Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng cấm nhập khẩu hải sản

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 10:37, 13/07/2023

Lo ngại về việc Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy Fukushima ra biển, Trung Quốc, Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đã có những thông báo cấm nhập khẩu hải sản từ một số tỉnh của nước này.
Nhat Ban dang doi mat voi lan song cam nhap khau hai san hinh anh 1Hải sản đánh bắt từ bờ biển Fukushima được bày bán tại chợ cá ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 12/7, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ cấm ngay lập tức việc nhập khẩu hải sản từ 10 quận gồm Tokyo, Fukushima, Chiba, Tochigi, Ibaraki, Gunma, Miyagi, Niigata, Nagano và Saitama, một khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Danh sách sản phẩm cấm nhập khẩu bao gồm tất cả các loại hải sản sống, đông lạnh, làm lạnh, sấy khô hoặc bảo quản khác, muối biển và rong biển sống hoặc đã qua chế biến.

Động thái trên của chính quyền đặc khu là để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, đồng thời dựa trên nguyên tắc phòng ngừa.

Cũng trong ngày 12/7, Tổng Thư ký Hành chính Trần Quốc Cơ và Cục trưởng Môi trường và Sinh thái Tạ Triển Hoàn đã gặp Tổng Lãnh sự Nhật Bản Kenichi Okada cùng các quan chức Nhật Bản có liên quan, nhắc lại với Tokyo rằng trước khi cộng đồng quốc tế đạt được sự đồng thuận, phía Nhật Bản không nên đơn phương xả nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển để tránh những tác động không thể khắc phục đối với môi trường.

Nhóm công tác liên ngành của chính quyền đặc khu Hong Kong đã xem xét nội dung báo cáo tóm tắt của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các thông tin liên quan do phía Nhật Bản cung cấp.

Sau khi xem xét nội dung của báo cáo tóm tắt, thông tin do Tokyo cung cấp, ý kiến của các chuyên gia và đánh giá rủi ro, chính quyền đặc khu cho rằng không có gì đảm bảo thiết bị lọc có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả trong thời gian dài sau khi phía Nhật Bản bắt đầu kế hoạch xả nước thải và kế hoạch này không gây ra bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào đối với an toàn thực phẩm hoặc hệ sinh thái biển.

Trước đó ngày 7/7, hải quan Trung Quốc cho biết nước này sẽ cấm nhập khẩu thực phẩm từ một số tỉnh của Nhật Bản vì lý do an toàn. Động thái này được đưa ra sau khi Nhật Bản thông báo kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển.

Trung Quốc, nước mua hải sản xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản, cho biết nước này cũng sẽ xem xét nghiêm ngặt các giấy tờ đối với thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm hải sản, từ các vùng khác của Nhật Bản.

Hải quan Trung Quốc cho biết cơ quan này sẽ liên tục tăng cường giám sát và kiểm nghiệm nghiêm ngặt nồng độ phóng xạ để đảm bảo an toàn thực phẩm nhập khẩu từ 10 tỉnh trong diện bị cấm của Nhật Bản. Trung Quốc cho biết động thái này nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu thực phẩm nhiễm phóng xạ của Nhật Bản sang Trung Quốc, đồng thời bảo vệ an toàn thực phẩm nhập khẩu cho người tiêu dùng Trung Quốc.

Lo ngại mức độ phóng xạ, Hàn Quốc cũng đã cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản. Ngày 3/7, lãnh đạo đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền ở Hàn Quốc cho biết lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ tỉnh Fukushima của Nhật Bản sẽ được áp dụng vô thời hạn cho đến khi người dân không còn lo ngại.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản chuẩn bị xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

Số liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho thấy giá trị nhập khẩu hải sản Nhật Bản của Hàn Quốc trong năm 2022 đã chạm mức cao nhất của 12 năm do việc nhập khẩu các loại cá sống đắt đỏ tăng.

Hàn Quốc đã nhập khẩu 174,2 triệu USD các sản phẩm thủy hải sản từ nước láng giềng trong năm 2022, tăng 12,2% so với một năm trước.

Đây cũng là mức tăng giá trị nhập khẩu hải sản Nhật Bản lớn nhất kể từ năm 2010, một năm trước khi xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Hàn Quốc đã cấm nhập khẩu toàn bộ thủy hải sản từ 8 quận xung quanh nhà máy Fukushima của Nhật Bản trong năm 2013 do những lo ngại về mức độ rò xỉ phóng xạ từ sự cố trên. Nhập khẩu hải sản Nhật Bản đã giảm trong bốn năm sau thảm họa, trước khi ghi nhận mức tăng trở lại.

Giá trị nhập khẩu, ở mức khoảng 210 triệu USD trong năm 2010, đã giảm xuống 91 triệu USD trong năm 2014, trước khi tăng một năm sau đó và tăng lên 120 triệu USD trong năm 2019. Con số này đã giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tăng lên 160 triệu USD vào năm 2021.

Mức tăng trong năm 2022 chủ yếu do nhập khẩu các mặt hàng cá sống đắt đỏ, chiếm khoảng 48% trong tổng số, tương đương 84 triệu USD.

Về khối lượng, nhập khẩu hải sản Nhật Bản ở mức 32.588 tấn trong năm 2022, mức cao của 5 năm nhưng chỉ bằng 40% so với mức của năm 2010./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)