Việt Nam tham dự Diễn đàn chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:09, 12/07/2023

Ngày 10/7, tại trụ sở Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Đoàn công tác của Tổng cục Thuế, do Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh làm trưởng đoàn, đã tham dự Hội nghị lần thứ 15 của Diễn đàn hợp tác về Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (IF on BEPS).
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 15 của Diễn đàn hợp tác về Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (IF on BEPS).
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 15 của Diễn đàn hợp tác về Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (IF on BEPS).

Hội nghị lần thứ 15 của IF on BEPS diễn ra trong 3 ngày, thảo luận về các nội dung liên quan đến giải pháp “2 trụ cột cải cách thuế toàn cầu để ứng phó với các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số”.

Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đề cập đến các chiến lược lập kế hoạch thuế được sử dụng bởi các doanh nghiệp đa quốc gia nhằm khai thác các lỗ hổng và sự không phù hợp trong các quy tắc thuế để tránh nộp thuế.

Sự phụ thuộc của các nước đang phát triển ngày càng nhiều hơn vào thuế thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp đa quốc gia, khiến cho các nước này phải chịu BEPS một cách không công bằng. Các hoạt động BEPS khiến các quốc gia thiệt hại từ 100-240 tỷ USD doanh thu hằng năm.

Tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh trình bày tham luận về việc triển khai Trụ cột Hai về thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Ông Đặng Ngọc Minh cho biết, với sự hỗ trợ của Ban Thư ký OECD thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, phiên họp dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, Bộ Tài chính Việt Nam đã có Báo cáo Chính phủ vào tháng 6 về việc áp dụng Quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GloBE) tại Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 10 tới và dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

Quốc hội Việt Nam sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó dự kiến bao gồm Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT).

Các quy định này được Việt Nam nội luật hóa đảm bảo tuân thủ Quy định mẫu và các hướng dẫn theo chương trình Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận toàn cầu. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sẽ lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp và các Bộ, ngành có liên quan trong mùa hè này trước khi Quốc hội chính thức xem xét thông qua dự kiến vào tháng 10 năm nay.

Việt Nam tham dự Diễn đàn chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận ảnh 1

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh trình bày tham luận tại Diễn đàn IF on BEPS lần thứ 15.

Hội nghị lần thứ 15 của diễn đàn IF on BEPS dự kiến thông qua văn bản tuyên bố kết quả “2 trụ cột,” gồm dự thảo Hiệp định đa phương về khoản A (thu nhập của doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu trên 20 tỷ USD và vượt tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu 10%) của Trụ cột Một, khoản B (thu nhập tiếp thị và phân phối theo giá thị trường) của Trụ cột Một, quy tắc quyền đánh thuế của nước nguồn (STTR) trong Trụ cột Hai và chương trình hỗ trợ triển khai thực hiện.

Giải pháp 2 Trụ cột dựa trên sự đồng thuận có vai trò quan trọng đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trong hệ thống thuế và củng cố khuôn khổ thuế quốc tế trước các mô hình kinh doanh mới và đang thay đổi.

Trong khuôn khổ diễn đàn IF on BEPS, hơn 135 quốc gia và khu vực pháp lý đang hợp tác thực hiện 15 biện pháp để giải quyết tình trạng trốn thuế, cải thiện tính nhất quán của các quy tắc thuế quốc tế và đảm bảo môi trường thuế minh bạch hơn.

KHẢI HOÀN - MINH DUY