Ông Putin tái khẳng định lập trường cứng rắn về Thỏa thuận ngũ cốc
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 18:21, 14/07/2023
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin mới đây cho biết Nga sẽ rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc hiện tại trừ khi các yêu cầu của nước này được đáp ứng, qua đó tái khẳng định lập trường "cứng rắn" của Nga trước khi thỏa thuận trên hết hạn vào ngày 17/7 tới.
Ông Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận nhằm tiếp tục hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực này.
Ông Putin nói: “Chúng ta sẵn sàng xem xét vấn đề gia hạn Thỏa thuận ngũ cốc, nhưng chỉ sau khi tất cả những lời hứa mà các đối tác đưa ra cho chúng ta được thực hiện.”
Một người phát ngôn của Điện Kremlin sau đó đã nói rõ rằng Nga vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc hay không.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho biết ông chưa nghe thấy bất kỳ đề xuất mới nào liên quan đến Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, nhưng Nga đang trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ về các cách để đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc của Nga bất kể thỏa thuận nào được ký kết.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề xuất với Tổng thống Vladimir Putin gia hạn thỏa thuận trên để đổi lấy việc kết nối một công ty con của Ngân hàng Nông nghiệp Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Nga đã cảnh báo từ bỏ Thỏa thuận ngũ cốc do các yêu cầu để đảm bảo vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga không được đáp ứng.
Hai con tàu cuối cùng theo thỏa thuận Biển Đen hiện đang bốc hàng tại cảng Odessa của Ukraine trước thời hạn chót nêu trên.
Về mặt chính thức, Thỏa thuận ngũ cốc sẽ hết hiệu lực ngày 17/7 tới nhưng trước đó có thông tin nói rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự định gia hạn thỏa thuận thêm hai năm.
Đồng thời, cũng có thông tin nói rằng nếu Nga từ chối thỏa thuận, các tàu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hộ tống các tàu chở ngũ cốc, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chưa chính thức xác nhận ý định này.
Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vào tháng 7/2022 để cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu không trở nên tồi tệ hơn do xung đột ở Ukraine.
Để thuyết phục Nga đồng ý với sáng kiến này, một thỏa thuận ba năm cũng đã được ký kết vào tháng 7/2022, trong đó Liên hợp quốc đồng ý giúp Nga khắc phục trở ngại để xuất khẩu nông sản và phân bón./.