Tự do dân chủ Việt Nam nhìn từ những cuộc “bát phố” của các nguyên thủ
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:26, 14/07/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken thăm chính thức Việt Nam trong tháng 4/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Hình ảnh lãnh đạo cấp cao của một nước lớn, thoải mái thong dong đi dạo trên phố phường Việt Nam, ghé vào quán xá ven đường thưởng thức ẩm thực đường phố... từ lâu đã không có gì mới mẻ hay lạ lẫm với người Việt Nam.
Ngay cả trên các phương tiện thông tin đại chúng thế giới giờ đây, những hình ảnh đó cũng là rất đỗi "bình thường...'
Những bữa ăn ngon miệng và giản dị trong không khí bình yên
Giữa tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm Việt Nam lần đầu trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao của Mỹ. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện.
Dù lịch trình làm việc dày đặc, tối 15/4, ông Blinken vẫn có một khoảng thời gian thư giãn để đi dạo và ăn tối tại Hà Nội. Ông vào quán nhạc jazz Bình Minh ở số 1 Tràng Tiền, cùng thưởng thức âm nhạc với một người bạn vong niên, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh.
Sau đó, ông cùng một nhóm thân tín, dùng bữa tối tại quán Cơm Tay Cầm tọa lạc ở một con ngõ nhỏ gần Nhà hát Lớn Hà Nội, ngõ Tràng Tiền. Một thực đơn đậm chất địa phương với nem tôm, cơm trắng, tôm rim nước dừa, được chính vị Ngoại trưởng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ chọn và đặt trước. Ngoài ra ông Blinken còn chủ động gọi thêm các món khác khi trực tiếp thưởng thức tại nhà hàng…
Những trải nghiệm này sau đó được ông viết trên Twitte: “Bạn không thể không thử ẩm thực Việt khi thăm Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam có những hương vị rất tươi mới và chúng ta đã thấy ảnh hưởng của nó trên nhiều nhà hàng ở khắp nước Mỹ. Cảm ơn Cơm Tay Cầm đã cho tôi được nếm thử đồ ăn tuyệt vời của các bạn…”
“Quá ngon!”- đó là nhận xét của ông Blinken về bữa ăn đó, bằng tiếng Việt!
Bài đăng trên mạng xã hội Twitter của ông Blinken sau bữa ăn ở nhà hàng Việt Nam. (Nguồn: Tài khoản Twitter nhân vật)
Có thể nói rằng, việc một lãnh đạo cấp cao của một nước lớn, thoải mái thong dong trên phố phường Việt Nam, thưởng thức ẩm thực đường phố như ông Blinken không có gì mới mẻ hay khác lạ với người Việt Nam.
Ba thập kỷ trước, năm 1993, lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia phương Tây đến Việt Nam kể từ sau năm 1975- tổng thống Pháp Francois Mitterrand cũng đã dạo quanh khu phố cổ Hà Nội, giữa những người dân Hà Nội, không bị ngăn cách bởi quá nhiều cảnh vệ…
Mùa Hạ năm 2016, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khiến cả thế giới ‘phát sốt” với hình ảnh bận áo sơ mi, ngồi trên một chiếc ghế nhựa xanh đặc trưng của các quán ăn đường phố Hà Nội, bên cạnh một chiếc bàn thấp đặt hai suất bún chả đầy đặn và bắt mắt – món ăn dân dã đặc hương vị Việt Nam, và cụng bia với vị đầu bếp lừng danh Bourdain.
Bức ảnh được đầu bếp Anthony Bourdain đăng trên Twitter của mình vào đêm 23/5/2016 (Nguồn: Tài khoản Twitter nhân vật)
Hình ảnh về bữa trưa của vị Tổng thống Mỹ tại quán bún chả Hương Liên- một quán ăn nhỏ bình dân trên phố Lê Văn Hưu, Hà Nội đã là tâm điểm bàn tán đầy thú vị trong một thời gian dài. Nhiều người nước ngoài khi thấy những hình ảnh đó đã đặt ra hàng loạt câu hỏi như là: Vì sao ẩm thực Việt Nam có thể cân đối hài hòa như thế, không chỉ bởi thành phần của món ăn mà còn bởi cách thức người ta bày biện món ăn? Tại sao thực khách bên cạnh có thể điềm nhiên thưởng thức bữa ăn của mình, không căng thẳng, sợ sệt hay bận tâm lắm tới việc ông Tây - lãnh đạo một siêu cường của thế giới đang dùng bữa ngay bên cạnh…
Trong bữa ăn này, ông Obama đã dùng 1 cú đúp- có nghĩa là hẳn 2 suất bún chả, điều đó có nghĩa là, chẳng cần phải bình luận thêm về món ăn này đã để lại ấn tượng thế nào cho vị Tổng thống Hoa Kỳ.
