Song sắt không thể cầm tù tâm hồn (bài 4): Một cuộc đời với nhiều cuộc hành trình…
Những cựu tù Côn Đảo - chuyện về họ sẽ không bao giờ có thể kể hết. Hôm nay, có người còn đây, có người đã đi xa, nhưng quãng thời gian đấu tranh trong “địa ngục trần gian“ với chính họ và với nhân dân Việt Nam mãi là kết tinh của những gì đẹp đẽ nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm ngời lên chân lý: song sắt có thể cầm tù một thể xác, nhưng không thể giam hãm một tâm hồn, một lý tưởng...
Thanh xuân của người phụ nữ ấy là dằng dặc đấu tranh, mất mát và đớn đau cả trên chiến trường lẫn trong gông cùm nhà giam. Rồi khi hòa bình, bà vẫn vậy, can trường sống trên hành trình cống hiến vì đất nước, và vì cả những đồng đội đã ngã xuống.
Ngục tù không thể giam giữ chí khí người cách mạng
Gần như không có ngày nghỉ với những công việc gắn với quỹ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” và cho rất nhiều dự án đầu tư giáo dục của Quỹ học bổng Vừ A Dính, nhưng trong những ngày cả nước hướng đến Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa càng bận rộn hơn với những chuyến về thăm Côn Đảo hay các cuộc họp mặt với các nữ tù chính trị để thăm hỏi sức khỏe, kể cho nhau những câu chuyện “nói hoài không hết”.
Giải thích lý do vẫn còn tất bật ở cái tuổi lẽ ra phải nghỉ ngơi, bà cho biết, đó là chuyện bình thường và những việc bà đang làm là bởi bà nguyện sống thêm phần đời những người đồng đội đã nằm xuống trên con đường đưa đất nước đi đến thống nhất, tự do.
“Năm nào tôi cũng về Côn Đảo vài lần, nhưng lần nào cũng vẹn nguyên cảm xúc”, nguyên Phó Chủ tịch nước không giấu được xúc động khi kể lại những chuyến về thăm Côn Đảo. Rồi bà khẳng định thêm, đó không phải là cảm nhận của riêng mình mà là cảm xúc chung của những người từng là tù chính trị tại Côn Đảo.
19 tuổi, hoạt động trong Hội Liên hiệp Thanh niên Học sinh sinh viên khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với phong trào phản đối bắt lính, biến miền Nam thành trại lính khổng lồ, bà Trương Mỹ Hoa bị bắt từ tháng 4/1964 và trải qua nhiều nhà lao, đến năm 1975 mới được trả về. Trong 11 năm là nữ tù chính trị, bà có gần bốn năm bị đày ra Côn Đảo, giam giữ nơi Chuồng Cọp vì bị liệt vào những đối tượng “bất trị, cứng đầu”.
Trong ký ức của bà Trương Mỹ Hoa, những ngày chiến đấu ở Côn Đảo là những ngày để lại dấu ấn sâu sắc, dai dẳng nhất đối với bà, không chỉ vì đó là chiến trường xa đất liền, mà còn là chiến trường khắc nghiệt nhất mà bản thân bà cũng như những nữ đồng đội chưa từng trải qua, thậm chí là chưa từng xuất hiện trong hình dung trước đó.
Chế độ giam cầm khắc nghiệt, đọa đày, thiếu thốn và những bóp siết nặng nề là thứ vũ khí mà kẻ thù dùng để áp chế tinh thần của những nữ cựu tù chính trị Côn Đảo. Thế nhưng, theo bà Trương Mỹ Hoa, nhà tù không thể giam giữ ý chí đấu tranh, tư tưởng của những người Cộng sản, mà ngược lại, giúp bà và đồng đội trưởng thành hơn về tư tưởng, trách nhiệm, quan điểm chính trị, bản lĩnh,... để hết lòng yêu nước, tận trung với cách mạng, không khuất phục trước quân thù.
“Ai cũng hiểu và tin rằng chiến thắng chắc chắn sẽ đến, nhưng ngày chiến thắng chưa chắc đã có mình. Mạng sống người ta còn không tính đến, thì những vật chất tầm thường có ý nghĩa gì?”, bà Trương Mỹ Hoa khẳng định, đó chính là ý chí thường trực trong những người tù Côn Đảo.
Nhớ về Côn Đảo, bà điểm từng cái tên, từng gương mặt đồng đội vẫn rõ nét trong ký ức dù đã 50 năm trôi qua. Đó là cuộc đấu tranh thật sự của những cô gái tuổi mười chín, đôi mươi sôi nổi, tay không vũ khí, chỉ có tinh thần và ý chí để bảo vệ lập trường, khí tiết, bảo vệ lý tưởng mà họ đã chọn. Đó là những cô, chị lớn tuổi có chồng hy sinh, để lại mẹ già, ba bốn đứa con nhỏ nhưng vẫn quyết tâm gác lại chuyện nhà để đi chiến đấu. Đó là má Sáu Mù dù mù cả hai mắt nhưng quyết “khổ tới đâu chịu tới đó”, lúc nào cũng ca vang điệp khúc “Không, không thể chần chừ được nữa…”. Đó là chị Xuân, chị Thanh, Cúc, bé Sáu,… những người đồng đội đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ do hoàn cảnh giam cầm khắc nghiệt, không có thuốc men. Họ nằm lại Côn Đảo khi những mong muốn, hoài bão, khát vọng tự do chưa thực hiện được.
