện nay thì cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn và phía NATO, phía Phương Tây ủng hộ Ukraine thì khẳng định quyết tâm đi tới mục tiêu giành lại vùng lãnh thổ mà họ gọi là hiện nay đang tạm bị chiếm đóng.

Về phía Nga, họ tuyên bố rằng kết quả cuộc trưng cầu ý dân trước đây ở Crimea rồi vừa qua ở 4 vùng lãnh thổ thì do đó họ đã muốn sáp nhập vào Nga và Nga cũng đã có những hiệp định, hiệp ước ký với các đơn vị này, các lãnh thổ này. Do vậy Nga tuyên bố không bàn đến các lãnh thổ này và đây là cuộc chiến để bảo vệ những vùng lãnh thổ, vùng dân cư này trước những khả năng xấu, khả năng tấn công của Ukraine.

Như chúng ta vừa đề cập thì cuộc chiến, cuộc xung đột có thể đang kéo dài. Gần đây, cũng như cách đây vài tháng thì có những thông tin về khả năng tìm kiếm những giải pháp thương lượng. Chẳng hạn như các nước châu Phi cũng tham gia vào trung gian hòa giải, rồi Thổ Nhĩ Kỳ và một số đối tác khác. Tuy nhiên, lập trường của hai bên xung đột đang cách xa nhau, hết sức trái ngược nhau, do đó mà chưa có giải pháp nào cả.

Gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng tuyên bố, cho đến nay với việc Phương Tây vẫn tuồn vũ khí cho Ukraine và vẫn quyết tâm gây cho Nga thất bại về chiến lược thì rõ ràng cuộc chiến còn khả năng kéo dài và chưa có tín hiệu khả thi của sự hòa giải. Do  vậy, cuộc chiến vẫn rất căng thẳng, mang tính chất đối đầu rõ nét.

* Phương Tây ‘né’ đối đầu trực diện Nga

- Nhiều nhà phân tích cho rằng NATO cũng không còn giống như trước. Họ đã có những bước đi mở rộng hơn và thậm chí còn cồng kềnh hơn về mặt chính trị. Vậy Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Litva, sự kiện được coi là quan trọng nhất của NATO kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sẽ có tác động như thế nào đến tình hình địa chính trị châu Âu và thế giới, và triển vọng nào cho việc NATO kết nạp Ukraine?

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát: Đây là một câu chuyện rất có tính thời sự, bởi vì tại Hội nghị thượng đỉnh của khối NATO họ mời thêm một số khách mời không phải là thành viên NATO đến tham dự nữa, vì họ có ý tưởng là muốn mở rộng gây ảnh hưởng của mình, đồng thời muốn có vai trò mở rộng ra toàn cầu chứ không phải gọi là an ninh chính trị ở châu Âu nữa.

Ta nhìn lại một chút, khối NATO được thành lập 1949 để đối trọng với Hiệp ước Vacsava lúc đấy do Liên Xô dẫn đầu. Tuy nhiên khối Vacsava đó đã giải thể rồi nhưng NATO vẫn tồn tại và qua mấy đợt mở rộng thì bây giờ họ đã có hơn 30 quốc gia tham gia bao gồm Đông Âu, Trung Âu… đã tham gia NATO tiến sát tới biên giới Nga và Nga thường xuyên phản đối.

Đây là một câu chuyện rất lớn và tạo nên một sự đối đầu nóng bỏng giữa Nga và khối này vì Nga cũng ở giữa châu Âu và châu Á. Tại Hội nghị thượng đỉnh vừa rồi thì họ thể hiện một lập trường rất cứng rắn với Nga và trong câu chuyện giữa Ukraine cũng khá là rõ ràng.

Qua tuyên bố cuối cùng về kết quả của Hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius (Litva), có một số điểm đáng chú ý đó là với NATO thì Nga vẫn được nhận định là một nguy cơ hiện hữu và lớn nhất đối với an ninh của khối này. Còn với Ukraine thì họ đã có những bước tiến, tuy chưa định hình về ngày, giờ, thời gian kết nạp nhưng có những bước hướng Ukraine đến với NATO, cụ thể là giảm nhẹ những thủ tục để có thể gia nhập NATO; mà lẽ ra phải 2 bước thực hiện kế hoạch tiến tới thành viên giành cho Ukaine thì giờ còn một bước nữa thôi, giảm bớt rất nhiều điều kiện. Những kết quả của hội nghị này của NATO như thể là sự động viên, khích lệ Ukraine và cũng để thể hiện sự cảnh báo đối với Nga.

