Canada trải qua mùa cháy rừng tàn khốc nhất trong 30 năm qua

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:43, 19/07/2023

Gần 1.000 đám cháy rừng bùng phát trên khắp Canada, trong đó có nhiều đám cháy lớn ngoài tầm kiểm soát, các chuyên gia cảnh báo về hiện tượng cực đoan và một mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong 30 năm.
Canada trai qua mua chay rung tan khoc nhat trong 30 nam qua hinh anh 1Khói bốc lên từ đám cháy rừng ở British Columbia, Canada ngày 10/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Canada đang trải qua mùa cháy rừng tàn khốc nhất khi đang xuất hiện gần 1.000 đám cháy bùng phát trên khắp đất nước, với những cột khói khổng lồ lan trong bầu không khí và tràn xuống cả quốc gia láng giềng phía Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, báo cáo cập nhật ngày 18/7 của Trung tâm chống cháy rừng liên ngành ghi nhận có hơn 900 đám cháy từ bờ Tây sang tới bờ Đông, với mức độ lan rộng ngày càng nhanh.

Các tỉnh bang miền Đông như Quebec, Ontario và Nova Scotia đang phải chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi những đám cháy lớn mất kiểm soát.

Tỉnh bang British Columbia ở miền Tây xuất hiện cháy rừng nhiều nhất, với 391 đám cháy đang hoạt động. Tiếp theo là Alberta và Quebec, lần lượt với số lượng 125 và 107 đám cháy đang hoạt động.

Các đám cháy được ghi nhận đã tăng gấp đôi số lượng kể từ tuần cuối tháng 6/2023 khi một số tỉnh bang và vùng lãnh thổ có bầu không khí khô và nền nhiệt cao kỷ lục.

Hiện tượng này đang làm nhiều chuyên gia lo ngại sẽ càng làm cho tình hình cháy rừng thêm nghiêm trọng và gây ô nhiễm cho bầu không khí tại Canada.

Trung tâm dịch vụ chống cháy rừng British Columbia cho biết trong số gần 400 đám cháy ở đây, thì có hơn 100 đám cháy được coi là ngoài tầm kiểm soát gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và cộng đồng.

Lực lượng vũ trang Canada đã huy động trực thăng CH-146 Griffon và cả máy bay CC-130J Hercules của Không quân hoàng gia để thực hiện các nhiệm vụ cơ động và hậu cần, cũng như hỗ trợ sơ tán khẩn cấp.

Cơ quan kiểm soát cháy rừng Quebec (SOPFEU) ghi nhận ngoài các đám cháy đang hoạt động, trong năm nay ngọn lửa đã thiêu trụi hơn 1,5 triệu hécta của khu vực được gọi là "khu bảo tồn tập trung" bao trùm 1/2 vùng đất phía Nam của tỉnh.

Tỉnh bang Ontario hiện có gần 70 đám cháy đang hoạt động và theo ghi nhận của Bộ Tài nguyên và Lam nghiệp tỉnh, trong năm nay có 450 đám cháy bùng phát, vượt gần 100 vụ so với mức trung bình 10 năm qua.

Mùa cháy rừng tại Canada, nơi chiếm hơn 9% diện tích rừng của thế giới, thường xảy ra vào khoảng thời gian này trong năm.

Nhưng trong năm nay, nó đã xảy ra ngay từ tháng Năm và có thể kéo dài hơn, khiến cho nhiều chuyên gia cảnh báo về một hiện tượng cực đoan và một mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong 30 năm qua.

Chuyên gia khí tượng học của Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Jesse Wagar cho biết trong số các đợt nhiệt độ cao nhất trên lãnh thổ, có 4 đợt xảy ra trong 8 năm qua và 3 đợt xảy ra trong ba mùa Hè này.

Đây là một xu hướng đáng báo động. Ngoài ra, tốc độ nhiệt độ ấm lên nhanh chóng và đặc biệt là bắt đầu sớm hơn từ tháng Năm là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Chuyên gia về cháy rừng Mike Flannigan của Đại học Thompson Rivers tiết lộ công thức gây ra cháy rừng rất đơn giản. Chỉ cần ba yếu tố là thảm thực vật, được gọi là nhiên liệu; tia lửa xuất hiện ở Canada là sét và cả con người;  thời tiết nóng, khô và nhiều gió. Những yếu tố này kết hợp với nhau nhiều lần trong năm nay dẫn đến một mùa cháy rừng cao kỷ lục.

Các điều kiện nóng, khô, nhiều gió gây khả năng hỏa hoạn nhiều hơn đang trở nên phổ biến ở nhiều nơi khi Trái đất nóng lên. Tính trung bình, Canada đã ấm lên nhanh gấp hai lần so với phần còn lại của thế giới trong những năm gần đây.

Các nghiên cứu liên kết biến đổi khí hậu với các vụ cháy rừng chưa được thực hiện, nhưng mùa cháy rừng năm nay phù hợp với sự hiểu biết của các nhà khoa học về việc trái đất nóng lên và gây tác động đến các vụ cháy rừng như thế nào.

Nhà khoa học nghiên cứu về rừng tại Quebec Yan Boulanger nhận xét mùa cháy rừng đang kéo dài hơn, thời tiết dễ bắt lửa hơn, thảm thực vật ngày càng khô hơn và dễ bị cháy hơn nếu có lửa. Đây là những xu hướng đang được ghi nhận khắp các vùng đất rộng lớn của Canada./.

Hà Linh (TTXVN/Vietnam+)