“Không khí vỉa hè" đặc trưng khiến các VIP đều "phải lòng"
Đầu năm 2016, những ngày cận Tết Nguyên đán Bính Thân, một đoạn video được chia sẻ khắp nơi về chuyến “Hà Nội tour ” đầy thú vị của các Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu, Pháp, Anh và Romania.
Bắt đầu từ cảnh Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet, Đại sứ Anh Giles Lever, Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier và Đại sứ Romania Valeriu Arteni thân mật ngồi bên nhau và cùng cùng thưởng thức những tô phở nóng hổi… Sau đó là cảnh các lãnh đạo cấp cao của châu Âu đi dạo trên đường phố, ghé vào gánh hàng hoa chọn hoa ly, hoa đào và mặc cả trả giá với những người bán hàng…
Các vị Đại sứ tới từ châu Âu thưởng thức phở trên vỉa hè ở Hà Nội. (Nguồn: Ảnh chụp từ video liên quan)
Đáng chú ý là video này do chính các vị Đại sứ công bố, và nhanh chóng có số lượng yêu thích (like) và chia sẻ (share) cùng những bình luận (comment) vô cùng lớn. Hầu hết các bình luận đều rất tích cực. Khán giả đánh giá các đại sứ rất gần gũi và giản dị. Nhận định rằng cuộc sống Việt Nam thật sự yên bình và có sức hấp dẫn đặc biệt.
Cùng năm 2016, trong khuôn khổ chuyến công du Việt Nam, Hoàng tử Anh William đã cuộc đi dạo quanh khu phố cổ trung tâm Hà Nội. Giữa cuộc 'bát phố' vị Hoàng tử đẹp trai và đầy quyền uy ghé vào một tiệm cà phê vỉa hè ở phố Thuốc Bắc. Bên ly cà phê thơm, Hoàng tử William đã có cuộc trò chuyện thân mật với ca sĩ Hồng Nhung, nhạc sĩ Thanh Bùi và diễn viên Xuân Bắc...rồi sau đó lại tiếp tục thư giãn tản bộ tham quan đền Ngọc Sơn.
Tháng 11 năm 2017, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Và người dân ở thành phố miền Trung tuyệt đẹp của Việt Nam đã được chứng kiến cảnh các quan chức cấp cao của thế giới đầy thân thiện, gần gũi ngồi bên vỉa hè thưởng thứcmột món ăn đường phố giữa những người dân lao động.
Độc giả thế giới khi đó cũng thực sự thú vị khi được xem hình ảnh lan tỏa về sự hào hứng của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull khi ông nếm thử một ổ bánh mì kẹp thịt có giá 10.000 đồng của một hàng bán rong ngoài phố …
Cũng dịp đó, vài ngày sau tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng có “màn gây bão” khi ông ghé đến quán Vy ở đường Lê Thánh Tôn, Quận 1 và uống cà phê cùng ông Nguyễn Công Hiệp - cựu nhân viên Tổng Lãnh sự quán Canada tại TP. HCM. Truyền thông nói rằng ông Trudeau đã dùng cà phê loại Moka Robusta có giá 30.000 đồng/ly và cũng giống Hoàng tử William, ông thoải mái ngồi uống ở vỉa hè như nhiều thực khách khác. Buổi tối hôm đó, người ta còn thấy ông Trudeau thoải mái mặc đồ thể thao ra chạy bộ dọc theo bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Hình ảnh những nguyên thủ, chính khách cấp cao của các cường quốc hàng đầu thế giới tận hưởng sự thanh bình ở Việt Nam, dù là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng hay bất cứ một địa danh nào của Việt Nam không chỉ cho thấy sức hút của ẩm thực hay văn hóa đường phố Việt Nam, mà còn chứng tỏ rằng Việt Nam là một đất nước hết sức an toàn và tự do.
Quang cảnh đại lễ Phật đản Phật lịch 2566 tại Tổ đình Từ Đàm, thành phố Huế. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Sự ổn định chính trị trên dải đất hình chữ S, bầu không khí dân chủ cởi mở, cũng như thái độ chân thành, thân thiện của người dân Việt Nam không kể giàu nghèo, không phân biệt tôn giáo, giới tính, lứa tuổi… chắc chắn là lý do khiến tất cả các vị khách đến nơi đây, từ thường dân tới quan chức cấp cao, đều có thể thoải mái khám phá ẩm thực cũng như văn hóa bản địa.
