Ngoại trưởng Indonesia quan ngại việc phân biệt đối xử dầu cọ của EU
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:18, 24/07/2023
Thu hoạch dầu cọ tại Kutamakmur, Aceh, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong chuyến thăm Indonesia của Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Joao Gomes Cravinho ngày 24/7, ông và người đồng cấp nước chủ nhà Retno Marsudi đã có cuộc gặp song phương nhằm thảo luận về hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là vấn đề dầu cọ, trong đó Indonesia đã nêu quan ngại về việc Liên minh châu Âu (EU) phân biệt đối xử với ngành sản xuất dầu cọ.
Trao đổi tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Marsudi đánh giá cao sự tin tưởng của Bồ Đào Nha đối với các sản phẩm dầu cọ nhập khẩu từ Indonesia. Bà Retno cho biết xuất khẩu dầu cọ từ Indonesia sang Bồ Đào Nha tăng 77% từ năm 2019-2022.
Sự gia tăng này xuất phát từ các chính sách khuyến khích nhập khẩu chất dẫn xuất dầu cọ làm nguyên liệu thô cho dầu diesel sinh học.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Retno nêu bật mối lo ngại về chính sách phân biệt đối xử của EU đối với một số ngành, trong đó có dầu cọ Indonesia.
Trước đó, EU đã thông qua Quy định về chống phá rừng của khối này (EUDR), ảnh hưởng trực tiếp đến ngành sản xuất dầu cọ của Indonesia cũng như nhiều nước khác do EUDR yêu cầu truy xuất nguồn gốc các sản phẩm như dầu cọ có phải từ phá rừng hay không.
Ngoài nội dung về hợp tác dầu cọ, hai ngoại trưởng còn thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, năng lượng và hàng hải giữa hai bên.
Trước đó, Indonesia và Malaysia đã trì hoãn các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) trong khi tìm cách đối xử công bằng hơn đối với các hộ sản xuất dầu cọ quy mô nhỏ.
Phó Thủ tướng Malaysia Fadillah Yusof cho rằng đạo luật cấm nhập khẩu các sản phẩm từ các vùng đất phá rừng được EU thông qua mới đây là “sự trừng phạt và đối xử bất công đối với chúng tôi và đặc biệt là các hộ sản xuất nhỏ.”
Về phần mình, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cáo buộc chính sách của EU ủng hộ “các tập đoàn lớn hoặc công ty đa quốc gia” vốn có thể đáp ứng mức độ quan liêu mà quy định sẽ yêu cầu.
Indonesia và Malaysia đã cử các quan chức cấp cao tới EU để bày tỏ quan ngại về Quy định chống phá rừng (EUDR) vốn được cho là có thể gây bất lợi cho các công ty nông nghiệp quy mô nhỏ.
Hai quốc gia này là những nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới và chiếm khoảng 85% xuất khẩu dầu cọ toàn cầu. Trong khi đó, EU là thị trường lớn thứ ba đối với các sản phẩm dầu cọ của hai nước này./.