Địa Trung Hải, Trung Đông, châu Phi cam kết giải quyết di cư trái phép

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 14:10, 24/07/2023

Sau Hội nghị Quốc tế về Phát triển và Di cư tại Italy, hơn 20 quốc gia ở Địa Trung Hải, Trung Đông, châu Phi nhất trí thiết lập Quỹ Hỗ trợ các Dự án Phát triển để ngăn chặn tình trạng di cư trái phép.

Dia Trung Hai, Trung Dong, chau Phi cam ket giai quyet di cu trai phep hinh anh 1Người di cư được giải cứu ngoài khơi Libya. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 23/7, các nước Địa Trung Hải, Trung Đông và châu Phi nhất trí tìm cách giảm tình trạng di cư trái phép và giải quyết những áp lực khiến người dân rời bỏ quê nhà tìm đường đến châu Âu.

Sau Hội nghị Quốc tế về Phát triển và Di cư kéo dài một ngày tại thủ đô Rome do Thủ tướng Italy Giorgia Meloni chủ trì, các bên tham dự hội nghị cam kết ngăn chặn nạn buôn người, nâng cao hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện triển vọng phát triển của các nước nghèo hơn.

Đại diện của hơn 20 quốc gia nhất trí thiết lập Quỹ Hỗ trợ các Dự án Phát triển mà Thủ tướng Meloni gọi là “Quy trình Rome.”

Thủ tướng Meloni cho biết Chính phủ Italy dưới sự lãnh đạo của bà sẵn sàng tiếp nhận dòng người di cư hợp pháp vì “châu Âu và Italy cần người nhập cư,” song các nước cần chung tay ngăn chặn tình trạng di cư trái phép qua tuyến Địa Trung Hải đầy nguy hiểm.

Bà nhấn mạnh: “Ngăn chặn các mạng lưới buôn người là mục tiêu mà tất cả chúng tôi chia sẻ."

Đáng chú ý, tại hội nghị, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan tuyên bố UAE cam kết hỗ trợ 100 triệu USD cho các dự án phát triển tại các quốc gia chịu ảnh hưởng của tình trạng di cư trái phép.

Thủ tướng Meloni đã hoan nghênh quyết định trên của UAE và cho biết sẽ tổ chức hội nghị các nhà tài trợ trong thời gian tới.

Cùng ngày, phát biểu tại quảng trường Thánh Peter, Giáo hoàng Francis kêu gọi chính phủ các nước châu Âu và châu Phi hỗ trợ người di cư bị mắc kẹt ở những vùng sa mạc khu vực Bắc Phi, cũng như đảm bảo rằng Địa Trung Hải không còn là một "vùng chết chóc" đối với những người di cư tìm cách vượt tuyến đường biển nguy hiểm này.

Italy đang phải giải quyết tình trạng người di cư trái phép cập bến những nơi xa xôi như đảo Lampedusa ở miền Nam nước này. Tuy nhiên, quốc gia này cũng chứng kiến tình trạng suy giảm và già hóa dân số nên cần lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.

Đầu tháng này, Italy đã cam kết cấp mới 452.000 thị thực lao động cho các công dân ngoài Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn 2023-2025, đồng thời tăng số giấy phép làm việc mỗi năm lên mức cao nhất 165.000 vào năm 2025.

Trước đó, năm 2019, thời điểm đại dịch COVID-19 chưa bùng phát, Italy chỉ cấp mới 30.850 thị thực. Số người di cư đến Italy đã tăng mạnh, với hơn 83.000 người từ đầu năm đến nay, so với khoảng 34.000 người cùng kỳ năm ngoái./.

Mai Nguyễn (TTXVN/Vietnam+)

Mai Nguyễn (TTXVN/Vietnam+)