Kinh tế

Giá trị cà phê, hồ tiêu Đắk Nông tăng 30% nhờ liên kết

Thanh Nga 19/07/2023 06:28

Các mô hình liên kết sản xuất đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm cà phê, hồ tiêu ở Đắk Nông. Trong đó, có những mô hình giúp sản phẩm cà phê, hồ tiêu tăng giá trị lên tới 30%.

Đắk Nông hiện có 65 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thuộc 9 ngành hàng. Hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thu hút khoảng 9.660 hộ dân tham gia.

Cà phê là sản phẩm được liên kết khá sôi động. Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có 25 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê, trong đó 12 HTX, 13 doanh nghiệp, với khoảng 13.284 ha.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê hiện thu hút trên 7.690 hộ tham gia, với sản lượng 40.788 tấn/vụ, chiếm 12,8% sản lượng cà phê toàn tỉnh.

Nổi bật như Doanh nghiệp tư nhân Loan Hiệp (Đắk R’lấp) liên kết khoảng trên 400 hộ nông dân sản xuất với 1.059 ha cà phê, sản lượng khoảng 3.700 tấn mỗi năm.

Công ty TNHH Trang Thịnh Vinh (Đắk R’lấp) liên kết với 1.000 hộ nông dân trồng 2.000 ha cà phê, sản lượng mỗi năm khoảng 6.000 tấn.

Công ty TNHH Thắng Lợi (Gia Nghĩa) liên kết với 2.000 hộ trồng 3.000 ha cà phê, sản lượng khoảng 10.000 tấn/năm. HTX Công bằng Thuận An (Đắk Mil) liên kết với 180 hộ trồng 300 ha cà phê, sản lượng trên 387 tấn...

img_0049(1).jpg
HTX Công Bằng Thuận An nâng cao chất lượng cà phê ngay từ khâu chọn giống

Các hộ liên kết sản xuất cà phê đều được hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 100-500 đồng/kg.

Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX Công Bằng Thuận An cho biết, các thành viên liên kết với HTX khi bán cà phê đều có giá cao hơn thị trường 8.000 đồng/kg.

HTX còn liên kết với các công ty, doanh nghiệp để chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Nông dân đều được đặt hàng, định giá và ký kết thỏa thuận rõ ràng.

Đắk Nông hiện có 9 liên kết sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu, trong đó 2 tổ sản xuất, 4 HTX, 2 doanh nghiệp, với diện tích 1.630 ha. Các liên kết này thu hút 763 hộ tham gia, sản lượng 3.812 tấn, chiếm 3,5% sản lượng hồ tiêu của tỉnh.

img_0016(1).jpg
Nông dân Đắk Song trở thành thành viên HTX Hoàng Nguyên để trồng hồ tiêu hữu cơ 

Các đơn vị đi đầu trong liên kiết sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu chủ yếu ở Đắk Song như: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Trân Châu; Công ty SAM; HTX Hoàng Nguyên...

Những nông dân liên kết sản xuất hồ tiêu được hỗ trợ kỹ thuật, được thu mua sản phẩm với giá cao hơn 3.000 đồng/kg so với giá thị trường.

Ông Đoàn Văn Hoàn, thành viên HTX Hoàng Nguyên (Đắk Song) cho biết, tham gia liên kết trồng hồ tiêu giúp giá trị sản phẩm tăng cao.

Hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ được HTX mua cao hơn 1,5 lần so với hồ tiêu thông thường. Giá trị sản phẩm hồ tiêu tăng khoảng 30% so với trước.

Đắk Nông hiện có khoảng 140.000 ha cà phê, sản lượng khoảng 356.612 tấn/năm. Diện tích hồ tiêu của tỉnh hiện khoảng 33.985 ha, sản lượng khoảng 69.762 tấn/năm. Vùng sản xuất cà phê, hồ tiêu của Đắk Nông chủ yếu tập trung tại Đắk Song, Đắk Mil, Đắk R’lấp.

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm là hướng phát triển bền vững.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ giúp nông sản tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giúp nông dân giảm thiểu rủi ro trước diễn biến của thị trường. Nhiều sản phẩm liên kết đã tăng giá trị từ 10-30%.

Các cấp hội hông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan đẩy mạnh tập hợp nông dân tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Thanh Nga