Ngay sau bão số 1 sẽ xuất hiện bão số 2 trên Biển Đông

Chính sách - Ngày đăng : 22:18, 17/07/2023

Bão số 1 hoạt động trên dải hội tụ nhiệt đới, không phải cơn bão độc lập nên ngoài gây mưa trong thời điểm bão còn tiếp tục gây mưa sau hoàn lưu bão. Không loại trừ khi dải hội tụ nhiệt đới sau cơn bão số 1 có khả năng cuối tuần này hoặc đầu tuần sau có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão số 2 trên Biển Đông

Bão số 1 giật cấp 15, gây mưa lớn tới 400mm

Chiều 17/7, nhận định về diễn biến bão số 1, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 16 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 400 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 15. Bão số 1 được đánh giá là cơn bão mạnh trong những năm gần đây.

Do tác động của bão số 1, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 15. Biển động dữ dội.

Khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 13. Biển động dữ dội.

Từ gần sáng 18/7, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 9, giật cấp 11; khu vực các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 6 - 8 m.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, từ sáng 18/7, vùng biển Vịnh Bắc Bộ có sóng tăng dần, cao 2-4 m. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình sóng biển cao 2 - 3 m. Ven biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Hải Phòng có nước dâng do bão từ 0,4 - 0,6m. 

Nguy cơ ngập úng ở khu vực trũng thấp tại khu vực ven biển, cửa sông, sạt lở bờ biển do tác động kết hợp của triều cường, sóng lớn và nước dâng do bão vào chiều 18/7.

Từ đêm 17/7 đến ngày 19/7, ở khu vực Đông Bắc, các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm, cục bộ có nơi trên 400mm.

Khu vực Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc Bộ có mưa to với tổng lượng mưa từ 100-200mm, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-120mm. Đề phòng mưa với cường suất lớn gây ngập úng đô thị.

Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Các khu vực như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái và Thanh Hóa, phía Tây Nghệ An cần đề phòng dông lốc.

Ngày 18/7, bão sẽ tác động tới khu vực vịnh Bắc Bộ và đất liền, chiều tối và đêm 18/7, khi bão đi sâu vào đất liền có khả năng sẽ suy yếu nhưng vẫn gây gió mạnh, mưa trong đêm 18 và ngày 19/7.

Cùng với đó, từ ngày 18/7 đến ngày 20/7, trên các sông suối thuộc khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3 - 5m ở thượng lưu, từ 2 - 4m ở hạ lưu. 

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông Thương, Lục Nam có khả năng đạt mức báo động 1 - báo động 2; đỉnh lũ khu vực thượng lưu và các sông suối nhỏ thuộc sông Đà, Thao, Lô lên mức báo động 1 và trên báo động 1.

Các sông suối nhỏ khu vực các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh có khả năng xuất hiện lũ cục bộ. Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh vùng núi, trung du phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên và Thanh Hóa. 

Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ tại các khu đô thị đặc biệt ở các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang Thái Nguyên.

Bão số 1 không tác động trực tiếp đến khu vực Hà Nội; sắp xuất hiện bão số 2

"Bão số 1 không tác động trực tiếp đến khu vực Hà Nội, khu vực này chỉ ảnh hưởng bởi những hiện tượng dông lốc từ xa và xuất hiện mưa lớn. Ngoài ra, bão số 1 hoạt động trên dải hội tụ nhiệt đới, không phải cơn bão độc lập nên ngoài gây mưa trong thời điểm bão còn tiếp tục gây mưa sau hoàn lưu bão. 

Không loại trừ khi dải hội tụ nhiệt đới sau cơn bão số 1 có khả năng cuối tuần này hoặc đầu tuần sau có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão số 2 trên Biển Đông", ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý.

Trưởng Phòng Dự báo thời tiết Nguyễn Văn Hưởng cho biết thêm, hiện tại do tác động của Elnino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương), số lượng bão hoạt động trên Biển Đông cũng như tác động đến đất liền Việt Nam ít hơn so với trung bình nhiều năm. 

Tuy nhiên, theo thống kê, những năm chịu ảnh hưởng của Elnino là những năm có các cơn bão mạnh, đường đi phức tạp, mưa lớn xảy ra cực đoan.

Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền

Trước tác động của bão gây gió mạnh, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, nguy cơ ngập lụt đô thị..., ông Nguyễn Văn Hưởng khuyến cáo, người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực.

Chính quyền, các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai bằng các hình thức khác nhau; vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, sóng to, gió lớn.

Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương; cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó./.