Nông dân Đắk Nông tập trung chăm sóc cây trồng vụ hè thu
Để vụ hè thu đạt hiệu quả, nông dân các địa bàn tỉnh Đắk Nông đang tăng cường các biện pháp phòng, trừ sâu hại cho các loại cây trồng. Trong đó, bà con chú trọng tăng sức đề kháng để cây trồng phát triển tốt.
Tính đến đầu tháng 7/2023, nông dân tỉnh Đắk Nông đã xuống giống 44.000/50.192 ha cây trồng vụ hè thu theo kế hoạch, đạt trên 87%. Năm nay, mưa xuất hiện đều trên các vùng sản xuất, nên bà con cơ bản có đủ nước để gieo cấy, chăm sóc cây trồng.
Hiện nay, sâu hại đã và đang xuất hiện rải rác ở một số cây trồng. Cụ thể, cây lúa nước hiện đang giai đoạn đẻ nhánh đang xuất hiện một số đối tượng gây hại như: sâu cuốn lá, ốc bươu vàng, rầy nâu… Các loại sâu hại này xuất hiện rải rác các xã Buôn Choáh, Nâm N’Dir, Đức Xuyên…
Ông Hoàng Văn Viện, ở thôn Cao Sơn, xã Buôn Choáh, vụ này xuống giống hơn 1 ha lúa. Từ đầu vụ đến nay, trên ruộng lúa cũng xuất hiện một số loại sâu hại, nhưng không đáng kể.
Gần đây, ông Viện phát hiện trên đồng ruộng có dấu hiệu của sâu đục thân hai chấm hại lúa. Do vậy, ông đã tiến hành phun phòng ngừa trước khi ruộng lúa bị sâu đục thân tấn công diện rộng.
Theo Phòng NN -PTNT huyện Krông Nô, ngay từ đầu vụ, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường kiểm tra đồng ruộng. Đơn vị thường xuyên cử cán bộ theo dõi tình hình sâu bệnh hại trên các loại cây trồng.
Ngành Nông nghiệp huyện Krông Nô hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng, ngừa một số loại sâu bệnh thường hay xuất hiện trên lúa, bắp, cà phê, hồ tiêu…
Các cấp, ngành trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật về IPM; “3 giảm, 3 tăng"; “1 phải, 5 giảm”… Từ đó, giúp bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, hạn chế sâu bệnh cho cây trồng.
Còn tại huyện Cư Jút, vụ hè thu năm nay nông dân gieo trồng 11.399 ha cây trồng các loại. Tổng sản lượng lương thực của huyện đạt 60.613 tấn, trong đó lúa 20.384 tấn, bắp 40.229 tấn.
Ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Cư Jút cho biết, địa phương luôn lấy phương châm phòng hơn trị. Ngành Nông nghiệp huyện chú trọng theo dõi diễn biến một số sâu bệnh hại trên cây dài ngày, cây ăn quả và cây ngắn ngày như lúa, bắp, đậu...
Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, vụ hè thu đang trong giai đoạn cao điểm của việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Do đó, ngành chuyên môn cần tiếp tục triển khai các biện pháp để giúp cây trồng khỏe mạnh, tăng khả năng kháng bệnh, phát triển tốt.
Ngành chuyên môn cũng tăng cường công tác theo dõi diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng các loại để kịp thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa, xử lý.
Đặc biệt, ngành chức năng cần chú ý một số sâu bệnh hại trên cây trồng. Nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng, rệp sáp hại rễ trên cây hồ tiêu; bệnh héo đen đầu lá, rụng lá mùa mưa, nấm hồng gây hại trên cao su; rệp sáp, nấm hồng, gỉ sắt, khô cành khô quả gây hại trên cây cà phê…
Từ đó, giúp bà co có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả các loại sâu bệnh trên cây trồng, giúp bảo đảm năng suất cho vụ hè thu năm nay.