Những đặc điểm này chắc chắn không thể có tại một đất nước mất tự do, dân chủ, nhân quyền như các cáo buộc nêu ra trong Báo cáo Nhân quyền Thường niên năm 2022 mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hồi tháng 3/2023 năm nay. Tương tự, các thông tin sai, thiếu khách quan do không có đầy đủ thông tin hoặc do sự phiến diện của nguồn cung cấp thông tin cũng dẫn đến sự nhìn nhận đánh giá không đúng thực tế về tự do tôn giáo ở Việt Nam trong Báo cáo Thường niên về tình hình Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2023 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ và Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2022 được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tháng 5/2023 vừa qua.
Vòm xanh, hoa lá tươi thắm là từ gốc rễ
Vậy từ đâu Việt Nam đã xây dựng được sự tự do dân chủ, sự bình yên như một vòm cây xanh mát lá và rực rỡ thắm tươi hoa mà thế giới đã thấy?
Chắc chắn không thể chỉ là một hoạt cảnh được vẽ ra, không phải là một cây mô hình dựng lên vội vã, đó là một cây cổ thụ vững trãi được gieo trồng từ hạt mầm tự do dân chủ, trên mảnh đất tự do dân chủ và được chăm tưới bởi nền tảng của sự tự do dân chủ.
Không khí cuộc sống hôm nay là kết quả của sự kết hợp của nhiều đường lối, chính sách mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã triển khai từ khi lập quốc.
Trước tiên, đó là tinh thần chú trọng xây dựng khối đoàn kết các dân tộc.
Là một quốc gia đa dân tộc, ngay từ đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng từ “Khối Đoàn kết các dân tộc” như một kim chỉ nam, làm nền tảng tạo nên sức mạnh và đặt nền móng cho sự ổn định đất nước.
Nhân dân bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng vui mừng chào đón Bác Hồ về thăm, ngày 20/2/1961. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Cả 54 dân tộc của Việt Nam dù mang những đặc điểm văn hóa khác nhau nhưng luôn “như cây một cội, như con một nhà”, tương thân, tương ái giúp nhau cùng phát triển, xây dựng một quốc gia vững mạnh.
Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước nâng cao chất lượng sống, kiến tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, theo tinh thần nhất quán “không để ai bị bỏ lại phía sau.”
Nhân dân cũng được khuyến khích nêu cao tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Nhờ vậy, người dân cả nước đã xây dựng một hình ảnh Việt Nam vô cùng đặc biệt, trong đó đồng bào cũng chính là những người tự nguyện góp sức, góp của tạo ra nhiều đoàn thiện nguyện tiến lên vùng cao, vùng sâu, vùng khó cùng chính quyền địa phương giúp dân làm đường, xây trường, xây trạm... Một Việt Nam sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với nhau, khi từng đoàn xe chở nhu yếu phẩm đổ về miền Trung ruột thịt trong những đợt bão lũ căng thẳng. Một Việt Nam đoàn kết chống dịch như chống giặc, mà đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần làm “phên dậu” ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh ngay từ biên giới Tổ quốc. Nhờ đó, Việt Nam là quốc gia sớm đẩy lùi sự phát triển mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19 ở giai đoạn đầu.
Một Việt Nam tin theo Đảng, tin vào chính sách của Nhà nước nên mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù đều lần lượt thất bại. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là những người quan trọng trong mắt xích bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân, chống lại âm mưu chia rẽ dân tộc của kẻ thù…
Ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc Việt Nam một lần nữa, được thể hiện sâu đậm trong Quyết tâm thư của Đại hội các Dân tộc Thiểu số (DTTS) lần thứ II diễn ra từ ngày 3-4/12/2020 tại Hà Nội. Trong đó nêu rõ rằng đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức rõ đại đoàn kết toàn dân tộc là một truyền thống tốt đẹp và quý báu, là động lực cũng như yếu tố quyết định, bảo đảm cho sự thắng lợi và phát triển bền vững đất nước.
Xây dựng, củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ ở vấn đề đoàn kết giữa các dân tộc mà mở rộng hơn: sự đoàn kết nhân dân và giai cấp!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Người chỉ rõ, sức mạnh lớn nhất là ở nhân dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Các y, bác sĩ lên đường chi viện phòng, chống dịch COVID-19 cho TP.HCM. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi, làm nên dấu ấn quan trọng của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, vận dụng thành công trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua các thời kỳ cách mạng, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Đảng luôn xác định, “đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh.