Kich ban ve mot cuoc chien ‘doi dau Nga den nguoi Ukraine cuoi cung’ hinh anh 3Tổng thống Ukraine Zelensky và người đồng cấp Litva khi đến Vilnius (Nguồn: Skynews)

Tuy nhiên, trong những các nước NATO đang có bất đồng với nhau về khả năng kết nạp Ukraine, nhất là thời điểm này. Ngay cả các quan chức Mỹ thì tôi có đọc một thông tin đó là một quan chức Hội đồng An ninh Mỹ cho rằng nếu như mời Ukraine gia nhập NATO hiện nay thì chẳng khác gì mời các nước NATO tham chiến Nga và điều đó rất nguy hiểm mà hiện nay các nước Phương Tây trong đó có Mỹ và NATO đang cố gắng tìm cách tránh, đối đầu trực diện một quy mô lớn với Nga.

* NATO muốn ảnh hưởng toàn cầu

Tôi nghĩ rằng hiện nay khả năng NATO kết nạp Ukraine trước mắt là chưa rõ ràng. Họ mới nới lỏng các điều kiện và tạo ra một sự khích lệ đối với Ukraine và khẳng định cho Nga biết rằng họ không thể phủ quyết việc Ukraine hay các nước khác gia nhập NATO.

Có một vấn đề đang tương đối phức tạp cho việc kết nạp Ukraine đó là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine và một số vùng lãnh thổ của Ukraine thì sau khi trưng cầu ý dân thì Nga đã sáp nhập thành những đơn vị hành chính, gọi là chủ thể của mình, cụ thể là đảo Crimea năm 2014 và 4 vùng lãnh thổ năm 2022. Trong khi đó, NATO và Ukraine khẳng định rằng những vùng đó là của Ukraine tạm bị chiếm và không phải là lãnh thổ của Nga.

Câu chuyện này dẫn đến sự phức tạp và đương nhiên NATO không thể kết nạp một nước làm thành viên của NATO mà nước ấy đang có những vùng lãnh thổ đang bị tranh chấp, đang bị nước ngoài chiếm giữ hay có một cuộc chiến đang xảy ra. Tuy nhiên, NATO vẫn theo đuổi cái mục tiêu ấy và tuyên bố rất rõ ràng việc đó.

Một điều tôi muốn nói thêm là NATO không chỉ là một cấu trúc chính trị, an ninh ở châu Âu mà bây giờ họ vươn rộng ra có tính chất toàn cầu. Họ đã tham gia nhiều sự kiện trên thế giới như Afghanistan và một số nơi khác.

Những tuyên bố gần đây của họ cũng như trong bản tuyên bố cuối cùng với kết quả hội nghị ở Vilnius khi họ đề cập đến Trung Quốc, Iran, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên… và họ cũng khẳng định những quan hệ đối tác với các nước châu Á-Thái Bình Dương; một số nơi khác… Chẳng hạn, họ đã quyết định thành lập văn phòng đại diện của NATO ở Geneve để mở rộng mối quan hệ với Liên hợp Quốc; dự định thành lập văn phòng đại diện nữa ở Nhật Bản, Hàn Quốc… thì vai trò của họ mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.

Tóm lại, Mỹ và các nước Phương Tây muốn duy trì thiết lập trật tự thế giới mà họ nói là dựa trên quy tắc và luật lệ của họ, cái đó thì Nga, Trung Quốc và một số nước hoàn toàn phản đối; như Nga tuyên bố rằng trật tự thế giới đa trung tâm, đa cực, trong đó Nga và Trung Quốc cũng là một trong những trung tâm, cực của trật tự thế giới. Cho nên tôi nghĩ bản chất của vấn đề là một sự đụng độ, mâu thuẫn lớn sâu sắc, do đó mối quan hệ rất căng thẳng cái sự căng thẳng ấy nó thể hiện ở một số điểm nóng trong đó và Ukraine là một điểm nóng của sự căng thẳng giữa NATO, Mỹ, Phương Tây với Nga và một số quốc gia khác. Do vậy, nhìn về triển vọng để nhận định thì trước mắt chưa thể kết nạp Ukraine vào NATO, còn mối quan hệ giữa NATO với Nga, Phương Tây thì vẫn tiếp tục xấu đi và căng thẳng.

Tôi muốn nhắc lại rằng gần đây hồi tháng Ba thì Nga cũng đang thông qua định hướng chính sách đối ngoại mới, trong đó khẳng định gần như quan hệ với Mỹ, Phương Tây là đã cắt đứt, mà đó không phải là lỗi của phía Nga; và Nga sẽ hướng quan hệ vào khu vực khác như  Trung Đông, Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương, những nước hữu nghị. Do đó, tôi nghĩ rằng sự căng thẳng này vẫn sẽ tiếp tục và ảnh hưởng đến không chỉ tình hình an ninh chính trị ở châu Âu mà nó cũng ảnh hưởng đến tình hình thế giới nói chung, trong đó có chính trị-an ninh  và kể cả kinh tế bởi vì khi mâu thuẫn giữa những nước lớn sâu sắc, căng thẳng thì nó ảnh hưởng đến nhiều vấn đề ở nhiều khu vực chứ không phải chỉ ở châu Âu và cũng không chỉ bó hẹp trong chính trị, ngoại giao hay quân sự.

- Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.

PV (Vietnam+)