Người dân Krông Nô thích thú tham gia lớp đào tạo nghề nấu ăn
An sinh - Cuộc sống - Ngày đăng : 14:17, 25/07/2023
Theo UBND huyện Krông Nô, từ năm 2012 đến nay, số nghề, nhóm nghề được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động đào tạo nghề nông thôn ở địa phương là 12 nghề. Trong đó, có 6 nghề nông nghiệp và 6 nghề phi nông nghiệp.
Cụ thể, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Krông Nô đã mở 38 lớp nghề phi nông nghiệp có 1.116 lao động là nữ chiếm 52%. Trong đó, có rất nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương tham dự.
Để có được kết quả trên đơn vị đã chủ động xây dựng, ban hành chương trình, giáo trình nghề đào tạo cho lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Krông Nô còn phối hợp với chính quyền địa phương chủ động rà soá, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân mong muốn tham gia học nghề theo sở trường, sở thích.
Từ đó, đơn vị sẽ nắm bắt được nhu cầu thực tế cần đào tạo cho lao động nông thôn, để có kế hoạch mở lớp phù hợp. Qua khảo sát, nghề phi nông nghiệp được người dân chú ý, đăng ký tham gia học nhiều là Kỹ thuật chế biến món ăn.
Thực tế tham gia học nghề kỹ thuật nấu ăn đã đem lại công ăn việc làm ổn định và thường xuyên cho nhiều chi em phụ nữ vùng nông thôn.
Chị Nguyễn Thị Minh Dung, ở xã Nam Đà, kinh tế gia đình đông con kinh tế gia đình khó khăn. Ban đầu chị tham gia học nghề kỹ thuật nấu ăn với mong muốn có bữa cơm tươm tất cho gia đình và tìm kiếm cơ hội việc làm tai các cơ sở kinh doanh ăn uống.
Sau 3 tháng học và thực hành tại chỗ, chị Dung đã thành thạo nghề, có kỹ năng cơ bản trong chế biến, trình bày món ăn.
Đúng thời điểm các trường Mầm Non trên địa bàn huyện triển khai cho học sinh ăn bán trú tại trường nên chị đã mạnh dạn xin vào làm cấp dưỡng tại trường Mầm Non Hoa Mai xã Đắk Sôr.
Chị Nguyễn Thị Minh Dung ở thôn Nam Trung, cho biết: Qua lớp đào tạo dạy nấu ăn do huyện tổ chức, tôi không chỉ biết nấu ăn ngon cho gia đình mà còn kiếm được việc làm ổn định với mức thu nhập đều đặn hàng tháng.
Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện được gắn kết chặt chẽ với sản xuất và tạo việc làm, gắn với công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện.
Theo ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, so với các năm trước, nghề nấu ăn hiện nay đang thu hút người học vì nhu cầu thực tế của xã hội.
Bên cạnh những học viên đến đây học để có tay nghề về mở nhà hàng, quán ăn, phục vụ cho công ty thì cũng có nhiều người dân đến đây với lý do đơn giản là phục vụ công việc nội trợ gia đình. Ăn ngon mặc đẹp là nhu cầu của cuộc sống cả ở thành phố lẫn nông thôn khi thu nhập của người dân tăng lên, điều kiện kinh tế dôi dư.