Thể thao 360

HCV 4x400 m nữ: Tuyệt chiêu chiến thuật đưa điền kinh Việt Nam lên đỉnh cao châu Á

Hoàng Quỳnh 17/07/2023 06:30

So với SEA Games 32, đội tiếp sức 4x400 m điền kinh Việt Nam có sự xáo trộn đội hình ở giải điền kinh vô địch châu Á và thành công rực rỡ với tấm HCV quý giá.

Cận cảnh phần thi chạy kịch tính giúp điền kinh Việt Nam giành HCV châu Á nội dung 4x400 m

Ở chung kết nội dung tiếp sức 4x400 m nữ giải điền kinh vô địch châu Á 2023 diễn ra chiều nay (16.7) tại Thái Lan, lần lượt Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng hoàn thành xuất sắc lượt chạy của mình, qua đó giúp điền kinh Việt Nam đánh bại các đối thủ Nhật Bản, Ấn Độ, Sri Lanka để đoạt HCV.

1.jpg
Nguyễn Thị Huyền đôn lên chạy lượt thứ ba ở chung kết 4x400 m nữ điền kinh châu Á 2023

Đáng chú ý, so với đội hình thi đấu ở SEA Games 32, đội tiếp sức 4x400 m nữ Việt Nam có sự xáo trộn khi giữ nguyên 2 lượt chạy đầu, lần lượt là Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh nhưng Nguyễn Thị Huyền được đôn lên chạy ở lượt ba còn Nguyễn Thị Hằng xuống chạy lượt cuối.

"Theo tôi, Ban huấn luyện xếp Nguyễn Thị Huyền nhận nhiệm vụ ở lượt chạy thứ ba còn Nguyễn Thị Hằng chạy lượt cuối là sự thay đổi hợp lý so với SEA Games 32. Bởi lẽ một ngày trước chung kết 4x400 m nữ, Nguyễn Thị Huyền thi đấu chưa tốt ở nội dung 400 m rào, điều này dễ ảnh hưởng đến tâm lý của cô và dễ bị áp lực đè nặng nếu chạy lượt cuối mang tính chất quyết định. Nguyễn Thị Hằng trẻ hơn nhưng cũng đã chín mùi và đầy bản lĩnh còn 2 gương mặt chạy đầu còn trẻ có sức bộc phá", cựu HLV tuyển điền kinh Việt Nam, ông Dương Đức Thủy cho biết.

2.jpg
Nguyễn Thị Hằng đáp lại kỳ vọng khi chạy lượt cuối quyết định mang về cho điền kinh Việt Nam tấm HCV quý giá tại Thái Lan

Diễn biến chung kết nội dung tiếp sức 4x400 m nữ giải vô địch châu Á 2023 đầy hấp dẫn. Chân chạy sinh năm 2002 Nguyễn Thị Ngọc lĩnh ấn tiên phong nhưng phải bám đuổi các đối thủ, trong đó VĐV Nhật Bản Haruna bung sức mạnh mẽ. Ở lượt chạy thứ hai, chân chạy sinh năm 1999 Hoàng Thị Minh Hạnh nỗ lực thu ngắn cách biệt so với các đối thủ. Đến lượt chạy thứ ba, bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền gắng sức từ đầu đến gần cuối mới vượt lên trước đối thủ Nhật Bản. Nguyễn Thị Hằng nắm bắt lợi thế mà đàn chị tạo ra, duy trì guồng chân mạnh mẽ để băng băng về đích đầu tiên. Vì quá gắng sức đuổi theo Nguyễn Thị Hằng nhưng không thành công nên Yamamoto Ami (Nhật Bản) hụt hơi, rớt xuống hạng tư còn đội Sri Lanka lên hạng nhì, Ấn Độ hạng ba.

3.jpg
Hai gương mặt trẻ Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh phối hợp ăn ý
4.jpeg
Tuyệt vời các cô gái Việt Nam
5.jpeg
5.jpeg
6.jpeg

Đây không phải lần đầu đội tiếp sức 4x400 m nữ điền kinh Việt Nam đoạt HCV châu Á. Năm 2017, Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Hoàng Thị Ngọc, Nguyễn Thị Huyền từng đoạt HCV. Tuy nhiên thành tích mà 4 cô gái vàng điền kinh Việt Nam đạt được lần này rất ấn tượng. Thông số 3 phút 32 giây 36 là thành tích tốt nhất của đội tiếp sức 4x400 m nữ Việt Nam từ trước đến nay, vượt thành tích HCV SEA Games 32 (3 phút 33 giây 05), lẫn thành tích HCV châu Á năm 2017 (3 phút 33 giây 22). Đây là thông số thành tích mà đội tiếp sức 4x400 m nữ Việt Nam trở thành đối thủ đáng gờm cạnh tranh HCV ở ASIAD 19 vào tháng 9 tới tại Hàng Châu (Trung Quốc).

Hoàng Quỳnh