Đề xuất sửa đổi quy định về hình xăm trên cơ thể, chống lợi dụng để trốn tránh nghĩa vụ quân sự
Chính sách - Ngày đăng : 23:51, 14/07/2023
Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung: “Đề nghị rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản có liên quan để bổ sung quy định chi tiết việc cấm xăm hình tại các vùng hở trên cơ thể, các loại hình xăm đối với thanh niên trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự khi chưa thực hiện khám nghĩa vụ quân sự”.
Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau:
Quy định về hình xăm, chữ xăm khi xét duyệt tiêu chuẩn tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ vào phục vụ trong Quân đội được quy định tại Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15/4/2016 của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Vỉệt Nam, theo đó, tại khoản 9 Điều 5 quy định không tuyển chọn vào phục vụ trong Quân đội những trường hợp sau:
“Trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực. Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở vị trí lộ diện, như: Mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống. Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên.”
Như vậy, những quy định về hình xăm, chữ xăm trên cơ thể là một trong những nội dung thuộc tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức trong công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ.
Hằng năm, Bộ Quốc phòng đều có hướng dẫn cụ thể; theo đó, không tuyển chọn vào phục vụ trong Quân đội những công dân trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm dưới da (làm thay đổi sắc tố da, không thể tẩy xóa) có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ qụái, kích động tình dục, bạo lực; phản ánh về các tôn giáo, tín ngưỡng; không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, văn hóa dân tộc, con người Việt Nam; thể hiện tư tưởng thiếu niềm tin, bi quan, tiêu cực bế tắc trong cuộc sống, mê tín dị đoan hoặc mang biểu tượng của các tổ chức, đảng phái phản động, lực lượng vũ trang nước ngoài; ở những vị trí lộ diện, như: Mặt, đầu, cổ, từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống; chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên.
Nếu để những công dân có hình xăm, chữ xăm nêu trên nhập ngũ vào Quân đội sẽ gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh, lễ tiết tác phong của người quân nhân cách mạng.
Đối với công dân có hình xăm, chữ xăm không thuộc các quy định nêu trên hoặc có thể tẩy xóa, không ảnh hưởng đến lễ tiết, tác phong của quân nhân, việc thực hiện nền nếp chính quy, xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội, thì vẫn được xem xét tuyển chọn vào phục vụ trong Quân đội.
Hiện tại không có quy định của pháp luật về cấm công dân xăm hình, xăm chữ trên cơ thể, các loại hình xăm đối với thanh niên trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự khi chưa thực hiện khám nghĩa vụ quân sự.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về hình xăm trên cơ thể, chống lợi dụng việc xăm hình để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo đảm công bằng xã hội, đồng thời đảm bảo nguồn, chất lượng công dân nhập ngũ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.