Mali: Tấn công nhằm vào Phái bộ của LHQ khiến một nhân viên thiệt mạng

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:58, 19/07/2023

Đội tuần tra của MINUSMA đã va phải một thiết bị nổ tự chế và sau đó bị tấn công bằng hỏa lực trực tiếp khiến ít nhất 1 nhân viên của Phái bộ thiệt mạng và 4 người khác bị thương nặng.
Mali: Tan cong nham vao Phai bo cua LHQ khien mot nhan vien thiet mang hinh anh 1Binh sỹ thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Mali (MINUSMA) tuần tra tại Fafa, gần Gao, Mali. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) hôm 18/7 cho biết ít nhất một nhân viên của Phái bộ đã thiệt mạng và 4 người khác bị thương nặng khi đội tuần tra của họ bị tấn công ở miền Bắc Mali hôm 14/7.

Vụ việc xảy ra gần thị trấn Ber, thuộc vùng Tombouctou - khu vực đã trở thành điểm nóng của các hoạt động thánh chiến trong thập kỷ qua.

MINUSMA cho biết trên Twitter rằng đội tuần tra ban đầu va phải một thiết bị nổ tự chế và sau đó bị tấn công bằng hỏa lực trực tiếp.

Phái bộ không nêu tên thủ phạm nhưng nhận định đây là một "cuộc tấn công phức tạp" và sẽ có thông tin cập nhật về thương vong.

Các chiến binh Hồi giáo, một số có liên kết với hai tổ chức khủng bố al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã tiến hành cuộc nổi dậy ở miền Bắc Mali từ năm 2012.

Bạo lực đã lan rộng khắp khu vực Sahel cận sa mạc Sahara và hơn thế nữa, bất chấp sự can thiệp của quân đội quốc tế để giúp quân đội địa phương chống trả.

Theo Liên hợp quốc, hàng nghìn người đã thiệt mạng và hơn 6 triệu người phải sơ tán vì giao tranh.

Ít nhất 309 nhân viên MINUSMA đã thiệt mạng ở Mali kể từ khi Phái bộ bắt đầu sứ mệnh ở quốc gia này vào năm 2013, trong đó 174 người chết vì các hành vi ác ý, khiến đây trở thành Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nguy hiểm nhất trên thế giới.

Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop đã khiến Hội đồng Bảo an choáng váng khi gọi sứ mệnh của Liên hợp quốc là một "thất bại" và kêu gọi chấm dứt sứ mệnh này ngay lập tức.

Ngày 30/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua việc chấm dứt sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Mali, theo đó nhất trí về một nghị quyết ngay lập tức kết thúc sứ mệnh của MINUSMA.

Mối quan hệ của Mali với Liên hợp quốc đã xấu đi nghiêm trọng kể từ cuộc đảo chính năm 2020 khiến một chế độ quân sự lên nắm quyền, chế độ này cũng cắt đứt hợp tác quốc phòng với Pháp.

Theo thông lệ của Liên hợp quốc, một nhiệm vụ gìn giữ hòa bình cần có sự chấp thuận của nước sở tại./.

(Vietnam+)