Tổ chức các hoạt động tại Côn Đảo nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ trang trọng, ý nghĩa
Từ 17 đến 20/7, diễn ra chuỗi các hoạt động tại Côn Đảo nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023). Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Phóng viên: Thưa ông, nhằm bảo đảm các hoạt động của Lễ kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tại Côn Đảo diễn ra trang trọng, ý nghĩa, đến thời điểm này, công tác tổ chức, chuẩn bị đã được triển khai như thế nào?
- Đến thời điểm này, về cơ bản Bà Rịa-Vũng Tàu đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho các sự kiện diễn ra tại Côn Đảo nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Dự kiến sẽ có khoảng 500 đại biểu khách mời tham dự chương trình kỷ niệm tại Côn Đảo, trong đó có 76 cựu tù Côn Đảo đang sinh sống tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Đây là một trong những hoạt động trọng tâm, có ý nghĩa chính trị to lớn nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đặc biệt là tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã nằm lại ở Côn Đảo qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước và tri ân các cựu tù Côn Đảo, vì vậy công tác chuẩn bị được thực hiện chu đáo, chặt chẽ.
Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tỉnh (gọi tắt là BCĐ 965) và các tổ giúp việc cho BCĐ như tổ nội dung, tổ tuyên truyền, tổ lễ tân - hậu cần với sự tham gia của các sở, ban, ngành và khoảng 300 đoàn viên thanh niên. Các thành viên BCĐ, tổ công tác trên cơ sở kế hoạch chung của BCĐ, đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện đúng nội dung, đúng tiến độ.
Dịp này Côn Đảo cũng sẽ đón nhiều người dân và du khách cùng tham gia chương trình, vì vậy, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế, điện - nước... được các lực lượng chức năng chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt trước, trong và sau những ngày diễn ra các hoạt động.
Đêm 19/7, Côn Đảo sẽ là 1 trong 2 điểm cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bản hùng ca bất diệt” và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương. Ông cho biết về quy mô, sức lan tỏa của chương trình?
- Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo và Tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ A1, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên là 2 địa điểm được chọn tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bản hùng ca bất diệt”. Tại điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương dự kiến có 500 đại biểu khách mời cùng nhiều người dân và du khách tham dự chương trình. Chương trình dự kiến kéo dài trong 90 phút, được phát trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh truyền hình tỉnh (BRT) và các đài Phát thanh truyền hình địa phương.
Trước khi chương trình nghệ thuật diễn ra, lãnh đạo Trung ương và địa phương, đại biểu, khách mời sẽ tham dự chương trình thắp nến tri ân tại phần mộ của các anh hùng liệt sĩ đang an nghỉ trong Nghĩa trang Hàng Dương.
Đây là chương trình lớn, do Bộ VH-TT-DL chủ trì phối hợp với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Điện Biên tổ chức. Vì vậy, chương trình có quy mô lớn, là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, điểm nhấn của cả nước nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Do được phát sóng trực tiếp trên các Đài Phát thanh truyền hình địa phương, nên sức lan tỏa của chương trình là rất rộng lớn. Không chỉ thu hút sự quan tâm, theo dõi của người dân Bà Rịa-Vũng Tàu, người dân cả nước mà còn có cả kiều bào, du khách và người nước ngoài.
Nhân dịp này, tỉnh còn có những hoạt động chăm lo gì cho các cựu tù Côn Đảo?
- Nằm trong chuỗi sự kiện của hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tại Côn Đảo dịp này, tỉnh đã mời các cựu tù Côn Đảo đang sinh sống tại các tỉnh, thành trong cả nước về dự chương trình gặp gỡ, dự kiến diễn ra vào chiều 19/7. Đồng thời, Đoàn lãnh đạo Trung ương, địa phương sẽ đến thăm, tặng quà gia đình cựu tù đang sinh sống tại Côn Đảo.
Côn Đảo từng được ví là “địa ngục trần gian” giam cầm hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng yêu nước. Trong nhiều năm qua, cùng với cả nước, Bà Rịa-Vũng Tàu đã quan tâm, chăm lo cho các cựu tù Côn Đảo nhằm phần nào tri ân, đền đáp sự hy sinh của các cựu tù qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước.
Theo Kế hoạch, các hoạt động trên sẽ diễn ra từ ngày 17 - 20/7/2023 với sự tham gia của khoảng 500 đại biểu khách mời là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Long An); các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh; Ban Chấp hành Đảng bộ, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương thuộc tỉnh; cựu tù chính trị Côn Đảo...
Xin ông nói thêm về ý nghĩa của chuỗi các hoạt động tại Côn Đảo nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ?
- Chuỗi hoạt động kỷ niệm được tổ chức dịp này nhằm tuyên truyền sâu rộng, làm cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sĩ và sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, đồng bào, chiến sĩ trong công cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là các chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước sống, chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất thiêng liêng Côn Đảo.
Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm nhằm tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của huyện Côn Đảo; giá trị lịch sử của Khu di tích quốc gia đặc biệt - Nhà tù Côn Đảo.
Trân trọng cảm ơn ông!