Chính phủ Hàn Quốc lập 7 “đặc khu” cho các ngành công nghiệp tiên tiến
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 20:56, 20/07/2023
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo hãng thông tấn Yonhap, Chính phủ Hàn Quốc ngày 20/7 đã công bố thành lập 7 "khu phức hợp chuyên ngành" phục vụ phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn, màn hình và pin thứ cấp tại các thành phố lớn trên cả nước.
Động thái trên nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân hưởng các chính sách ưu đãi khi tham gia các lĩnh vực tiên tiến, tạo động lực tăng trưởng trong tương lai.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cũng cho biết nước này quyết định lập thêm 5 khu phức hợp dành riêng cho vật liệu, phụ tùng và thiết bị cho các ngành công nghiệp trọng điểm.
Theo kế hoạch, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xây dựng 2 khu phức hợp dành riêng cho ngành chế tạo chip - gồm khu nằm giữa hai thành phố Yongin và Pyeongtaek, một khu tại thành phố Gumi; 4 khu phức hợp dành cho pin thứ cấp ở các thành phố Cheongju, Pohang, Saemangeum và Ulsan; các khu phức hợp còn lại dành cho lĩnh vực màn hình đặt tại các thành phố Cheonan và Asan. Các địa điểm trên là nơi các công ty tư nhân đã cam kết đầu tư tổng cộng 614.000 tỷ won (485,1 tỷ USD) cho tới năm 2026.
Trong số đó, khu phức hợp ở các thành phố Yongin và Pyeongtaek (đều ở phía Nam thủ đô Seoul) sẽ được nhận khoản hỗ trợ 56,2 tỷ won (44 triệu USD) cho phát triển chip bán dẫn từ các công ty Samsung Electronics, SK hynix và các công sản xuất chip khác cho đến năm 2042.
Khu phức hợp ở Gumi, tỉnh Bắc Gyeongsang, dự kiến sẽ trở thành cơ sở chính cho sản xuất các thành phần bán dẫn cốt lõi, chẳng hạn như tấm silicon và chất nền. Các công ty SK Siltron, LG Innotek và một số công ty khác có kế hoạch đầu tư tổng cộng 4.700 tỷ won (3,7 tỷ USD) cho tới năm 2026 vào đặc khu này.
Bằng cách lập 4 khu phức hợp dành riêng cho ngành công nghiệp pin, Hàn Quốc đặt mục tiêu tạo ra chuỗi giá trị từ chế biến khoáng sản đến cung cấp vật liệu cực âm, sản xuất và tái chế cũng như phát triển pin thế hệ tiếp theo.
Các nhà sản xuất pin lớn, bao gồm LG Energy Solution, LG Chem, SK On và POSCO Future M đang vận hành hoặc lên kế hoạch xây dựng các cơ sở sản xuất và trung tâm kinh doanh của họ ở bốn khu vực nói trên thông qua đầu tư vào đây tổng cộng 30.000 tỷ won (23,6 tỷ USD) cho tới năm 2027.
Việc lập đặc khu cho lĩnh vực màn hình ở Cheonan và Asan, miền Trung Hàn Quốc, được đưa ra khi Samsung Display và các công ty nhỏ hơn khác có kế hoạch rót khoảng 17.200 tỷ won (13,5 tỷ USD) vào đây cho tới năm 2026.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nêu rõ: “Chính phủ sẽ mở rộng các biện pháp hỗ trợ toàn diện, phù hợp cho các công ty trong các khu phức hợp bằng cách loại bỏ các quy định phức tạp và cắt giảm thuế cũng như hỗ trợ về mặt hạ tầng và hành chính.”
Bộ trên cho biết, tổng cộng có 21 thành phố và khu vực cấp tỉnh đăng ký thành lập khu phức hợp chuyên biệt và 7 thành phố trên đã được chọn, dựa trên các kế hoạch đầu tư của công ty và có tính tới sự phát triển cân bằng trong cả nước.
Chính phủ Hàn Quốc cũng lựa chọn 8 trường đại học trên cả nước, bao gồm Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Quốc gia Pusan, trở thành các trung tâm nuôi dưỡng nhân tài cho các ngành công nghiệp tiên tiến, chiến lược và đã cung cấp cho họ số tiền 54 tỷ won (42 triệu USD) chỉ riêng trong năm 2023.
Trong một cuộc họp riêng khác, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định lập thêm 5 khu phức hợp về vật liệu, thiết bị và linh kiện liên quan đến chất bán dẫn, dược phẩm sinh học và phương tiện giao thông ở Gwangju, Daegu, Osong, Busan và Anseong để mở rộng các ưu đãi khác cho các công ty . Các công ty cũng cam kết thực hiện khoản đầu tư mới trị giá 6.700 tỷ won (5,2 tỷ USD) vào 5 đặc khu này.
Vào tháng 2/2021, Chính phủ Hàn Quốc lần đầu tiên lập 5 khu phức hợp công nghiệp ở Yongin, Cheongju và các khu vực khác trên cả nước./.