Yêu thương trở thành lẽ sống
Thế nhưng, trong hoàn cảnh gian khó ấy, với nữ tù chính trị Trương Mỹ Hoa, cũng có những nguồn vui đã trở thành lẽ sống. Đó là dù mỗi ngày chỉ được phát một lon nước nhưng không ai thiếu bởi ai cũng nhường nhau. Những nữ cựu tù chính trị nhường nhau từ miếng cơm, manh áo, chỗ nằm, nhường nhau từng bóng nắng hiếm hoi để đôi tay lần theo đó mà khâu những chỗ rách áo, nhường nhau từng viên thuốc, từng chút không khí để thở. Họ chỉ giành nhau một thứ duy nhất, đó là giành lấy phần khó về mình, giành nhau chịu đòn roi khắc nghiệt, thậm chí giành chết thay để đồng đội được sống.
Theo bà Trương Mỹ Hoa, tinh thần đoàn kết, sẻ chia, yêu thương ấy trở thành lẽ sống rất đẹp trong chốn ngục tù, là bài học lớn vừa nâng đỡ, vừa rèn luyện, giúp bà có đủ sức mạnh để bước qua thời kỳ dài chiến tranh ác liệt cho đến khi trở thành người lãnh đạo đất nước, hay khi trở về làm một công dân bình thường.
“Khi ra Côn Đảo, tôi vẫn nhắc các bạn rằng, không cần phải giới thiệu chức vụ gì khác của tôi cũng được, nhưng phải nhớ nói tôi là cựu tù chính trị Côn Đảo. Phó Chủ tịch nước hay Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam… chỉ là những chức vụ mà Đảng và nhân dân giao cho, hết nhiệm kỳ mình cũng về làm dân. Nhưng cựu tù chính trị là lựa chọn thuộc về tôi, là da thịt của tôi chạm vào đòn roi, là những ngày gian khổ trong lao tù, không ai chia sẻ được, không ai có thể tô thêm cũng không thể lấy mất”, bà khẳng định cùng với những giọt nước mắt lăn dài.
Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, những ký ức về những năm tháng lao tù vẫn in hằn trên thân thể các nữ chiến sĩ như một minh chứng về sự tàn khốc của chiến tranh, để mỗi khi trái gió trở trời lại thêm đau nhức. Nhưng với tinh thần của người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cũng như những cựu tù chính trị vẫn vượt qua khó khăn, khắc phục những hạn chế về sức khỏe để tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua yêu nước, đem tâm huyết và công sức của mình đóng góp vào công cuộc cách mạng, vì dân vì nước như xưa trong điều kiện mới.
Mặc dù tuổi cao, nhưng các dì vẫn hỗ trợ, giúp sức cho các khu phố, xóm ấp, chăm lo cho người nghèo, đấu tranh với tệ nạn xã hội, đồng thời là chỗ dựa tinh thần cho thế hệ trẻ. Bà bộc bạch: “Những ngày trong chốn lao tù, đòn roi hiểm ác của kẻ thù không thể khiến tôi cùng đồng đội gục ngã, thì trong thời bình, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để còn sức là còn cống hiến cho quê hương, đất nước. Chúng tôi luôn tự nhắc mình, làm được gì thì làm, không làm được việc lớn thì làm việc nhỏ, góp phần dù là nhỏ nhất cho đất nước này, khó khăn bao nhiêu cũng không từ bỏ”.
Theo bà, những cựu tù chính trị hiện vẫn cố gắng để sống xứng đáng với những người đồng đội đã nằm xuống. Khát vọng về hòa bình, độc lập, tự do đã giành được, chúng ta phải thực hiện những khát vọng lớn hơn, mạnh mẽ hơn, đó là đưa đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn thịnh, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Khát vọng đó, theo bà, thế hệ trẻ phải kế tục, thực hiện.
“Mong các thế hệ hãy noi gương những thế hệ đi trước, cố gắng học tập, rèn luyện để có đủ bản chất của thanh niên trong thời đại mới, vừa hồng vừa chuyên, có ý chí, nghị lực, có khát vọng sống để kế tục vững chắc con đường, sự nghiệp các anh, các chị, cô chú đã đi trước và dự phần vào sự phát triển của đất nước. Đó là cách thiết thực để góp phần làm cho dòng chảy lịch sử của đất nước ngày càng dài thêm và xuyên suốt”, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nhắn nhủ.