Thúc đẩy hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ giữa Việt Nam-Ireland
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 21:15, 12/07/2023
Phó Đại sứ Tô Minh Thu làm việc với Đại diện Bộ Đại học, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của Ireland. (Nguồn: TTXVN phát)
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 10/7, Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã có chuyến thăm và làm việc với Đại diện Bộ Đại học, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của Ireland (DFHERIS) nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Ireland.
Giáo dục, đào tạo được xem là một lĩnh vực hợp tác quan trọng trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam-Ireland.
Hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục lần đầu tiên vào năm 2011 và lần thứ hai vào năm 2016 (giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Giáo dục và Kỹ năng).
Ireland đã cung cấp khoảng 185 suất học bổng cho Việt Nam thông qua hai chương trình IDEAS1 và IDEAS2 (Chương trình Phát triển và Chia sẻ Kinh nghiệm và Phát triển Ireland).
Hai bên cũng đã thành lập Nhóm chuyên gia về hợp tác giáo dục giữa Ireland và Việt Nam vào tháng 9/2017 với mục đích chia sẻ kinh nghiệm giáo dục và xác định các lĩnh vực hợp tác mới.
Bên cạnh đó, 10 cặp trường đại học đối tác của hai bên đã được lựa chọn cho Chương trình Hợp tác giáo dục Việt Nam-Ireland (VIBE) với mức hỗ trợ tối đa từ Đại sứ quán Ireland tại Hà Nội là 70.000 euro/năm giai đoạn 2018-2019.
Tại buổi làm việc, Phó Đại sứ Tô Minh Thu đã đánh giá cao kết quả các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học giữa Việt Nam và Ireland trong thời gian qua, đặc biệt các chương trình học bổng đại học và sau đại học mà Ireland đã cung cấp cho sinh viên Việt Nam. Hiện có khoảng 150 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Ireland.
Phó Đại sứ Tô Minh Thu đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác trong nghiên cứu, trao đổi sinh viên, trong đó tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương để tăng cường và củng cố số lượng, phạm vi và chất lượng của các chương trình giáo dục chung giữa 10 đối tác trường Việt Nam và Ireland đã được lựa chọn cho Chương trình Hợp tác giáo dục Việt Nam-Ireland (VIBE); tiếp tục thúc đẩy triển khai Đề án 89 của Việt Nam tới các trường đại học Ireland cũng như quảng bá Ireland là điểm cho các nghiên cứu sinh Việt Nam; tiếp tục trao đổi, tìm kiếm các chương trình học bổng mới thay thế cho Chương trình IDEAS do chính phủ Ireland tài trợ đã kết thúc năm 2021.
Về khoa học công nghệ, Ireland là một trong những quốc gia đổi mới hàng đầu của châu Âu.
Ireland hiện đứng thứ nhất thế giới về phổ biến tri thức, thứ 3 về tác động tri thức, thứ 5 về hấp thụ tri thức, thứ 12 về quốc gia đổi mới và thứ 12 trong bảng xếp hạng khoa học toàn cầu về chất lượng tổng thể của nghiên cứu khoa học.
Ireland có trọng tâm chiến lược trong phát triển hệ sinh thái nghiên cứu và coi đây là một phần không thể thiếu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đặt mục tiêu đi đầu trong các công nghệ mới, đặc biệt là trong lĩnh vực giảm phát thải và số hóa.
Các khoản đầu tư nghiên cứu quy mô hiện có ở Ireland nằm trong các lĩnh vực chiến lược như: công nghệ nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, vật liệu mới, sản xuất tiên tiến, công nghệ thông tin, khí hậu, năng lượng và công nghệ tái tạo, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng...
Phó Đại sứ Tô Minh Thu cho rằng trong nhiều năm qua, khoa học và công nghệ luôn đồng hành cùng đất nước, đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới đất nước của Việt Nam.
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, khoa học và công nghệ đã trở thành một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam. Việt Nam đã và đang triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Trên cơ sở đó, Phó Đại sứ Tô Minh Thu đề nghị Bộ DFHERIS tiến hành trao đổi hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Ireland và Việt Nam, thông qua đầu mối Văn phòng Khoa học và công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh và Vụ hợp tác quốc tế DFHERIS để thúc đẩy hợp tác trên một số lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là các lĩnh vực cùng ưu tiên của hai bên.
Về phần mình, ông Ian McKenna, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế DFHERIS, đánh giá cao hợp tác giữa Việt Nam-Ireland trong thời gian qua; đồng thời cho biết Bộ DFHERIS được thành lập vào 2019, để kết nối giáo dục đại học, nghiên cứu với đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế; giới thiệu về mô hình, cơ cấu tổ chức và những vấn đề ưu tiên trong nghiên cứu khoa học của Ireland như ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), công nghệ sinh học, môi trường, an ninh lương thực.
Theo ông Mc Kenna, hợp tác giáo dục là một trong những lĩnh vực nổi bật của quan hệ song phương giữa hai nước. Giáo dục của Ireland hiện nay đang chuyển từ các nghiên cứu hợp tác khu vực sang các vấn đề có tính chất toàn cầu. Vì vậy, các cơ sở giáo dục và các trường đại học Ireland hiện nay cũng đang tìm kiếm, xem xét các đối tác tiềm năng và thực tế trên các lĩnh vực đó.
Hiện nay, Ireland đang tổng kết và đánh giá kết quả chính sách hợp tác giáo dục với Việt Nam trong thời gian qua và đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác tiềm năng cho việc ban hành chính sách hợp tác mới dự kiến ban hành vào cuối năm nay, trong đó Việt Nam là một đối tác được nhắm tới.
Ông McKenna cũng ghi nhận các đề nghị của phía Việt Nam và mong muốn có thêm thông tin về Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, các lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh của Việt Nam để làm cơ sở cho việc hợp tác trong tương lai./.