Ngày hôm nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định đại đoàn kết toàn dân tộc không đơn thuần chỉ là để giữ vững ổn định chính trị-xã hội. Điều quan trọng hơn, đại đoàn kết toàn dân tộc để giúp khai thác, phát huy mọi nguồn lực vật chất và tinh thần của cả dân tộc, phát huy và nhân lên các thế mạnh, tạo thành sức mạnh tổng hợp quốc gia to lớn vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng một đất nước Việt Nam vững mạnh hùng cường.
Con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước.
Nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, thúc đẩy quyền thụ hưởng của người dân, tôn trọng, thực thi, bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được khởi đầu từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1945, khi lập quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng xây dựng một nhà nước kiểu mới, đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt: Nhà nước của dân, do dân, vì dân!
Tuy Ngày Nhân quyền thế giới bắt đầu có từ 10/12/1948 nhưng quyền con người, quyền công dân của người dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được hiến định tại Hiến pháp 1946 và tiếp tục được bổ sung rõ ràng hơn, đầy đủ hơn tại các Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và nhất là tại Hiến pháp 2013.
Tại Khoản 2 Điều 2 Hiến pháp 2013 quy định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Hỗ trợ gạo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19 ở Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Quan điểm chủ trương xuyện suốt này được khẳng định một lần nữa ở Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 về Cải cách hành chính hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, mục tiêu là tạo ra thể chế quản trị hiệu quả, một chính phủ mạnh, một nền công vụ chuyên nghiệp, gọn nhẹ, minh bạch, luôn sáng tạo và lấy sự công hiến, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc làm chính, một chính phủ thân thiện, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.
Là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Các quyền này cũng được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Việt Nam là đất nước có chủ quyền, có Hiến pháp và pháp luật Quyền công dân được quy định trong Hiến pháp Việt Nam ghi rõ: Khả năng tự do lựa chọn hành vi của công dân mà nhà nước phải bảo đảm khi công dân yêu cầu, bao gồm các quyền về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và các quyền tự do cá nhân. Theo Hiến pháp Việt Nam, tất cả mọi người phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật. Bất cứ ai vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý tương ứng. Nhưng không ai bị bắt giữ, xét xử vì thực hiện các quyền con người một cách chính đáng.
Thúc đẩy nhân quyền trên thế giới.
Tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không chỉ đảm bảo Quyền công dân của người Việt Nam mà đã mở rộng để bảo vệ một số quyền của công dân nước ngoài. Điều 82 Hiếp pháp Việt Nam ghi "Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hòa bình, hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem xét việc cho cư trú."
Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về Quyền con Người. Việt Nam cũng phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng, chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức…
Kể từ khi Hội đồng Nhân quyền LHQ được thành lập, Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của cơ quan này. Dấu ấn đậm nét phải kể đến là việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Trước đó, ngày 12/11/2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số 14 nước thành viên mới được bầu vào năm đó.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Trụ sở Liên Hợp quốc ở New York, Mỹ. (Ảnh: TTXVN phát)
Tại cuộc bầu cử Hội đồng Nhân quyền LHQ gần đây nhất (nhiệm kỳ 2023-2025) Việt Nam tiếp tục được bầu vào cơ quan quan trọng này với số phiếu tín nhiệm cao, bất chấp sự cạnh tranh gay gắt. Việt Nam tham gia ứng cử với sự ủng hộ tuyệt đối của các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đảm nhiệm vai trò ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này, đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.
Với việc lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sau nhiệm kỳ được đánh giá cao của lần đầu tiên tham gia Hội đồng Nhân quyền giai đoạn 2014-2016 cũng như những thành quả tích cực của Việt Nam- đã được thế giới công nhận tại nhiệm kỳ Ủy viên Không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021- là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng…
Đây cũng là bằng chứng rõ ràng về những nỗ lực tích cực và hiệu quả của Việt Nam trong việc xây dựng sự đoàn kết, tự do và nhân quyền trong đất nước từ chiến lược từ đầu, nhất quán, dài hạn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam đem lại thành quả một nước Việt Nam có nền tảng chính trị xã hội hết sức ổn định, nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no, Hạnh phúc. Một Việt Nam an toàn, thân thiện và lôi cuốn bởi văn hóa truyền thống độc đáo, đa sắc màu trên nhiều bình diện-nơi đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra những khoảnh khắc tuyệt vời thú vị của các nguyên thủ thế giới.../.