'Át chủ bài' trong chuyến công du của Thủ tướng Nhật tới Trung Đông
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:47, 19/07/2023
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (giữa, phải) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (giữa, trái) tại lễ đón ở Jeddah, ngày 16/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã kết thúc lịch trình ngoại giao bận rộn giữa tháng Bảy bằng chuyến công du đến khu vực Trung Đông.
Trong bối cảnh triển vọng năng lượng toàn cầu ẩn chứa nhiều rủi ro, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã sử dụng chuyến công du đầu tiên tới Trung Đông kể từ khi ông nhậm chức như một cơ hội để củng cố chuỗi cung ứng năng lượng ổn định, đồng thời mở rộng sự hiện diện chính trị tại khu vực này.
Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar - 3 chặng dừng chân trong chuyến công du của Thủ tướng Kishida - là 3 nguồn cung hàng đầu của Nhật Bản về dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng.
Theo số liệu thống kê chính thức, nguồn cung nhiên liệu của 3 quốc gia này chiếm khoảng 80% tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản, trong đó Saudi Arabia và UAE lần lượt chiếm 40,68% và xấp xỉ 25% tổng lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản tính từ đầu năm 2023.
Qatar là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) quan trọng, chiếm khoảng 10% lượng LNG nhập khẩu của Nhật Bản tính đến tháng 3/2022.
Ông Shuji Hosaka, thành viên Hội đồng Quản trị của Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản, nhận định: “Trung Đông trở thành một khu vực có tầm quan trọng sống còn đối với Nhật Bản và ngay cả khi nhập khẩu năng lượng tiếp tục giảm trong tương lai, Nhật Bản vẫn sẽ mua dầu và khí đốt tự nhiên từ Trung Đông kể cả sau năm 2050."
Về phía Vùng Vịnh, cả 3 quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn này đều đang cố gắng đa dạng hóa các ngành công nghiệp, giảm dần sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu hóa thạch truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang hướng đến mục tiêu trung hòa carbon.
Saudi Arabia, phụ thuộc vào xăng dầu với hơn 60% doanh thu cho nhà nước, đã đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. UAE dự kiến đạt mục tiêu đó vào năm 2050, trong khi Qatar lên kế hoạch đến năm 2030 giảm 25% lượng phát thải.
Chính phủ của Thủ tướng Kishida, vốn đã xác định các công nghệ khử carbon trở thành một phần trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng của mình, nhận thấy mục tiêu của các nước Vùng Vịnh là cơ hội hợp tác.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nhật Bản là nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới, phù hợp với các mục tiêu chiến lược của các nước Vùng Vịnh về trung hòa carbon.
Chuyên gia Shigeto Kondo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Trung Đông Nhật Bản, phân tích: “Nhật Bản đang thúc đẩy năng lượng tái tạo và các quốc gia sản xuất dầu Vùng Vịnh cũng vậy. Vì vậy, về điểm đó, có sự hội tụ giữa Nhật Bản với các nhà sản xuất dầu ở khu vực. Sự đồng thuận này là lý do Nhật Bản gặt hái được hàng loạt thỏa thuận trong chuyến công du Trung Đông.”
Đó là 26 thỏa thuận với Saudi Arabia, gồm an ninh năng lượng; phát triển hydro sạch; khai thác, sản xuất amoniac và các dẫn xuất của nó cùng với nhiên liệu carbon tái chế; thỏa thuận hợp tác để tìm kiếm và khai thác đất hiếm tại một nước thứ ba.
Đối với UAE là thỏa thuận hợp tác thúc đẩy các công nghệ năng lượng xanh, tiến tới một nền kinh tế không carbon, phối hợp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực và tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) được tổ chức tại Dubai (UAE) cuối năm nay. Đối với Qatar là cam kết về nguồn cung khí đốt hóa lỏng và hợp tác để ổn định thị trường năng lượng toàn cầu.
Theo ông Hosaka, quan hệ giữa Nhật Bản với các quốc gia cung cấp nhiên liệu ở Trung Đông sẽ cần phải phát triển bên ngoài khuôn khổ năng lượng. Đối với Nhật Bản, việc giúp các quốc gia này đạt được mục tiêu trung hòa carbon sẽ rất quan trọng để duy trì mối quan hệ cùng có lợi.
