Kinh tế

Làm gì để tăng "sức mạnh mềm" cho sản phẩm OCOP?

Hồng Thoan 25/07/2023 06:35

Theo đánh giá của ngành chức năng, sản phẩm OCOP còn thiếu sức mạnh cộng đồng. Điều này khiến cho nhiều sản phẩm có sức tiêu thụ yếu, chưa có sức bật trên thị trường.

Đến tháng 7/2023, Việt Nam đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 42 sản phẩm cấp quốc gia (hạng 5 sao). Cả nước có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là HTX; 24,4% là doanh nghiệp; 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh; còn lại là tổ hợp tác.

Theo đánh giá của Bộ NN- PTNT, sản phẩm OCOP được công nhận khá nhiều, nhưng sức tiêu thụ còn yếu. Một trong những nguyên nhân chính là do sức mạnh cộng đồng của sản phẩm OCOP chưa nhiều.

Sức mạnh cộng đồng của sản phẩm OCOP được đánh giá dựa trên các tiêu chí như: sử dụng nguyên liệu; lao động địa phương; liên kết sản xuất; bản sắc văn hóa; sức mạnh tinh thần địa phương trong sản phẩm…

Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, không ít chủ thể OCOP vẫn chưa thật sự chăm chút cho sản phẩm OCOP, nhất là khâu sức mạnh cộng đồng. Từ chất lượng bên trong đến mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu bên ngoài của sản phẩm chưa được chú trọng nhiều.

Do đó, nhiều sản phẩm OCOP chưa thể hiện được bản sắc, đặc trưng, sức mạnh chung của cộng đồng, nên chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường.

img_0239(1).jpg
Các điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP ở Đắk Nông vẫn còn ít

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các cấp, ngành vẫn chưa nhận thức đầy đủ vai trò của OCOP đối với kinh tế nông thôn. “Khi chúng ta vẫn còn xem nhẹ "đứa con OCOP" của mình thì đừng mong thị trường chấp nhận, đặt niềm tin”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Để tăng sức mạnh cộng đồng cho OCOP, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trước hết cần tri thức hóa, tăng cường năng lực cho các chủ thể OCOP. 

Trước hết, mỗi tỉnh nên có trung tâm xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Trung tâm này sẽ giữ vai trò, chức năng huấn luyện người dân khởi nghiệp, làm ra sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao.

Từ đó, tạo sân chơi cho những chủ thể OCOP, giúp họ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Cách làm này sẽ tạo ra áp lực đổi mới, giúp người dân phát triển sản phẩm OCOP tốt hơn. Người dân cũng từ đó nhận thức được những mặt hạn chế làm ảnh hưởng đến sức mạnh cộng đồng của sản phẩm OCOP.

Cũng theo Bộ NN-PTNT, việc đánh giá sản phẩm OCOP thời gian tới cơ bản vẫn giữ nguyên cấu trúc của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã áp dụng thời gian qua. Bộ tiêu chí này gồm 3 phần: sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, việc đánh giá sẽ được điều chỉnh lại cơ cấu điểm giữa 3 thành phần là 40-25-35. Theo đó, sản phẩm và sức mạnh cộng đồng chiếm 40 điểm; khả năng tiếp thị 25 điểm và chất lượng sản phẩm 35 điểm (cơ cấu cũ là 35-25-40).

dsc_0702(1).jpg
Sản phẩm gạo của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh đạt tiêu chuẩn OCOP

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN- PTNT cho biết, Đắk Nông hiện có 60 sản phẩm OCOP của 53 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở; trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao, 53 sản phẩm đạt 3 sao.

Nhiều sản phẩm OCOP của Đắk Nông chưa tạo được sức bật trên thị trường. Trong đó, nguyên nhân là các sản phẩm chưa có sức mạnh cộng đồng, thiếu tính bền vững.

Đây là một trong những nội dung trọng tâm mà các cấp, ngành, đoàn thể, chủ thể cần quan tâm nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Các chủ thể có thể khai thác các lợi thế như Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, truyền thống văn hóa các dân tộc bản địa, du lịch cộng đồng... để tạo sức mạnh cộng đồng cho sản phẩm OCOP.

Hồng Thoan