Giám đốc Chương trình Công nghệ Chiến lược và An ninh mạng thuộc Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington (Mỹ) Mohammed Soliman cho rằng Nhật Bản được công nhận ở Trung Đông về độ tin cậy, ngoại giao cân bằng và chuyên môn kỹ thuật nhờ các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, năng lượng và công nghệ trong khu vực.
Ông đánh giá: “Mặc dù ảnh hưởng của Nhật Bản có thể không làm lu mờ Trung Quốc, nhưng Tokyo vẫn có thể đóng một vai trò có ý nghĩa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và thúc đẩy hợp tác ở Trung Đông."
Xuất phát điểm là kinh tế và đây chính là nền móng để Nhật Bản xây dựng ảnh hưởng chính trị tại khu vực. Căng thẳng giữa Mỹ với Saudi Arabia về vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại và việc các nước Arab không chấp nhận đề nghị tăng sản lượng dầu mỏ để đối phó với Nga trong bối cảnh xung đột tại Ukraine đã khiến cho vai trò của Mỹ tại khu vực này bị giảm sút đáng kể.
Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed al-Nahyan (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại cuộc gặp ở Abu Dhabi ngày 17/7. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Mặt khác, mặc dù Trung Quốc và Nga đang mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, song dự báo về triển vọng kinh tế không chắc chắn của Trung Quốc cùng với cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung khiến cho các nước Arab cảm thấy bất an. Trong khi đó, Nhật Bản có lợi thế về kinh nghiệm trong việc đầu tư vào các nước đang phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Theo nhận định của giới chuyên gia, các nước Trung Đông đang tích cực tìm kiếm quan hệ đối tác với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ “để làm loãng cấu trúc quyền lực ở Trung Đông như một sân khấu địa chính trị."
Về phần mình, Nhật Bản đang cố gắng tạo sự khác biệt với Trung Quốc bằng cách cung cấp hỗ trợ công nghệ trong các lĩnh vực mà các nước đối tác yêu cầu và "thể hiện mình là một đối tác đáng tin cậy trong dài hạn."
Chuyên gia Hosaka nhấn mạnh Nhật Bản chắc chắn đang cố gắng đóng một vai trò chính trị trong khu vực. Như khẳng định của Thủ tướng Kishida, tại Trung Đông, Nhật Bản sẽ "đóng vai trò xoa dịu căng thẳng và ổn định tình hình," liên quan tới những vấn đề như Palestine hay hạt nhân Iran.
Chính vì vậy, cùng với các thỏa thuận về kinh tế, Thủ tướng Nhật Bản cũng đạt được sự nhất trí với các nước khu vực trong lĩnh vực ngoại giao và an ninh. Thủ tướng Kishida và Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) Jasem Mohamed al-Budaiwi đồng ý phải tổ chức các cuộc họp thường xuyên của các bộ trưởng ngoại giao với GCC (có 6 quốc gia thành viên), nối lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do kỳ vọng sẽ được ký kết vào cuối năm 2024.
Nhật Bản và Saudi Arabia nhất trí thiết lập đối thoại chiến lược cấp bộ trưởng ngoại giao để tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế. Với UAE, hai nước thống nhất tăng cường hợp tác quốc phòng thông qua thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng ký vào tháng 5/2023.
Tại Qatar, Tokyo và Doha đồng ý tăng cường hợp tác an ninh thông qua đối thoại giữa các quan chức quốc phòng.
Với những kết quả đạt được, có thể nhận định “ngoại giao tài nguyên” và “ngoại giao công nghệ năng lượng sạch” đã trở thành hai "con át chủ bài" trong chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản.
Chiến thuật ngoại giao của ông Kishida ở Trung Đông là đặt kinh tế lên hàng đầu, làm trung tâm trong khi tránh làm nổi bật sự khác biệt về giá trị. Nhật Bản đang tìm cách định vị mình là một đối tác đáng tin cậy cho sự phát triển, tạo nền móng cho nỗ lực tăng cường sự hiện diện chính trị và an ninh tại khu vực này./.